TNO

Hãy dạy về sex từ khi con 2 tuổi

19/07/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Liệu các bà mẹ Việt có cách 'vào đề' tự nhiên và cởi mở khi muốn dạy con về giới tính?

(iHay) “Lâu rồi con muốn đề cập vấn đề này với mẹ nhưng con không biết phải nói thế nào”. Có lẽ đây là câu nói mà bất cứ người mẹ nào cũng muốn con mình thổ lộ. Cha mẹ hãy tạo lòng tin cho con để trẻ có thể mở lòng chia sẻ những điều thắc mắc thầm kín và nhạy cảm nhất.

>> Biết nói với con thế nào về… bao cao su?

 

“Trốn tránh, ngại ngùng”

“ - Con có nghĩ  chút nào về phụ nữ không Dane? - Meggie hỏi giọng băn khoăn.

Dane mỉm cười:

- Chim và bướm, có phải mẹ muốn nói thế?

- Về chuyện này, con không dốt đâu, nhất là khi có một người chị như Justine!

- Không phải chuyện đó. Mẹ muốn hỏi con đơn giản thôi, con có từng áp dụng trong thực tế những bài học của Justine?

Dane trườn lên bãi cỏ đến sát bên mẹ. Cậu ta nhìn thẳng vào mắt mẹ:

-  Lâu rồi con muốn đề cập vấn đề này với mẹ nhưng con không biết phải nói thế nào”.

Trên là một đoạn trò chuyện của của nhân vật Meggie và con trai trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Đây là lần duy nhất hai mẹ con Meggie trò chuyện về vấn đề giới tính. Tuy nhiên, Dane nói với mẹ rằng, cậu không thích lấy vợ mà chỉ muốn đi tu. Meggie ôm con, cảm nhận làn da cậu mịn như nhung. Cô tiếc nuối: “Từ nay sẽ không có một cô gái nào có thể được chạm vào làn da mềm mại này”.

Liệu các bà mẹ Việt có cách “vào đề” tự nhiên và cởi mở như thế không khi muốn dạy con về giới tính?

Và đây là một câu chuyện của bà mẹ đang có bầu, khi con gái 8 tuổi thắc mắc: “Sao mẹ lại mang thai?”. Người mẹ vòng vo một hồi rồi sực nhớ: Con chưa đọc truyện Sọ Dừa sao. Mẹ Sọ Dừa đi ra bờ sông, thấy một bàn chân to lạ thường nên đặt chân mình vào, sau đó bà mang thai và đẻ ra Sọ Dừa. Con gái cãi lại: “Mẹ Sọ Dừa uống nước trong vỏ dừa mà”. Mẹ lúng túng: “Cả hai đều đúng”. Con hỏi thêm: “Mẹ giẫm vào bàn chân hay mẹ uống nước dừa mà có thai?”. Bà mẹ nghiêm mặt: “Con nít lo học đi, hỏi toàn chuyện vớ vẩn”.

Một cậu bé 4 tuổi sống ở nhà toàn anh, em trai. Ngày đầu tiên đi học, về nhà cậu kể đã làm quen với một bạn gái tên Khánh Thy. Nhưng sau đó bé thắc mắc?”. Bé vừa dứt câu, mẹ đã trợn mắt chỉ tay vào mặt: “Đi học chỉ lo nhìn những thứ bậy bạ. Mai sẽ thưa với cô để cô phạt”. Cậu bé mặt tái mét, môi mấp máy không nói nên lời.

“Vớ vẩn, bậy bạ”, đó là những từ mà cha mẹ thường dùng để la mắng khi con trẻ vô tình hay cố ý đề cập đến vấn đề giới tính hoặc về sự khác biệt giữa nam và nữ. Chính vì thế, đứa bé luôn cảm thấy có lỗi và xấu hổ khi chúng có thắc mắc về những điều nhạy cảm. Cho nên để thỏa tò mò, chúng tự tìm hiểu qua nhiều phương tiện. Khi đã hiểu rõ nhưng lại thiếu kiến thức, thiếu sự định hướng chúng có thể lạc hướng bất cứ lúc nào. Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, nuôi con sao cho khỏe mạnh, thông minh, cao lớn với thời đại này không hề khó nhưng dạy con về giới tính trong một xã hội “mở” như hiện nay lại vô cùng khó khăn. Vậy phải bắt đầu từ đâu, khi nào và phải “vào đề” làm sao để cha mẹ và con trẻ có thể trò chuyện về giới tính, về sức khỏe tình dục, an toàn tình dục một cách thoải mái và hiệu quả nhất? 

 Dạy con về giới tính

“Dạy sex từ tuổi lên 2”

Với gia đình phương tây, việc dạy giới tính cho con rất dễ dàng nhưng phần lớn gia đình Việt Nam vẫn còn tâm lý ngại ngùng, xấu hổ khi cha mẹ con cái trực tiếp thảo luận, chia sẻ về vấn đề này. Vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, để dạy con trẻ về giới tính một cách hiệu quả nhất thì 2 tuổi là có thể bắt đầu. Trong giáo dục giới tính có các giai đoạn cơ bản:

Từ 2 đến 5 tuổi: Đây là độ tuổi trẻ thích nghịch bộ phận sinh dục khi đang tắm hoặc lúc thay đồ. Bé đã bắt đầu thắc mắc mình sinh ra từ đâu, tại sao các bạn trai lại đứng tè, tại sao vú mẹ lại to hơn con... Cha mẹ không nên ngại ngùng hay trả lời qua loa  mà phải trả lời một cách đơn giản và dễ hiểu nhất cho bé. Tốt nhất đừng để đến khi bé thắc mắc mà hãy chủ động trò chuyện trước với con, giải thích từng bộ phận trên cơ thể và những chỗ nào không được cho người khác đụng vào. Khi trẻ thắc mắc con sinh ra ở đâu,  cha mẹ không nên nói kiểu như “nhặt được, bà tiên tặng”  hoặc “cha mẹ ôm hôn nhau nên sinh ra con”... Lúc này cần phải nói với trẻ rằng, con là kết quả tình yêu của cha mẹ, mẹ là người sinh ra con, sau này con lớn mẹ sẽ nói rõ hơn cho con.

Từ 6 đến 11 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ phát triển và chuẩn bị dậy thì, có một số bé gái đã dậy thì. Cha mẹ hãy tìm hiểu về sự phát triển cơ thể trẻ ở độ tuổi này để có kiến thức giải thích và dạy con đúng đắn.

Với bé gái, hãy nói cho trẻ biết khi dậy thì, con sẽ có sự thay đổi tâm sinh lý. Đây là lúc con đang lớn, không có gì phải lo lắng hay sợ hãi, chỉ đơn giản là con đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Mẹ nên dạy con biết phải làm gì trong ngày hành kinh, hướng dẫn trẻ biết cách vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục...

Đối với bé trai, cha mẹ hãy tâm sự với bé và cho con biết, đôi khi ngủ dậy quần bị ướt, rồi có những khi dương vật bỗng dưng cương cứng, đó là điều hoàn toàn bình thường của một cậu bé đang lớn, không có gì phải lo lắng, sợ hãi, xấu hổ.

Cha mẹ cần cho trẻ biết những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì để trẻ có thể cảm thấy bớt lo lắng hơn, những tình bạn khác giới của trẻ lúc này cũng rất khó hiểu, thất thường và không ổn định, trẻ hay ngại ngùng sợ bị ghép đôi, vì vậy bố mẹ nên nói cho trẻ hiểu và phân biệt giữa các rung động đầu đời, tình cảm yêu thương. 

Từ 12-17 tuổi:  Bé gái có kinh nguyệt, ngực phát triển, giọng nói thay đổi: thanh hơn, trong hơn, mặt bắt đầu có mụn, lông mu phát triển. Bé trai bắt đầu vỡ tiếng, giọng ồm trầm hơn, lún phún râu và mặt có mụn trứng cá, lông mu, lông nách xuất hiện. Lúc này tâm lý thay đổi, trẻ dễ cáu gắt, nhạy cảm, dễ xúc động, dễ rung động bởi tình cảm khác giới, có cảm xúc và tò mò về bạn khác giới, bắt đầu có những tình yêu tuổi học trò...

Giai đoạn này, cha mẹ cần phải nói chuyện nghiêm túc các vấn đề như cảm giác rung động đầu đời với người khác phái, việc quan hệ vợ chồng, các phương pháp tránh thai, khả năng mang thai và sinh nở. Tuyệt đối không nên ngăn cấm trẻ có cảm xúc yêu thích bạn khác phái nhưng phải dạy cho con biết phải yêu như thế nào để không lơ là việc học. Có thể kể cho con nghe những kỷ niệm thời học sinh, về người mà cha mẹ có cảm tình và tình cảm trong sáng... Cha mẹ cần hướng dẫn con không nên đi quá giới hạn, sẽ vi phạm pháp luật và để lại hậu quả xấu.

Biên Thảo

>> Làm sao để dạy con biết kiềm chế sự tức giận?
>> Bạn đã dạy con trẻ cách thoát hiểm?
>> Dạy con bằng Facebook...kiểu Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.