Biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác
Trong đời ai cũng ít nhất một lần đến bệnh viện. Người thầy thuốc, trước hết nên đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để xử lý công việc bởi ngoài kiến thức y học, họ còn được trang bị kiến thức của một nhà tâm lý. Sự sống là vô giá, chưa bao giờ người bệnh trả giá cho việc mua thuốc để chữa bệnh. Giữa cái sống và nguy cơ sẽ phải chết, người bệnh cần được sự tin tưởng, an tâm khi đến với người thầy thuốc mà mình trao gửi tính mạng. Trong khi đó, nhiều bệnh viện công có đội ngũ y BS có thái độ rất quan liêu, coi thường bệnh nhân (BN). Hãy có một cách tiếp cận sao để BN tin tưởng, yên tâm.
Vũ Thảo Nguyên (thanhhoang32@ymail.com)
Đừng tự đề cao mình quá!
Tôi là giáo viên nên hay gọi học trò bằng “em”. Một hôm con tôi bị bệnh viêm phế quản, tôi đưa cháu vào khám tại một bệnh viện. Một BS nam trông còn rất trẻ khám cho cháu, khi cung cấp thông tin, tôi vô tình gọi BS bằng "em", vị BS này liền quay sang trừng mắt nhìn tôi hỏi: "Bà nói ai em?". Tôi vội vàng xin lỗi. Sau này, tôi cứ tự hỏi: Đã là BS thì không ai được gọi họ là em, là con hoặc cháu sao? Họ xa cách vậy sao? Theo tôi thì BS cũng là một nghề như nhiều nghề khác, ai trồng lúa cho BS có gạo ăn? Ai dệt vải cho BS mặc? Ai chế tạo xe cho BS đi... Người ta tôn trọng BS là tôn trọng những con người có học thức, có kiến thức y học, làm cái nghề cao quý đó là cứu người và quan trọng là họ có y đức, chứ đâu ai tôn trọng các BS thiếu y đức. Vì vậy, các BS không có y đức cần nhìn nhận lại mình, đừng tự đề cao mình quá.
Hệ quả của một quá trình
Theo tôi, tình hình nhiều BS bị người thân của BN hành hung gần đây chính là hệ quả của hàng loạt lý do: Thứ 1: Hiện nay, số lượng bệnh viện lớn trên toàn quốc quá ít so với tốc độ tăng dân số. Đa số BN khi có bệnh hơi nặng thì đều đổ về bệnh viện lớn để điều trị. Điều này khiến các bệnh viện lớn luôn quá tải. Chính lý do này đã trực tiếp gây ra sự căng thẳng tâm lý, ức chế cho nhiều BS và hậu quả là nhiều sai sót trong điều trị đã xảy ra, và nhẹ hơn là thái độ cáu gắt của BS dành cho BN; Thứ 2: Chúng ta không thể phủ nhận rằng, hiện nay việc chữa trị dành cho người có tiền khác hẳn với người chữa bệnh bằng bảo hiểm, người nghèo. Người giàu có, quen biết rộng sẽ có những ưu ái riêng. Còn người nghèo, họ nằm chung trong phòng với 2-3 người trên cùng giường bệnh, BS cũng khó mà quan tâm tận tình được. Điều này lại gây ra ức chế cho BN nghèo, chiếm tỷ lệ khá lớn trong các bệnh viện hiện nay; Thứ 3: Trong các bệnh viện vẫn luôn xảy ra chuyện tiêu cực. Muốn được chữa trị sớm, được BS có tay nghề chuyên môn cao, thì người nhà BN phải tốn một số tiền gọi là "lót tay" cho điều dưỡng, BS... Chính những tiêu cực, những người BS biến chất này, dù chỉ chiếm số ít nhưng lại gây ra "hiệu ứng" rất lớn. Khi không có tiền hay không muốn tốn tiền thì cái cách dùng đến... bạo lực, hành hung, ra oai lại được áp dụng. Xét cho cùng, hiện tượng xấu này đến từ một hệ thống y tế đang không theo kịp sự phát triển của dân số, không điều chỉnh kịp theo nhu cầu của xã hội. Nếu không có cuộc cải tổ lớn, điều chỉnh kịp thời thì có lẽ những sự việc đáng tiếc này sẽ còn kéo dài, và ngày càng trầm trọng hơn.
Phạm Châu (phamchaudn@yahoo.com)
Nhân văn trong ngành y
Nếu ai đã từng phải đưa người thân đi cấp cứu, sẽ thấu hiểu nỗi bức xúc của BN. Đáng nói nhất là thái độ, y đức của phần lớn BS, y tá ngày nay xuống cấp trầm trọng, coi thường tính mạng của đồng loại. Tôi may mắn đã ra nước ngoài, cụ thể ở Thái Lan và được chứng kiến việc cấp cứu ở một bệnh viện công, cũng rất đông BN nhưng thái độ của nhân viên, BS với BN ở đây đạt đến một đẳng cấp cao hơn hẳn về mặt nhân văn so với ở ta. Mặc dù BN bên đó được chữa hoàn toàn miễn phí, BS không có một xu lót tay hay không bao giờ họ nhận lót tay. Nhà nước ta cần có những biện pháp, chính sách cho BS và BN một cách đúng đắn, nếu không những vụ việc hành hung BS e sẽ còn tiếp diễn.
Cải thiện cái cốt lõi
Đa số người dân đều rất tôn trọng y, BS, không ai muốn gây khó dễ, thậm chí gây thương tích cho BS. Chúng ta cần xem lại y đức và năng lực của đội ngũ y BS hơn là tìm biện pháp tăng cường an ninh, vì đây mới là cốt lõi của vấn đề. Hãy thử nghĩ xem một khi giọt nước đã tràn ly thì dù có hàng trăm vệ sĩ thì bệnh viện đó có ngăn được sự phẫn nộ của người dân? Sự kiện Bệnh viện đa khoa Năm Căn ở Cà Mau làm chết một thiếu nữ hồi tháng 6 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Thanh Đông
(tổng hợp)
Bình luận (0)