Tê tay và khó duỗi các ngón tay
Chị N.T.H.L (37 tuổi, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) đến khám trong tình trạng tê tay trái, có lúc không duỗi ra được, gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như công việc của chị. Chỉ đến khi được các bác sĩ thăm khám, đo điện cơ đồ mới phát hiện chị bị Hội chứng ống cổ tay và nguyên nhân là do sử dụng các thiết bị cầm tay quá nhiều. “Vì tính chất công việc là nhân viên văn phòng thường xuyên sử dụng máy vi tính, trong thời gian rảnh lại tranh thủ lướt điện thoại, về nhà lại bận rộn với những việc nội trợ nên không lường trước được sẽ ảnh hưởng đến bàn tay như thế này”, chị L. chia sẻ.
Tương tự, chị L.T.B.H (42 tuổi) thì lại có thói quen nhắn tin trên điện thoại khá nhiều và trả lời mail qua điện thoại do công việc của chị thường xuyên chạy bên ngoài. Chị H. cho biết gần đây ngón tay cái cảm thấy tê và đau, nhiều khi dùng ngón tay cái lướt điện thoại cũng rất khó. Sau khi đi khám, chị mới biết mình đang bị “ngón tay cò súng” và may mắn là chỉ cần phải uống thuốc kháng viêm để giảm phù nề và tê nhức mà chưa cần đến phải phẫu thuật hoặc nặng hơn là chuyển sang các ngón khác.
Thủ phạm là thiết bị cầm tay
Theo báo cáo thị trường ứng dụng điện thoại di động của Appota, tỷ lệ người Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) lên tới 72% và sử dụng ngay khi ngủ dậy. Bên cạnh máy tính xách tay, máy tính bảng thì các smartphone cũng đã trở thành công cụ làm việc chính thức của nhiều người (chiếm 25%). Điều này có nghĩa, các thiết bị cầm tay đã được sử dụng thường xuyên hơn và hầu như không thể thiếu trong một ngày làm việc của chúng ta. Tuy nhiên rất nhiều người có lẽ không ý thức hết được các tác hại cũng như hậu quả của các thiết bị này ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các bệnh ở vùng cổ bàn tay.
Theo ThS-BS Hà Nguyên Minh Quang - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết: “Các bệnh lý này thường gặp nhất ở nữ, độ tuổi tầm 40 trở lên, thường xuyên phải sử dụng tay nhiều như may vá, lái xe, nội trợ… và đặc biệt là nhóm nhân viên văn phòng, bởi ngoài máy vi tính họ còn có thói quen sử dụng điện thoại di động cho công việc và giải trí, lại ít hay thay đổi tư thế khi sử dụng”. Chính những thói quen này gây ra tác động lớn lên vùng cổ tay, bàn tay, trong đó điển hình nhất là các bệnh lý sau:
- Ngón tay cò súng: là khi bạn cảm thấy đau ở phần gốc ở ngón tay, thường là ở ngón tay cái; khi cử động nhiều sẽ cảm thấy ngón tay co lại, không thể duỗi ra được, giống như hình dạng một cái cò súng, mặt khác sẽ nghe thấy tiếng bật khi cố gắng duỗi ngón tay ra (hay còn được gọi là ngón tay bật)
- Viêm bao gân dạng duỗi ngón cái: đau nhiều ở phía ngoài của cổ tay, lan xuống ngón tay cái theo đường đi của gân.
- Hội chứng ống cổ tay: là bệnh lý rối loạn thần kinh ngoại biên thường gặp, với các dấu hiệu như cảm giác tê đau hoặc như kiến bò ở các ngón cái, trỏ, giữa và ngón đeo nhẫn; cơ lực bàn tay bị yếu; thường xuyên đánh rơi đồ vật khi đang cầm.
Các bệnh lý vùng cổ bàn tay tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh, mạch máu, teo cơ. Nếu có những triệu chứng như tê tay, đau các ngón bàn tay… thì nên đi khám để được điều trị kịp thời. Đã đến lúc để đôi bàn tay bạn được nghỉ ngơi bằng cách giảm bớt khoảng thời gian dành cho các thiết bị thông minh, và tham gia các hoạt động khác để cuộc sống lại có thêm nhiều trải nghiệm phong phú.
Bình luận (0)