Sinh năm 1961, trú thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, H.Hải Lăng (Quảng Trị), là con nhà bần cố nông, ông Hoàng Lãng từng có một tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ lành lặn như chúng bạn, bay nhảy tung tăng trên đồng đất thênh thang, bơi lội dọc ngang trên dòng sông Nhùng hiền dịu. Nhưng, một tiếng nổ chát chúa sau chiến tranh đã cướp đi hình hài “hiển nhiên” ông có ở “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Hai tay của ông nát bươm sau một sai lầm, tháo quả mìn để lấy vỏ làm đồ trang trí cho gian nhà rách…
Tôi ơi, đừng tuyệt vọng
“Chán nản và tủi thân lắm, người ta ai cũng có tay mà mình thì cụt lủn. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi cũng đủ tiếp tục úp mặt xuống gối khóc rưng rức. Tôi đã tự nhốt mình trong nhà suốt một năm trời, không làm việc, không bè bạn, không gì cả. Sáng ráo hoảnh nhớ đôi tay của mình, cố trông đến tối để nằm mơ, gặp Bụt ban cho điều màu nhiệm…” - mắt ông Lãng như nhòe đi khi lục tìm kí ức. Nhưng chẳng có một phép màu nào cả, có chăng chỉ là sự an phận đã rồi của chàng trai còn quá nhiều khát vọng dở dang. Dạo đó, tuy tật nguyền nhưng ông đã kiếm được những công việc loàng xoàng trong hợp tác xã vì có chút chữ nghĩa. Hết đi làm bảo vệ rồi nhảy qua làm thủy nông… Cuộc đời ông trôi thật nhanh chẳng để lại gì và ông cũng chẳng mấy khi bận tâm. Ông Lãng tiếu lâm rằng dường như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng dành riêng cho ông. Cho đến một ngày tình yêu nảy nở trong trái tim chàng trai tội nghiệp, chỉ cần nghĩ đến từ “yêu” cũng thảng thốt giật mình. “Yêu mà nào có dám mở lời, yêu mà chỉ dám đứng nhìn đằng xa, hễ giáp mặt là run rẩy không biết sao để thu giấu hai cùi tay xấu xí…” - ông Lãng chép miệng. Ấy vậy cô thôn nữ ngoan hiền Hồ Thị Dưỡng đã yêu rồi ngã vào lòng ông như một món quà diệu kì mà dường như tạo hóa đã “sửa sai” cho những “lỗi lầm” gây ra cho ông dạo trước. Lim dim nhẩm đếm những tháng năm vợ chồng sớm tối bên nhau, ông Lãng buột miệng: “Có lẽ, cuộc đời tôi đổi thay từ dạo đó...”.
|
Từ kình ngư…
Đứng trước người đàn ông rặt chất nông dân, thật khổ sở cho tôi khi buộc mình phải tin rằng đó là một kình ngư cấp… quốc gia. Để dễ… vào đề, tôi mời ông một điếu thuốc và toan quẹt lửa thì ông nhíu mày, rồi điệu nghệ ghè cùi tay châm thuốc trước con mắt tròn xoe của tôi, người vừa mới vài giây trước nhìn ông ái ngại. Rít một hơi, ông cười khà: “Từ những điều nhỏ nhất mình cũng phải tập làm cho quen, khỏi phải dựa dẫm vào ai”. Vận vào câu “có phúc biết lội/có tội biết trèo”, ông Lãng cho rằng mình phúc nhiều hơn tội và cái phúc ấy dẫn dụ ông đến với những hội bơi của làng. Ngày đầu ông đi dự thi trên huyện, nhiều kẻ ác khẩu dè bĩu rằng: “Cụt mà còn còn bày đặt, chết chìm lúc nào không biết”. Ông nghe nhưng không giận, chỉ biết nhoài mình hết cỡ trên đường đua xanh, sự cố gắng đó đã lọt vào mắt các nhà tuyển trạch.
Thoáng giật mình với hàng chục bộ huy chương treo la liệt trong nhà của “kình ngư không tay”, nhưng tôi thực sự choáng hơn khi nghe về thành tích mà ông liệt kê: năm 2003 đạt 4 HCĐ tại giải bơi toàn quốc tổ chức ở TP.HCM; tại Hà Nội năm 2004 ông rinh 2 HCV; năm 2005 tại TP.HCM ông phá kỉ lục quốc gia cự ly 200m bơi ếch; năm 2008 đạt 2 HCB tại Đà Nẵng… Riêng ở giải cấp tỉnh thì vô số huy chương. “Con cá phải có vây mới bơi giỏi. Vì không có tay nên tôi tập bơi ếch, đây cũng là sở trường của tôi. Tính tôi hay tự ti nên đã không mê thì thôi chứ mê thì phải làm cho được, làm cho hơn người” - ông Lãng tự hào.
Vãn chuyện thể thao, tôi đánh bạo xin phép sờ vào hai cùi tay cụt lủn của ông rồi buột miệng khen mềm… Ông Lãng cười rằng rặc một tràng rồi nhếch mép: “Đừng thấy nó “dễ thương” thế mà xem thường, chừ đổi 2 cánh tay lành lặn lấy 2 cùi tay ni chưa chắc tui đổi mô nghe”. Nói đoạn ông “rút” điện thoại ra dùng cùi tay biểu diễn bấm phím thoăn thoắt. Liếc về phía tôi, ông nói: “Tui chơi sang, chỉ gọi chứ ít khi nhắn tin vì nhắn tin… mỏi lắm”.
... đến triệu phú
Đến người không có một rẻo đất cắm dùi cũng tự an ủi rằng “thôi thì mình còn đôi bàn tay” nhưng chỉ thế thôi ông Lãng cũng không có… Ông tặc lưỡi nếu cứ ngồi mà so đo thì đời ông đã không được như ngày hôm nay. Tôi hiểu cái “ngày hôm nay” của ông là một gia đình một vợ, ba con và cơ nghiệp 30 ha rừng trồng cùng một trang trại hơn 3 ha trên đồi Nà Tiên lộng gió. “Lúc mình xin cấp đất người ta phân cho trên đồi Nà Tiên nước độc rừng thiêng, chỉ toàn bụi và lau lách. Tiền không có, con còn nhỏ, hai vợ chồng tôi hì hục phát quang cả mấy chục ha” - ông Lãng rùng mình. Ông kể có lúc cái cuốc, con rựa không chịu “nghe lời” làm cùi tay ông sưng vù, trầy xước nhưng ông lấy vải quấn lại tiếp tục… phát. Những năm 2003-2006 là khoảng thời gian thực sự khó khăn đối với ông và gia đình. Khốn nỗi, ông Lãng không có ý định dừng lại. Năm 2005, ông dựng thêm 1 trang trại rồi trồng chuối, trồng sắn, nuôi bò, nuôi gà… đủ kiểu. Ông nói rằng, ông giờ như mang ơn “biến cố tuổi mười bảy” ấy, bởi khi biết mình thua kém người, ông đã làm việc gấp đôi, gấp ba để bù lại.
Tôi cùng ông ghé lên trang trại khi trời đã trưa. Trên con đường này, hẳn chẳng còn một mét đất nào không có dấu chân ông Lãng. Nhìn quanh một lượt trang trại, tôi tặc lưỡi nếu mình ở đây, không chết vì hùm beo thì cũng chết vì… buồn, khi giữa mênh mông, thèm nói chuyện cũng chẳng có lấy một mống mà nói. Ấy vậy mà ông Lãng đã “chịu đựng” cả mấy năm trời… Thời gian qua mau, giờ những người dân trong thôn Mai Đàn bé nhỏ này đã gọi ông là “triệu phú” thay cho cái tên Lãng “cụt” nghe có phần khinh miệt. Nhiều người còn kháo nhau ông đã là… tỉ phú. Bà Dưỡng, vợ ông, cũng thơm lây khi lúc lấy ông người ta xem là dại thì giờ lại được khen là… có mắt nhìn người. Cũng đúng thôi khi khối người lành lặn nằm mơ giữa ban ngày cũng chẳng có cơ ngơi như ông. Nhiều người trong số đó đã đến tìm ông để học cách làm giàu. “Tui chừ cũng chưa có chi nhiều, nhưng anh em đến cũng vui vẻ. Họ hỏi chi tui nói nấy nhưng tui thường “khích tướng” rằng tui như ri mà còn làm được huống chi là mấy anh” - ông cười.
Nhìn dáng hình của ông lẫn trong hàng sắn xanh rì, tôi thầm nghĩ mình thật may mắn khi được gặp ông, được biết ông. Và tôi tin chắc rằng, mình sẽ nhớ đến ông một lúc nào đó khi vấp ngã giữa dòng đời. Vô thức, tôi lẩm bẩm giai điệu “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…” của cố nhạc sĩ họ Trịnh trên đoạn đường trở về thành phố.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)