Hãy là một bệnh nhân thông thái

27/02/2017 11:01 GMT+7

Y học là một ngành nghề đặc thù trong việc chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho con người và cộng đồng. Ngày Thầy thuốc VN 27.2 đã trở thành một ngày hội lớn trên cả nước, tôn vinh những đóng góp của ngành y tế VN cho xã hội.

Tuy nhiên, để có thể có được một kết quả chăm sóc sức khỏe tốt, việc cải tiến, kiện toàn đội ngũ y tế là điều thiết yếu, nhưng sự đóng góp của đối tượng chính của ngành y tế là bệnh nhân và toàn xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Mặc dù ra đời sau rất lâu so với các phương thức trị bệnh cổ truyền, nền y học thực nghiệm hay y học Tây phương (gọi tắt là tây y) đã dần vững chắc chứng tỏ là một nền y học ưu thế và nổi trội trong việc chữa trị bệnh không chỉ ở phương diện bệnh nhân cá thể mà còn cả cộng đồng ở trên phạm vi toàn thế giới. Một trong những lý giải khả dĩ nhất cho sự ưu việt đó có lẽ là cách thức tiếp cận bệnh lý bằng phương pháp khoa học có hệ thống và truyền thừa một cách bền vững.
Từ những thập niên cuối của thế kỷ 20, tây y đã bắt đầu chuyển hướng từ việc chữa bệnh sang chữa người bệnh, trong chuyên môn gọi đó là y học thực chứng. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong nền y học thực nghiệm, khi đối tượng phục vụ được đặt đúng vị trí và mục đích của công việc.
Hãy là một bệnh nhân thông thái2
Vai trò tích cực của bệnh nhân trong việc chữa trị bệnh là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự kiện toàn trong công tác chăm sóc sức khỏe thời hiện đại Ảnh: Shutterstock
Y tế trở thành một tổ chức cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ là bệnh nhân. Người thầy thuốc phải coi mỗi một bệnh nhân là một thực thể duy nhất.
Người thầy thuốc cần phải sử dụng các bằng chứng y học hiện hành để áp dụng một cách linh động cho mỗi bệnh nhân của mình, và chỉ có người bệnh chứ không có bệnh. Mọi phương thức chữa trị và can thiệp đều được phải bàn thảo kỹ lưỡng với bệnh nhân hay người giám hộ để người bệnh có thể lựa chọn cho mình cách chữa trị. Người bệnh phải được giải thích rõ bệnh trạng của mình, những ưu và nhược điểm của từng phương pháp trị liệu hay thậm chí không có phương pháp trị liệu. Do đó, vai trò tích cực của bệnh nhân trong việc chữa trị bệnh là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự kiện toàn trong công tác chăm sóc sức khỏe thời hiện đại.

Trước hết, bệnh nhân nên coi trọng sức khỏe mình một cách sáng suốt. Ai cũng có thể biết sức khỏe là vốn quý nhất, nên việc coi trọng sức khỏe của bản thân là điều dĩ nhiên. Nhưng chúng ta cần phải sáng suốt trong việc tìm hiểu thông tin cũng như tìm nơi tư vấn sức khỏe. Trong thời đại công nghệ cao, thông tin đến với chúng ta hằng ngày tràn ngập mà đại đa số là những thông tin không chính thống, thông tin thiếu tính khoa học, thông tin nghe đi nói lại. Nhan nhản trên các trang tin điện tử khi thì chúng ta có thể nghe nhắc đến các "thần y" có biện pháp chữa trị kiểu pháp sư, các bài thuốc dân gian ưu việt, ngay cả một số các loại thức ăn hay cây trái có khả năng chữa được cả bệnh hiểm nghèo. Thậm chí còn đưa ra các trường hợp đã được thầy thuốc tây y chẩn đoán ung thư ở giai đoạn vô phương cứu chữa rồi lại khỏi bằng những bài thuốc bình dân mà ai cũng có thể tự áp dụng.
Hãy là một bệnh nhân thông thái 3
Hãy là một bệnh nhân thông thái 4
Chúng ta cần biết rằng y học là một khoa học. Đã là khoa học thì không có chính xác hay tuyệt đối mà bằng chứng được tích lũy theo thời gian thông qua sự tiến bộ về mặt nhận thức của con người. Bằng chứng này có thể đúng hay ưu việt hôm nay cũng có thể không còn phù hợp ở ngày mai. Cũng do sai số nên việc chẩn đoán không chính xác một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối chẳng hạn là hoàn toàn có thể. Và bệnh lại thuyên giảm sau khi áp dụng một biện pháp chữa trị không chính quy nào không có nghĩa đó là cách chữa trị tốt mà có thể là một sự ngẫu nhiên, và phương thức đó chưa đủ bằng chứng để nói lên hiệu quả cũng như có thể áp dụng đại trà. Tương tự như thế, các thông tin phi chính thống lan truyền trên các phương tiện thông tin đều là những kinh nghiệm truyền miệng, thậm chí có khi chỉ để tạo dựng niềm tin từ sự nhẹ dạ của mọi người mà không hề được kiểm chứng một cách có khoa học.

Trong sự bất định của cuộc sống và khoa học, chúng ta cần phải có một sự lựa chọn vào một biện pháp chữa trị để tuân theo, "giữa một cái tồi và một cái xấu, chúng ta phải chọn một". Coi trọng sức khỏe của mình một cách sáng suốt là không nên đặt niềm tin vào các phương thức chữa trị phi chính thống chưa được kiểm chứng. Đành rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân ở VN hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và nhiều vấn đề cần phải cách tân để bắt kịp với nền y học của các nước tân tiến, nhưng không vì thế mà hệ thống chăm sóc sức khỏe chính thống đó mất đi vai trò chủ đạo và tuyệt đối trong cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người dân.
Hãy là một bệnh nhân thông thái 5
Hãy là một bệnh nhân thông thái 6
Ngoài ra, khi là một người bệnh, chúng ta cần biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Người bệnh có quyền được biết đầy đủ thông tin về bệnh trạng hiện tại của mình dù là có thể đã xác định được chẩn đoán hay là chưa. Người bệnh có quyền được biết và hiểu các phương thức chữa trị hiện hành đối với bệnh trạng của mình để có họ có thể có sự lựa chọn hoặc từ chối điều trị. Chúng ta cũng có quyền đề nghị một phương thức điều trị mà chúng ta được biết, nhưng điều đó không có nghĩa là thầy thuốc phải chấp nhận đề nghị đó dựa trên sự hiểu biết của họ và bằng chứng hiện hành. Trách nhiệm của chúng ta - một người bệnh, khi đã lựa chọn phương thức điều trị đã thỏa thuận với thầy thuốc, thì cần phải hợp tác và tuân thủ theo phương thức điều trị đó theo cách hướng dẫn, và có phản hồi lại với thầy thuốc. Việc tìm kiếm các phương thức chữa trị phụ trợ là hoàn toàn hợp lý. Nhưng để tránh tốn kém vô ích, thậm chí còn nguy hiểm cho cơ thể, chúng ta nên bàn thảo với bác sĩ điều trị, với những người có kiến thức và chịu trách nhiệm chuyên môn để có những lời khuyên hữu ích.
Một người bệnh có suy nghĩ và hành động đúng đắn và tích cực là yếu tố quan trọng thúc đẩy cho người thầy thuốc phải luôn động não và kiện toàn về kiến thức, cũng như cập nhật các thông tin hiện hành nhằm để đem lại sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả cộng đồng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tinh thần trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cán bộ và nhân viên ngành y tế, mà từ đó ngày “Thầy thuốc VN” ra đời.

tin liên quan

Bác sĩ trò chuyện: Đừng để xét nghiệm rồi… lo!
Không ít lần tôi nhận các câu hỏi từ bạn bè, những thắc mắc về kết quả các xét nghiệm nhận được cũng như phương thức điều trị mà bác sĩ đưa ra, và bỗng dưng 'lợn lành thành lợn què' sau khi được điều trị. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.