>> Du lịch 2014: Lưu giữ những khoảnh khắc khó quên
>> Du lịch dài ngày da vẫn đẹp!
>> Du lịch: Cách xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ
>> Du lịch hè 2014: Bí quyết cho chuyến đi hoàn hảo: Hãy lên kế hoạch sớm!
>> Du lịch hè 2014: Trong thế giới độc nhất vô nhị của Santorini
Sử dụng sai ký hiệu tay có thể đưa bạn vào rắc rối
Ở từng nước có những ký hiệu tay khác nhau. Ví dụ tại Rio de Janeiro (Brazil), anh bồi bàn hỏi bạn món bò thế nào. Nếu đưa tay ra hiệu chữ OK thường dùng tại nhà, đó sẽ là một cử chỉ cực kỳ xấu. Còn tại Vương quốc Anh, nếu sử dụng ký hiệu chiến thắng hình chữ V với lòng bàn tay hướng vào trong sẽ cực kỳ bất lịch sự. Ở Tây Ban Nha, nếu giương ngón trỏ và ngón út trong khi các ngón còn lại nắm vào lòng bàn tay có nghĩa là bạn đang xúc phạm người đối diện. Thận trọng tìm hiểu những ký hiệu tay trước khi lên đường là không bao giờ thừa.
Đụng chạm cơ thể
Việc bắt tay, ôm hôn tùy thuộc vào từng quốc gia và giới tính. Tại các nước châu Âu như Ý và Pháp, việc nhìn vào mắt nhau và chạm vào nhau trong khi trò chuyện được cho là lịch sự hơn khi đút tay trong túi quần trong khi tại các nước Trung Đông việc chạm vào các phụ nữ Hồi giáo là điều cấm kỵ với người khác giới. Tuy vậy ở Trung Quốc và Đức thì động chạm quá nhiều lại phản tác dụng, còn tại một số nền văn hóa khác như Nigeria thì liên tục nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện sẽ gây cảm giác như bạn đang đe dọa hoặc thách thức họ. Để tránh những phản ứng tiêu cực, bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo đặc biệt khi đến các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Chú ý khi ngồi tại bàn ăn
Chống cùi chỏ lên bàn? Dọn sạch đĩa như mẹ bạn luôn nhắc nhở? Khoan hãy thể hiện bất cứ hành động nào nếu bạn được mời đi dự tiệc hoặc dùng bữa tối tại nhà hàng ở nước ngoài. Cùng với các điểm đến hấp dẫn, ẩm thực là một nét đặc biệt mà nhiều du khách muốn tận hưởng khi đi du lịch. Nhưng để đừng trở thành một người bất lịch sự vì thiếu tìm hiểu, bạn nên chú ý mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Tại Trung Đông, Ấn Độ và một vài nơi ở châu Phi, không chống cùi chỏ lên bàn và không được phép chạm vào bất cứ thứ gì trên bàn bằng tay trái. Tại Pháp, sẽ lịch sự hơn nếu bạn đặt miếng bánh mì lên bàn thay vì bỏ vào đĩa. Húp món súp xì xụp tại Trung Quốc bạn sẽ biến mình thành người nổi bật nhất bàn vì ý thức kém trong khi ngược lại tại Nhật Bản bạn có thể húp thành tiếng để thưởng thức trọn vẹn vị ngon của các món nước. Tại Thái Lan ăn cơm bằng thìa/muỗng được ưa chuộng hơn bằng đũa. Tại Brazil và Chile, không ăn bất cứ thứ gì bằng tay ngay cả với các món quen thuộc như khoai tây chiên. Tại Ý hay Cuba, để dao và nĩa bên phải đĩa có nghĩa là bạn đã hoàn thành bữa ăn nhưng ở Tây Ban Nha bạn nên đặt vào lòng đĩa. Ăn hết các phần trong đĩa tại Ecuador bạn sẽ được phục vụ món tiếp theo nhưng ở Peru người ta lại coi đó chỉ là phép lịch sự. Một chú ý chung là thông thường bạn nên chờ những người chủ bữa tiệc, người lớn tuổi, người có chức vụ cao hơn ngồi vào bàn trước và sau đó mới đến mình. Khi bắt đầu bữa tiệc cũng vậy, hãy là người bắt đầu sau sẽ luôn giúp bạn giữ được phép lịch sự tối thiểu.
Nâng cốc/ly? Hãy khoan
Việc nâng cốc/ly trước khi uống là phong tục của rất nhiều các quốc gia khi dùng các loại thức uống có cồn. Tuy vậy tại một số đất nước cụ thể họ lại có truyền thống khác. Khi một người Nga rót cho bạn ly vodka, cách lịch sự nhất là nhận và uống cạn. Cũng tương tự bạn không nên từ chối khi có ai mời một ly sake tại Nhật Bản (dù là sau đó bạn chỉ nhấp môi cũng được). Một trong những quyển sách viết về văn hóa nâng ly khá hấp dẫn là Global Etiquette Guide của Dean Allen Foster mà bạn nên mua nếu có cơ hội. Chú ý rằng tại nhiều quốc gia, thức uống có cồn bị cấm và bạn sẽ khó có thể gọi một ly bia hay rượu trong các nhà hàng địa phương tại Ả Rập Xê Út hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (trừ một số ít nhà hàng dành cho khách du lịch và được cấp giấy phép bán bia rượu).
Tiền tip
Đừng rời nhà hàng ở Mỹ hay Canada mà quên để lại tiền tip (thường là từ 10 - 15% số tiền trên hóa đơn - trừ khi dịch vụ quá tệ). Còn ở một số quốc gia tiền tip thường bao gồm luôn trong hóa đơn. Đừng để lại tip tại Nhật Bản, Úc và Brazil. Để lại 5 - 10% số tiền trên hóa đơn khi đi ăn tại Ý, Đức và Pháp. Riêng tại đất nước hình lục lăng, thường tip đã đính kèm nhưng bạn có thể tặng thêm cho các nhân viên nếu thấy mình được phục vụ tốt. Còn tại Ai Cập, Nam Phi, Nga và Hồng Kông, du khách thường để lại từ 10 - 15% số tiền trên tổng hóa đơn.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể
Bạn có biết tại Thụy Sĩ, đút tay vào túi áo, quần trong khi trò chuyện là hành động mất lịch sự. Đến Thổ Nhĩ Kỳ, hai người bạn đồng giới hoàn toàn có thể nắm tay nhau thoải mái. Tại vài quốc gia như Peru, người ta hạn chế bắt chéo chân tại vùng mắt cá còn nếu bạn bắt chéo chân trên đầu gối khi ngồi ở Ả Rập Saudi là điều cấm kỵ. Tại châu Á khi vào nhà bạn thường phải bỏ giày bên ngoài nhưng tại nhiều quốc gia Ả Rập, để người khác nhìn thấy lòng bàn chân của mình lại rất khiếm nhã.
Ăn mặc lịch sự để luôn được tôn trọng
Đi du lịch đồng nghĩa với việc bạn không phải vào công sở và ăn mặc theo lối thông thường. Nhưng nếu có thể hãy diện một bộ cánh tươm tất khi đi ăn tối trong nhà hàng sang trọng, mặc quầo và áo dài tay khi dự định đến các công trình tôn giáo như đền thờ Hồi giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo, bạn sẽ được mọi người tôn trọng và mến phục bởi sự hiểu biết của mình.
Không nhắc đến quan điểm chính trị hay chiến tranh
Mỗi quốc gia, con người đều có các quan điểm (mạnh mẽ hay cứng rắn) về những vấn đề mang tính chính trị, luật lệ và chiến tranh. Cách hay nhất là không đề cập đến các thông tin nhạy cảm này để tránh làm tổn thương đến tinh thần dân tộc hay những suy nghĩ đã ăn sâu vào trong từng con người. Bạn cũng không nên bày tỏ quan điểm cá nhân quá mạnh mẽ hay buông những lời phê bình gay gắt về một vấn đề nào đó. Hãy là những du khách biết kiềm chế, đam mê tìm hiểu và trải nghiệm hơn là bị cuốn vào vòng xoáy của những điều nhạy cảm.
Hoài Nam
Ảnh: Shutterstock
>> Nhật sắp miễn thị thực cho du khách Việt Nam
>> Du khách Trung Quốc đến Hội An tăng mạnh
>> Hàng vạn du khách dự lễ dâng hương quốc Tổ
Bình luận (0)