"Hay là muốn thịt cả họ nhà nó"

12/07/2012 15:07 GMT+7

“Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn thịt cả họ nhà nó?”, câu nói hớ này của chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn trong chuyên mục Cửa sổ tình yêu phát trên sóng VOV đang gây tranh cãi dữ dội.

*Chuyên gia Đinh Đoàn lên tiếng

“Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn thịt cả họ nhà nó?”, câu nói hớ này của chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn trong chuyên mục Cửa sổ tình yêu phát trên sóng VOV đang gây tranh cãi dữ dội.

Điều này cho thấy, làm chuyên gia tư vấn không khác gì ngồi "ghế nóng" trong các cuộc thi trên truyền hình. Như iHay.vn từng nói, ghế có 4 chân thì khán giả đã nắm hết 3,5 chân.

 Đình Đoàn
Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn trong Chương trình Cửa sổ tình yêu của Đài Tiếng 
nói Việt nam VOV - Ảnh từ website dinhdoan.net

Nói hớ

Trong đoạn audio clip dài hơn 4 phút nói trên, một thính giả gọi đến tổng đài cần tư vấn kể anh đang yêu một cô gái 22 tuổi nhưng lại được cô em 18 tuổi để ý tới. Anh chàng này xin lời khuyên từ tư vấn viên xem nên làm thế nào.

“Đến nhà chơi mà không có cô chị thì cô em gọi vào nhờ chỉ bài hay ngồi gần uống nước, không có chị lại rủ em đi chơi đi bời. Em đã quan hệ tình dục với cô chị rồi cơ mà. Bây giờ cô em như thế nên em nghĩ hay là “thịt” luôn cả hai chị em!” - thính giả trên băn khoăn.

Ngay sau đó, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn đã "vặn" lại một câu khá bất ngờ: “Em có yêu cô chị nghiêm túc, đàng hoàng không hay muốn “thịt” hết cả họ nhà nó?”.

Chuyên gia Đinh Đoàn tiếp tục: “Đã yêu nhau đến mức độ quan hệ tình dục với cô chị và nghĩ sớm muộn cũng lấy cô chị thì mình phải có cách để tạo khoảng cách với cô em để cô ấy biết mình là ông anh rể chứ không phải vớ vẩn đâu...". 

 
   Em có yêu cô chị nghiêm túc, đàng hoàng không hay muốn “thịt” hết cả họ nhà nó?
Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn

Anh chàng lại tiếp tục đưa ra tình huống khó xử: “Chẳng hạn như khi 2 anh em ngồi tâm sự với nhau, cô em cứ tiến tới nhưng em khó xử quá. Cô ấy cứ tạo tình huống cho em vào phòng riêng mà cô ấy đóng cửa phòng khiến em rất khó xử, có nghĩa là em phải kiềm chế bản năng của mình”.

Tuy nhiên, sau câu nói: "hay muốn thịt cả họ nhà nó", những lời đối thoại còn lại giữa chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn và anh chàng thính giả kia dường như ít được để ý nữa.
 
Chuyên gia Đinh Đoàn thậm chí còn "thòng" thêm một câu ở đoạn cuối audio clip: “Đây là thử thách đầu tiên chứ ngộ nhỡ mà nhà có bà cô, bà dì thích em rồi nhiều khi cứ nể nang rồi em…khổ”  

Người bênh vực, kẻ “ném đá” 

Đoạn audio clip này hiện được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội và diễn đàn cũng như trang chia sẻ clip trực tuyến trong nhiều ngày qua.

Nhiều người dùng Youtube bày tỏ không đồng tình với cách dùng từ, nói chuyện được cho là "quá sốc" của chuyên gia Đinh Đoàn trên một chương trình được phát cho số lượng lớn người nghe.

Một số khác thì quay sang "ném đá" tới tấp nam thính giả gọi đến chương trình để được tư vấn. Hầu hết cho rằng cách nói chuyện của thanh niên này không thể chấp nhận được nên có thể do bực tức mà chuyên gia Đinh Đoàn đã nói chuyện mỉa mai quá đà. Và điều đó có thể thông cảm được.

Trên Facebook, bạn trẻ tên Victor Huynh bình luận: “Nghe hỏi là biết yêu không nghiêm túc rồi. Con người chứ phải con vật đâu mà không kiềm chế được”.

Người dùng Facebook có nickname Trang Cali còn chế giễu: “Phải kiềm chế bản năng không là mất cả chì lẫn chài”.

Còn nickname Yen Hoa thì cho rằng người hỏi đã “hâm” mà người trả lời tư vấn cũng… “khó đỡ”.

Một bạn trẻ có nickname Tu Anh, thường xuyên theo dõi chương trình Cửa sổ tình yêu của VOV, đưa ra dẫn chứng để tỏ rõ thái độ không ủng hộ ông Đinh Đoàn: "Trong một lần tư vấn khác, khi có người gọi cần tư vấn vì có tình cảm cùng lúc 2 chàng trai, chuyên gia Đinh Đoàn dùng nhiều từ nhạy cảm như “ôm ấp”, “hôn hít”… khiến người kia lí nhí: “sao anh lại nói thế ạ!”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cư dân mạng bày tỏ thích cách tư vấn của chuyên gia Đinh Đoàn vì giọng hài hước và cách châm biếm rất thâm thúy. Nickname Toan LV bình luận: “Rất thích ông Đinh Đoàn tư vấn vì vừa hài, vừa chuẩn”. 

 Đoạn audio clip đã được phát cách đây vài năm

Sáng 12.7, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn đã xác nhận với iHay.vn  rằng đoạn audio clip này được trích từ chương trình Cửa sổ tình yêu của đài VOV, đã được phát cách đây vài năm. 

"Không hiểu sao audio clip này đã phát từ mấy năm trước mà giờ ai lại đi bới móc nó ra để báo chí có dịp để bàn tán nóng sốt. Và tôi cũng không hiểu lý người nó khơi lại câu chuyện này. Chắc vụ Cao Thái Sơn hay người mẫu bán dâm nghìn đô đã nguội rồi, giờ đến Đinh Đoàn bị "làm thịt" đây", chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn "hài hước" nói. 

Lý giải về việc tại sao lại xảy ra sự cố "nói hớ" như vậy trong đoạn audio clip, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn tâm sự: "Là một chuyên gia tâm lý thì chắc chắn họ không được lồng cảm xúc cá nhân khi tư vấn. Nhưng dù sao mình cũng là con người, khi gặp người khác có kiểu nói chuyện với thái độ không nghiên túc thì mình cũng hơi bức xúc, thành ra lúc ấy mình "hớ lời" dù đã trang bị các kỹ năng làm chủ bản thân. Chắc lần ấy là do mình bức xúc". 

Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn bảo mấy ngày nay ông liên tục nhận cuộc gọi từ người quen, bạn bè và thính giả yêu mến để chia sẻ về tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc nói trên. 

"Lúc này dù đang trở thành tâm điểm của dư luận nhưng tôi cảm thấy bình thường. Đến cả bác nọ bác kia còn bị "ném đá" kia mà. Mỗi người có một cách nhìn nhận riêng. Tôi cũng không trách những ai "ném đá" mình". 

Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn 62 tuổi, đã có 14 năm kinh nghiệm và gắn bó với chương trình Cửa sổ tình yêu của VOV cũng chừng ấy năm. Ông còn cộng tác với rất nhiều đài truyền hình và tờ báo trong nước.

Hiện chuyên gia Đinh Đoàn đang làm chủ một cộng ty tư vấn tâm lý tại Hà Nội. 

Để "nói lại cho rõ" về vụ “nói hớ” trong đoạn audio clip nói trên, trên websitedinhdoan.net (của chuyên gia Đinh Đoàn) đã đăng tải một bức thư khá dài gửi đến thính giả yêu thích chương trình Cửa sổ tình yêu của VOV.

Một đoạn trong bức thư viết: "Có lẽ vì mải chạy theo yêu cầu “đời thường” mà có lúc chuyên gia tư vấn quên rằng những gì mình nói được phát cho hàng triệu triệu người nghe, nên quá đà, thành ra thông tục quá. Điều này là đáng tiếc!. Chỉ có ai không làm gì mới không mắc lỗi. Trong hàng trăm ngàn ca tư vấn, có chút sơ sẩy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ai nói rằng đó là “mất dạy”, “phản văn hóa”, “mất đạo đức” cũng là quyền của các bạn ấy. Còn ai thông cảm với nghề nghiệp, cho rằng đến ông này, bà nọ còn bị chê trách, thì anh Đinh Đoàn là “chuyên gia tư vấn quèn”, có bị “ném đá” cũng chỉ là để …rút kinh nghiệm". 


Tư vấn tình yêu giới tính - hot đến đâu?

 “Thịt cả họ nhà nó…”

Câu nói này bỗng trở nên “hot” hơn bao giờ hết khi nó được phát ra từ chính miệng của một chuyên gia tư vấn ngay trong chuyên mục được phát trực tiếp trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam.


Những vấn đề "hot" nếu không khéo sẽ trở nên phản cảm - Ảnh minh họa trong clip tư vấn của chuyên gia Đinh Đoàn lan truyền trên mạng

Sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn không đối đáp với vị thính giả này một cách khá…"lạ tai": “Em có yêu cô chị một cách nghiêm túc đàng hoàng không hay là chỉ muốn thịt cả họ nhà nó?”

Không những vậy, ông Đinh Đoàn còn đưa ra nhận xét được cho là “vơ đũa cả nắm”: “Các cô gái mới lớn bây giờ nhiều khi không nghĩ sâu nghĩ xa, cứ thấy chàng trai nào xinh xinh đẹp đẹp rồi đang ở tuổi khát khát muốn có bạn trai thì cứ lân lân la la, mon men”.

 
Không hiểu sao audio clip này đã phát từ mấy năm trước mà giờ ai lại đi bới móc nó ra để báo chí có dịp để bàn tán nóng sốt. Và tôi cũng không hiểu lý người nó khơi lại câu chuyện này để làm gì. Chắc vụ Cao Thái Sơn hay người mẫu bán dâm nghìn đô đã nguội rồi, giờ đến lượt Đinh Đoàn bị "làm thịt" đây
Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn

 Ngay khi đoạn audio lan truyền trên mạng đã gây nên nhiều tranh cãi. Kẻ thì cho rằng lối tư vấn này hay, lạ, gần gũi với đời sống. Người lại bảo cách nói này quá chợ búa, không thích hợp cho một chương trình tư vấn với hàng triệu thính giả nghe đài.

Ông Đinh Đoàn thì cho rằng yêu cầu của chương trình là gần gũi với thính giả, trao đổi với thính giả bằng giọng đời thường, không quá sách vở.

Vậy đâu là giới hạn và ranh giới giữa sự gần gũi, đời thường với yếu tố lịch sự cần thiết trong một chương trình có hàng triệu người nghe?

Quan trọng là “hot” theo cách nào!

Không riêng gì chương trình Cửa sổ tình yêu trên VOV, hiện nay rất nhiều chương trình tư vấn tình yêu - giới tính lên sóng phát thanh và cả truyền hình.

Có thể kể đến một số chương trình như Trò chuyện đêm khuya trên VOH, Thức đêm cùng bạn trên VOV Giao thông, Chuyện đêm muộn hay Chuyện đêm cuối tuần trên VTV3…

Điểm chung của các chương trình này là đều đề cập đến những vấn đề khá nhạy cảm qua sự tư vấn của các chuyên gia nên thường được phát vào thời điểm cuối ngày.

Lợi thế của các chương trình phát thanh là có thể trò chuyện trực tiếp với từng nhân vật, thu hút thính giả bởi những câu chuyện rất riêng tư, rất thật của từng người mà đôi khi chúng ta lại tìm thấy mình trong những câu chuyện đó.

Nhưng cũng chính vì thế, những yếu tố bất ngờ, những tình huống bộc phát đôi khi lại lôi kéo người tư vấn vào cuộc. Họ bị cuốn theo cuộc trò chuyện với nhân vật mà quên đi mất câu chuyện của mình đang được truyền đến hàng triệu người nghe.

Người gọi điện đến các chương trình này cũng không sợ lộ diện nên họ có thể thoải mái chia sẻ những chuyện nhạy cảm như yêu tay 3, tay 4, quan hệ tình dục trước hôn nhân…

Trong khi đó, các chương trình tư vấn trên truyền hình phần lớn đã được dàn dựng lại, kiểm duyệt chặt chẽ nên hiếm có những "tai nạn" ngẫu nhiên. Nói như thế không phải là những chuyện “hot” đưa lên truyền hình sẽ hết “hot”.

 Lê Hoàng
Đạo diễn Lê Hoàng trong chương trình Chuyện đêm muộn cùng khách mời Lý Nhã Kỳ - Ảnh chụp từ clip

Chẳng hạn như chương trình Chuyện đêm muộn phát trên VTV3. Đây là chương trình đề cập đến các vấn đề rất hiện đại như sống thử, làm mẹ đơn thân, tình một đêm, ăn cơm trước kẻng,… qua cách dẫn dắt dí dỏm, đôi lúc lại “đá xoáy” điệu nghệ của đạo diễn Lê Hoàng trong vai trò MC, cùng với những vị khách mời là các nhân vật khá tiếng tăm trong làng giải trí. 

Đơn cử như một đoạn đối thoại giữa đạo diễn Lê Hoàng và MC Bùi Việt Hà:

Đạo diễn Lê Hoàng: Theo Việt Hà, “dùng” ngân hàng tinh trùng như vậy có lợi gì hơn việc “dùng” một con người thật?

Bùi Việt Hà: Thực ra “dùng” một con người thật nó có xúc cảm hơn nhưng cái đó lại chính là vấn đề... Một số đàn ông nghĩ rằng: “À đấy là con mình và cũng muốn chia sẻ việc nuôi con” nhưng cũng có người quyết định rũ áo ra đi...Cả hai trường hợp này đều khiến người phụ nữ phải đắn đo suy nghĩ và đau đầu. Ngân hàng có thể cắt đứt những phiền phức râu ria đó”.

Chương trình Chuyện đêm cuối tuần (phát sóng trên VTV3) cũng nhắm vào các vấn đề về tâm lý gia đình khó nói nhưng được nói một cách tế nhị với các chuyên gia có kiến thức uyên thâm và phong cách lịch lãm, chẳng hạn như: Điều gì giết chết ham muốn của người phụ nữ, “Chuyện ấy” của người bận rộn, Trinh tiết thời nay

Tiến sĩ Lê Thúy Tươi từng chia sẻ trong chương trình: “Khi nói về tình dục tôi muốn nói một cách cởi mở, nói hết, nói thoải mái luôn. Dù rằng nói như thế, người ta cho rằng một người phụ nữ nói thế là bạo mồm, bạo miệng quá, nói như thế là không nên nói. Có người nhẹ nhàng hơn, viết cho tôi tờ giấy nói bác sĩ thật dũng cảm”.

Tiến sĩ Tươi bày tỏ: “Tôi thấy ở đây không có gì dũng cảm cả vì đây là cơ sở khoa học của vấn đề. Đây không phải là chuyện theo quan niệm cũ là một vấn đề đáng xấu hổ. Nhiều người nghĩ bản năng là cái gì đó giống như những con thú, nó rất là dơ dáy không nên trình bày ra, như thế là tội lỗi. Tôi lại nghĩ đây là chức năng cực kỳ quan trọng. Ai mà thiếu chức năng này thì lo gần chết…”

Quả thật, những vấn đề nhạy cảm được nói một cách ý nhị thì tự dưng sẽ trở nên bình thường và “hot” theo nghĩa thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Tuy nhiên, nếu vấn đề nhạy cảm được trình bày cũng nhạy cảm nốt thì nó lại “hot” theo một cách khác…  

Đạo diễn Lê Hoàng: "Sự suồng sã không bao giờ làm nên nét riêng!"

iHay.vn đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Lê Hoàng, người dẫn dắt chương trình Chuyện đêm muộn (chương trình không dành cho trẻ em, phát sóng lúc 23 giờ 30 phút thứ 5, thứ 6 hàng tuần trên VTV3).

*Là người nắm bắt nhanh chóng chuyện thời sự, hẳn anh đã biết về đoạn tư vấn gây sốt của chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn trên sóng VOV?

Tôi có đọc báo và biết về vụ việc này. Theo tôi, nếu anh Đinh Đoàn đã nói đó là một tai nạn thì chúng ta nên thông cảm. Thật ra lời thoại thì đúng là dở thật nhưng anh Đoàn đã rất cầu thị. Chúng ta cũng nên cảm thông cho anh ấy!

* Bản thân anh là người dẫn dắt chương trình Chuyện đêm muộn. Đây cũng là một chương trình đề cập đến khá nhiều vấn đề nhạy cảm. Vậy anh làm sao để vừa đảm bảo độ “hot” cho chương trình, vừa không bị phản cảm trên sóng truyền hình?

Tôi quan niệm rằng khi đề cập đến chuyện nhạy cảm của người khác thì bản thân người nói đừng nghĩ rằng mình không nói cho mỗi cá nhân mà phải luôn nhớ rằng mình đang nói cho rất đông người xem.

Khi người ta quên, người ta nghĩ rằng mình chỉ trả lời cho một người thì đôi khi người ta lại dùng những ngôn từ không chọn lọc lắm. Cái quên đó rất nguy hiểm. Vì người nghe không phải người trong cuộc. Họ sẽ phán xét cả hai bên. Chính vì thế một người tư vấn công cộng thì không thể quên điều này!

* Phải chăng nhờ có sẵn kịch bản mà làm chương trình truyền hình có thể cân nhắc về “lời ăn tiếng nói” hơn là khi làm phát thanh trực tiếp?

Tất cả những chương trình tôi làm MC đều không có kịch bản. Kịch bản sẽ làm hỏng bét cả phía người hỏi lẫn người trả lời. Câu chuyện sẽ không sống động, không thật nữa. Sẽ không bao giờ tôi chấp nhận kịch bản trong chương trình của mình.

*Vậy anh nghĩ độ thật của những câu chuyện mà các khách mời - vốn là người nổi tiếng - chia sẻ trong chương trình Chuyện đêm muộn là bao nhiêu?

Tùy cá nhân. Nhưng tôi tin họ đều nói thật. Sự thật nếu không trần trụi thì người ta không ngại nói đâu.

Thật hay không còn tùy người hỏi có đáng tin cậy không. Thật ra khai thác sự thật không khó vì bản thân sự thật không xấu, sự giả mới xấu.

Tất nhiên một sự thật đưa lên tivi phải cân nhắc, không thể đưa lên mọi thứ được nhưng điều đó không cản trở người ta không nói thật được.

*Theo anh, việc đưa những câu từ trong văn nói vào các chương trình tư vấn trên sóng phát thanh truyền hình có làm nên cá tính và nét khác biệt cho chương trình và người dẫn dắt?

Xin lỗi, sự suồng sã không bao giờ làm nên nét riêng! Sự thô lỗ không bao giờ trở thành cá tính.

Rõ ràng khi trò chuyện với nhân vật qua sóng phát thanh, mình không thể biết tên tuổi thật của người đó. Vì thế, không bao giờ được sử dụng cách xưng hô mày - tao vì có thể người ta nhiều tuổi hơn. Nói chung là không nên suồng sã, thân mật. Điều đó không đúng.

* Nếu anh là anh Đinh Đoàn trong trường hợp này, anh sẽ tư vấn như thế nào?

Tôi không thể nói được vì tôi không được nghe câu chuyện này từ đầu nhưng chắc chắn có một số từ mà tôi không bao giờ dùng.

Xin cảm ơn anh!

Thiên Hương (thực hiện)

 Thiên Hương - Hoàng Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.