1. Cô gái Nguyễn Khánh Thương (24 tuổi, quê Hà Tây) tự hỏi mình: "Đã bao lâu rồi mình chưa ôm bố, mẹ, anh chị em trong gia đình?" và chợt nhận ra: "Chắc cũng lâu lắm rồi. 2 - 3 năm gì đó!". Thương nhớ lại những cái ôm âu yếm, che chở mà cha mẹ dành cho từ thuở lọt lòng, và cảm giác yêu thương, gần gũi mỗi khi dang rộng vòng tay chia sẻ để ôm một ai đó vào lòng. Những cảm xúc ùa về, và ngay lập tức, Thương nảy ra sáng kiến: vận động các TNV tổ chức chương trình "Yêu thương trong những vòng tay" tại Hà Nội với mong muốn "trao tặng mọi người những cái ôm thật chặt, rất con người và nhân văn như một món quà nhỏ bé, giản dị nhân dịp xuân về để gửi đi một thông điệp: tình yêu thương luôn ở quanh chúng ta".
Nghĩ là làm, Thương viết thư vận động sinh viên, thanh niên đang sống và làm việc tại Hà Nội tham gia chiến dịch đặc biệt này. Trên 40 bạn trẻ đã chia sẻ với ý tưởng của cô gái... Thế rồi cứ vào các buổi chiều thứ bảy hằng tuần, tại một quán cà phê, các TNV lại chụm đầu vào nhau xây dựng kế hoạch, tập huấn kỹ năng tiếp cận, vận động và học... ôm! Cuối cùng, mọi việc cũng đã được hoàn tất: một CD-ROM về ý nghĩa của những cái ôm, băng rôn, bảng hiệu ghi những thông điệp yêu thương... để chiến dịch được diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Việt-Pháp, Bệnh viện Bạch Mai, Khu phố đi bộ trung tâm thành phố và Ga Hà Nội.
Ôm là một cách chia sẻ yêu thương - ảnh: C.T.V |
2. Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Các TNV đứng cạnh giường của những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Họ quấn băng-rôn, tay cầm những tấm bảng ghi những dòng chữ: "Ôm ! Là một cách chia sẻ yêu thương", "Cuộc sống thật đẹp với những vòng tay yêu thương"... Các TNV xin phép được thể hiện tình cảm của mình với bệnh nhân bằng những cái ôm thật chặt. Mọi người ôm nhau và khóc sụt sùi. Cả căn phòng lặng đi. Ai đó nhanh tay bật cassette, giai điệu vui tươi của bài hát Bức tranh muôn màu vang lên. Mấy chục con người đang ôm nhau, nước mắt lăn dài trên má nhưng môi lại nở những nụ cười tươi rói. Tôi biết họ đang là những người hạnh phúc nhất. Tôi nghe một bác bệnh nhân trên 70 tuổi, đang lấy hết sức ôm một TNV rất chặt, nói trong nước mắt: "Cuộc sống rất là đáng sống cháu ạ. Dù chúng ta chỉ được sống một giây, một phút cũng phải sống một cách ý nghĩa và vui vẻ".
Thương (người đứng đeo túi) và các TNV |
3.
Tại khu phố đi bộ trung tâm thành phố. Mấy người nước ngoài nhìn thấy các TNV cầm tấm bảng "Hãy ôm nhau đi" đã chủ động trao cho họ những cái ôm thật tình cảm. Nhiều người Việt Nam đi đường thì lấy làm lạ, tò mò đứng xem "bọn trẻ đang làm cái quái gì đây?". Một phụ nữ trung niên nói với Thương: "Cô mà có đứa con như cháu thì cô sẽ lôi nó về nhà, bắt nằm lên giường và cho mấy cái roi vào mông". Tuy nhiên, sau khi nghe Thương giải thích, người phụ nữ ấy tươi cười và cho biết từ nay trở đi sẽ luôn thể hiện tình yêu thương của mình với các thành viên trong gia đình bằng những cái ôm thật chặt. Các bạn trẻ thì cởi mở hơn. Họ sẵn sàng nghe TNV chia sẻ và nhiều người đã thốt lên rằng: "Tôi nhớ rất rõ lần gần đây nhất tôi ôm người yêu vào lúc nào nhưng cũng đã quá lâu rồi tôi chưa ôm bố mẹ mình. Cảm ơn các bạn đã cho tôi một bài học". Cũng tại đây, Thương và những người bạn của cô đã chứng kiến một cái ôm đặc biệt mà sau này mọi người vẫn gọi là "cái ôm 30 năm". Số là khi được TNV hỏi: "Lần gần đây nhất, chú ôm con mình là khi nào" thì một người đàn ông tỏ ra lúng túng: "Khoảng 30 năm gì đó". Sau một hồi chia sẻ, Thương xin phép được ôm ông với tư cách là một người con gái ôm hôn người cha kính yêu của mình. Người đàn ông bật khóc và dang rộng vòng tay, ôm chặt cô TNV như ôm cô con gái ngoan hiền của mình.
4. Chương trình "Yêu thương trong những vòng tay" đã đạt được những kết quả ban đầu. Với các TNV tham gia, điều đọng lại trong họ là những cái ôm rất con người, những giọt nước mắt, những nụ cười... nhưng quan trọng nhất, họ đã học được cách yêu thương, tự thấy mình cần phải thay đổi thói quen thể hiện tình cảm với những người thân yêu trong gia đình mình. Thương và những người bạn của mình đã có những cảm xúc, kỷ niệm, tình huống không thể nào quên khi chuẩn bị ôm, lúc trao cái ôm và lúc được ôm... hay chỉ đơn giản là xem phản ứng của người khác thế nào trước hành động của bản thân! Thương nói rất chân thành với các bạn TNV: "Chính chúng ta đã làm cho cuộc sống của chúng ta nhiều màu sắc hơn, ý nghĩa hơn và nhiều niềm vui hơn. Mình nghĩ rằng, việc làm của chúng mình đã thực sự chia sẻ bằng những cái ôm ấm nồng, nhân hậu. Chúng mình mong muốn mọi người có nhiều nghị lực hơn, can đảm hơn để vượt lên số phận, mong họ hãy thể hiện sự yêu thương và quan tâm nhiều hơn tới những người thân yêu của chính họ...".
Q.D
Bình luận (0)