Đó là clip “Cô đi ra đi” của một người dùng facebook đưa lên mạng. Trong clip này, người phụ nữ chạy xe máy từ phía sau vượt lên song song với một cô bé đeo kính hồng đang chạy xe đạp. Có vẻ như cô bé này đang trên đường đi học về. Người phụ nữ chạy xe sát vào và trêu “Đua không? Đua xe với cô không?” Ngay lập tức, cô bé kính hồng… trợn mắt rồi hét lên dõng dạc: “Cô là ai? Cháu không biết cô. Cô đi ra đi!”. Thái độ cảnh giác và quyết liệt của cô bé làm nhiều người xem vừa khen ngợi, vừa không nhịn được cười.
“Cô bé quả là thanh niên cứng! Mình cho con mình xem clip này và nói với bé là ra đường nếu thấy ai có ý định tiếp cận thì cần phải phản ứng mạnh mẽ ngay, như cô bé này vậy!”, chị Nguyễn Thanh Lan (Q.3, TP.HCM) cho biết.
Chị Hoàng Ngọc Thảo có con học Trường THPT Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Con mình nhát lắm, không dám cho đi đâu một mình. Vì thế, xem clip thấy cô bé hét lên 'cô đi ra đi' một cách đầy cảnh giác, mình thấy rất hoan nghênh và muốn con mình cũng mạnh dạn được như thế”.
Thơ Nguyễn, chủ một kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ, nhìn nhận: “Đây có thể là một cô bé đã thực hành rất tốt lời mẹ dạy. Có lẽ bé được ba mẹ nhắc nhở rất nhiều về việc khi đi ngoài đường thấy người lạ đến gần thì phải ứng xử ra sao. Cho nên bé đã rất lanh lẹ bày tỏ thái độ cảnh giác, thể hiện sự 'không quen biết', hét lên thật to. Đó là một thái độ tốt mà các bé nên học hỏi”.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng, qua clip trên các bậc phụ huynh cũng nên dạy con mình có được phản ứng như thế. “Chắc hẳn cô bé kính hồng ở nhà được cha mẹ dạy rất kỹ và được khuyến khích phản biện, đối đáp, tranh luận thì mới ngay lập tức có phản ứng như vậy. Trong trường hợp không phải trêu mà người đó là kẻ xấu, thì cô bé cũng khiến chúng dè chừng”, tiến sĩ Điệp nhìn nhận.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh phụ huynh cần dạy con những câu nói cụ thể, rõ ràng dứt khoát khi gặp các đối tượng dàn cảnh tỏ vẻ thân quen. Chẳng hạn “Con không quen cô, cô tránh xa ra” như cô bé trong clip, hoặc cầu cứu người xung quanh bằng câu: “Cô chú ơi, chú này tính dàn cảnh cướp xe con”.
“Phải có những câu nói cụ thể chứ không nên nói con là hãy cứ la lên, thì bé sẽ không biết phải la như thế nào”, thạc sĩ Hòa An lưu ý.
Bình luận (0)