Hãy thôi chỉ trích học sinh và nhìn lại trách nhiệm của mình

18/03/2015 15:29 GMT+7

Tình cờ vào một địa chỉ facebook có tên 'Chúng tôi là giáo viên' đọc được các dòng bình luận và bức xúc của các thầy cô về chuyện em học sinh ở Trà Vinh bị bạn đánh mà thấy buồn. Các giáo viên này không thấy được trách nhiệm của người thầy mà chỉ đổ tội cho học sinh.

Tình cờ vào một địa chỉ facebook có tên “Chúng tôi là giáo viên” đọc được các dòng bình luận và bức xúc của các thầy cô về chuyện em học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn đánh mà thấy buồn. Các giáo viên này không thấy được trách nhiệm của người thầy mà chỉ đổ tội cho học sinh, hơn nữa còn bất mãn và không tâm huyết với nghề...

Ảnh chụp từ màn hình Facebook
Xin được trích lại:
“Vụ kỷ luật Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách đội nặng hơn so với kỷ luật học sinh cho thấy rằng: Xã hội đang bao che thái quá và đùn đẩy hoàn toàn trách nhiệm giáo dục lên vai các thầy cô giáo.
Đành rằng nhà trường có trách nhiệm vì những gì đã xảy ra, nhưng còn gia đình và xã hội thì sao?
Nếu vụ việc diễn ra ngoài nhà trường, gia đình (cụ thể là bố mẹ học sinh) có phải chịu trách nhiệm và bị xử lý hay không?
Và sau này... học sinh sẽ học được những gì từ điều đó? Các em sẽ hiểu rằng: Đánh nhau trong trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm, giáo viên sẽ bị kỷ luật! Vì thế, đừng ai dại dột mà đụng và bắt tôi phải làm những cái mình muốn. Nếu ép quá là tôi đánh nhau với thằng bên cạnh cho ông bà nghỉ việc luôn.
Đã đến lúc cần dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đã đến lúc thôi đổ lỗi để học sinh phải chịu trách nhiệm đúng với việc mình làm thay vì bao bọc và kỷ luật những người xung quanh”.
Tiếp theo đó là rất nhiều các bình luận và chia sẻ mà tôi nghĩ của rất nhiều các thầy các cô đang trực tiếp giảng dạy trên ghế nhà trường, đa số các lời bình luận đều nặng tính chỉ trích học sinh và than vãn về “thân phận” nghề giáo của mình.
Khi một vấn đề xảy ra chúng ta nên xét ở nhiều góc độ khác nhau mới khách quan. Trong trường hợp học sinh đánh hội đồng bạn cùng lớp tại Trà Vinh nên nhìn ở góc độ nào mới thấy được ai đúng ai sai, ai là người phải chịu trách nghiệm chính? Giáo viên thì đổ lỗi cho học sinh hư, cá biệt, do sự dạy dỗ của gia đình, xã hội không tốt. Phụ huynh thường “trông cậy” vào nhà trường và khi xảy ra chuyện thì cho rằng nhà trường phải chịu trách nghiệm… Cái vòng quay luẩn quẩn này biết bao giờ mới hết được?
Theo tôi, các thầy cô giáo nên cảm thấy hổ thẹn khi để học sinh mình hằng ngày dạy dỗ làm những điều ác như thế. Trước tiên, chúng ta phải biết nhận những lỗi thuộc về trách nhiệm về mình, khoan vội đổ lỗi cho gia đình hay xã hội. Việc ông hiệu trưởng của trường tự nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho ai và xin từ chức hiệu trưởng đã khiến mọi người tôn trọng ông hơn và mừng vì vẫn còn có thể hi vọng vào một sự thay đổi tích cực.
Tiếc là không phải ai cũng giống vị hiệu trưởng này. Có thể còn một số giáo viên trong và ngoài ngôi trường này cảm thấy ấm ức, muốn trị tội đám học sinh ngỗ ngược kia thật nặng để răn đe. Người ta thường nói, tình thương yêu thực sự có thể cảm hóa được lòng người. Dẫu biết rằng học trò thời nào cũng có em cá biệt, phá phách nhưng nếu thầy cô thực sự có lòng, có sự dụng công, dụng sức thì vẫn giúp các em thay đổi được. Các thầy, cô đã làm được điều này chưa? Nếu chỉ răn đe thôi thì kết quả nhiều khi thường ngược lại mong muốn.
Trong vụ lớp trưởng cùng nhiều học sinh khác đánh hội đồng bạn cùng lớp ở Trà Vinh, thầy giáo chủ nhiệm không hề biết gì hết, chắc chắn trước đó thầy cũng không biết đang có những việc gì âm thầm diễn ra đằng sau những gương mặt ngây thơ kia. Đơn giản, vì thầy chỉ lo dạy môn học của mình, giao cho lớp trưởng “cai quản” đám học sinh kia và… chấm hết.
Như vậy, cái sự nghiệp “trồng người” ở đây đã không tồn tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.