Sống chậm giảm đột tử
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên những động vật thí nghiệm như trên chuột đã cho thấy: giữa hai nhóm nghiên cứu, một nhóm chuột được cho ăn nhiều, kích thích cho hoạt động nhiều bằng âm thanh, ánh sáng... Một nhóm khác cho ăn vừa phải, hạn chế hoạt động của chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, nhóm chuột hoạt động ít sống lâu hơn nhóm tăng cường hoạt động.
Ở Nhật và những nước có cuộc sống tất bật, căng thẳng ngày càng có nhiều người bị đột tử ngay trên bàn làm việc, trên đường đi đến công sở vì làm việc quá sức, và người ta gọi đó là hội chứng đột tử do làm việc quá sức - một hội chứng mới được ghi vào y văn trong khoảng một thập niên gần đây. Xã hội Nhật Bản là một xã hội tiêu biểu cho chế độ làm việc căng thẳng và kéo dài đối với nhiều người.
Cũng có nhiều nghiên cứu y học cho thấy: những người thành thị thường sống không thọ bằng những người ở thôn quê, đặc biệt là những người ở miền núi cao. Ngoài yếu tố khí hậu trong lành, ít ô nhiễm thì còn một yếu tố quan trọng nữa là nhịp sống miền thôn quê chậm rãi, không có quá nhiều âu lo như cuộc sống thành thị, nhịp sống ấy phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, là một yếu tố rất quan trọng góp phần giúp người ta sống lâu hơn.
Vì sao phải tôn trọng nhịp sinh học?
Mỗi cơ thể con người đều có một đồng hồ sinh học hoạt động rất đều đặn. Nó chi phối mọi hoạt động của cơ thể mà người ta vẫn gọi nôm na là giờ nào việc ấy. Tất cả những hoạt động ấy chịu sự chi phối của các loại hóc-môn sinh học được tiết ra đều đặn theo một quy luật nhất định. Tại sao con người chỉ buồn ngủ vào buổi tối (thường là từ 9 giờ đêm trở đi) mà không buồn ngủ lúc 8 giờ sáng. Tại sao lại phải ăn sáng lúc 6-7 giờ mà không phải ăn lúc 12 giờ đêm. Tại sao con người thường chết và đột quỵ vào buổi sáng lúc 4-5 giờ sáng. Tại sao phần lớn trẻ em lại được sinh vào khoảng 1-6 giờ sáng... Tất cả những yếu tố đó đều do đồng hồ sinh học của cơ thể chi phối.
Chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể luôn đòi hỏi một hoạt động nhịp nhàng. Trong trường hợp cơ thể vận động thái quá hay có những hoạt động trái ngược với nhịp sinh học thì sẽ gây ra những trục trặc cho cơ thể. Đầu tiên là những rối loạn về thần kinh mà thông thường nhất là stress. Chính stress đã làm cho cơ thể suy yếu, gây nên hiện tượng mệt mỏi và các rối loạn ở nhiều cơ quan khác như hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thống thần kinh thực vật... Và nặng hơn là những rối loạn của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và cả bệnh ung thư nữa. Những bệnh này sẽ làm giảm đi tuổi thọ của con người, và làm giảm đi chất lượng của cuộc sống.
Vì thế, hãy biết cách giảm bớt những tất bật, lo toan trong cuộc sống hằng ngày, sống thanh bạch hơn, và tôn trọng nhịp sinh học của cơ thể... là những thông điệp mà các nhà chuyên môn y tế khuyên mọi người.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y-Dược TP.HCM)
Bình luận (0)