Đó là ý kiến nhiều bạn đọc về thực trạng nêu trong bài Thượng võ hay tranh cướp? đăng trên Thanh Niên ngày 26.2.
Đánh nhau đổ máu không phải là bản chất
Việc đánh nhau đổ máu không hề là bản chất của lễ hội. Sự hướng vọng có tính chất tâm linh, tôn thờ trong một số lễ hội đã bị phá hủy vì sự thực dụng, biến tướng chụp giựt nên rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Vì sao lại có hiện tượng như thế? Phải chăng là tâm lý nổi loạn đám đông đã len vào lễ hội, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó?
Trần Huy (huytran497@yahoo.com)
Đả phá hủ tục
Duy trì thuần phong mỹ tục và đả phá những hủ tục là việc mà cha ông chúng ta từng khuyến dụ, cảnh báo từ lâu. Vì vậy, sau một thời gian dài, đã gạn lọc và duy trì được những lễ, những hội rất hay, có tính giáo dục sâu sắc. Thế nhưng, thời gian gần đây, lễ hội đã và đang bị lạm dụng. Nhà nước nên rà soát, bỏ đi những phần hội có tính chất (hoặc có thể xảy ra) bạo lực, thiếu tính hướng thiện, hướng tới cái đẹp và phải kiểm soát chặt chẽ. Có như vậy mới trả lễ hội về đúng thực chất!
Dương Quang Hà (quangha1980@gmail.com)
Phải có cam kết
Cần có quy định chặt chẽ về tổ chức lễ hội tương tự tổ chức một sự kiện. Nếu địa phương nào có ý định tổ chức lễ hội thì phải trình bày và cam kết tổ chức lễ hội đó có ý nghĩa như thế nào, bao nhiêu người tham gia, thời gian bao lâu, sẽ có những hoạt động gì và an ninh trật tự được bảo đảm ra sao...
Nguyễn Văn Đông (ngvdongqt@yahoo.com)
Các lễ hội có từ ngàn xưa, là sinh hoạt văn hóa do ông cha ta truyền đời cho con cháu ngày nay. Vì là sinh hoạt văn hóa nên các lễ hội luôn có nét đẹp và ý nghĩa thiêng liêng, tinh tế, chứ không hề có bạo lực, thô tục.
Nguyễn Hưng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Lễ hội mà xảy ra chuyện tranh cướp hơn thua dẫn đến đổ máu là chuyện không bình thường. Việc đó không phù hợp với văn hóa của ông cha ta để lại, trái với nhận thức của những người tử tế hiện nay.
Trần Văn Tùng (Q.12, TP.HCM)
|
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)