Mở máy tính làm việc khi ăn cơm
Không rõ cụm từ “làm công việc nhiều hơn để mua sự an sinh" có từ khi nào. Nhưng nhiều chuyên gia về lao động - xã hội tại Việt Nam đã dùng nó từ trước dịch Covid-19 xảy ra, để gọi tên thực trạng người lao động phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng mức sống ngày một gia tăng.
Công nhân trông chờ tăng ca và không nề hà chuyện tăng ca, vì chỉ có tăng ca mới có thêm tiền, chứ mức lương cơ bản không thể nào đủ sống và chăm sóc gia đình. Người lao động có thể rời văn phòng vào lúc 17 giờ, hoặc 18 giờ, nhưng về nhà vẫn phải mở máy tính làm việc.
Người lao động đánh máy, kiểm tra email, hì hục tìm tài liệu, trả lời điện thoại, giải quyết các chuyện phát sinh của công ty… ngay tại thời điểm họ chạy xe trên đường, lúc ăn uống, tắm rửa hay khi đang vui chơi cùng con cái, gia đình.
Ngoại trừ một số ngành nghề đặc thù đòi hỏi tính cấp bách của công việc hoặc những công việc trao quyền tự chủ thời gian cho người lao động, thì trên các diễn đàn về lao động - việc làm dấy lên một nhận định: Môi trường làm việc dường như gia tăng chuyện công ty xâm phạm quyền riêng tư của người lao động sau giờ hành chính. Chưa kể, gia tăng khối lượng công việc cho người lao động và vi phạm pháp luật về lao động khi không tính khoảng thời gian đó vào tiền làm việc ngoài giờ.
Một ngày có 24 tiếng, bạn làm việc bao nhiêu tiếng?
Chị Tiên, 30 tuổi, nhân viên nhân sự tại một công ty tại TP.HCM, chia sẻ rằng mình thường xuyên đi gặp gỡ bạn bè và giữa chừng phải bỏ ngang cuộc hội thoại vì công việc ập tới. Chị mang theo máy tính khắp mọi nơi để xử lý công việc.
“Không hẳn là tôi đam mê công việc. Đa số các nhiệm vụ đến đều gấp gáp. Tôi bị sếp buộc giải quyết ngay. Nhiều lần mệt quá tôi phải nói khéo rằng việc đó, chuyện nọ, có thể để sang ngày hôm sau làm. Công việc chẳng bao giờ hết được cả”, chị Tiên nói.
Chị Tiên nói rằng chị không dám ngắt kết nối, vì sếp "dí" liên tục: "Đôi lần, chuẩn bị cuộc họp cho thứ hai tuần tới mà thứ sáu chúng tôi mới nhận việc. Nhiều lần phải họp tới khuya vì thay đổi công việc hôm sau. Tôi bị áp lực khi làm việc với sếp, phải trả lời ngay tin nhắn. Sợ thái độ không tốt sẽ bị cho nghỉ việc".
Theo chị Tiên, làm việc ngoài giờ, dù tự nguyện hay ép buộc, đều là thử thách lớn. "Vì mình còn cuộc sống, sức khỏe và gia đình nữa. Một ngày có 24 tiếng, đi làm hành chính đã 8 tiếng, khi về tắm rửa xong thì ngồi lại vào bàn làm việc. Không còn thời gian đâu mà thư giãn nữa. Đứng dậy khi xong việc thì cũng khuya rồi, đầu óc choáng váng. Tôi đang tìm việc mới, tôi thấy mình bị tiêu cực, sức khỏe tinh thần và thể chất đều giảm cả”, chị Tiên kể.
Cũng có nhiều trải nghiệm tương tự, chị Hiền (nhân viên văn phòng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói rằng nhiều lần vừa mới tan làm và đi lấy xe, chị đã bị sếp gọi ngay. Trên đường về nhà, điện thoại rung liên tục vì tin nhắn từ các nhóm trao đổi công việc.
“Nhưng tôi may mắn khi công ty tính lương ngoài giờ sòng phẳng. Một số người bạn của tôi không được vậy, họ phải nghĩ ngợi thêm về công việc mà không được tính tiền”, chị Hiền chia sẻ.
Phản ứng hay chịu đựng cho qua?
Vấn đề cân bằng cuộc sống và công việc là “chuyện muôn năm cũ". Nhưng giờ đây là làm sao để giải quyết chuyện bị bắt làm việc ngoài giờ cho tới tận khuya?
Khảo sát nhanh nhiều ý kiến người lao động, thấy có 2 luồng quan điểm. Một số bất lực vì cho rằng công việc bất khả kháng và sẽ cố gắng giải quyết cho xong sớm để nghỉ ngơi. Họ nói mình bất lực vì nếu nghỉ việc thì cũng chưa chắc tìm được công việc lý tưởng “8 tiếng” thật sự.
Nhóm ý kiến còn lại phản ứng với chuyện làm việc ngoài giờ. Họ nói rằng mình đã hoặc sẽ trao đổi trực tiếp với sếp khi trong tình cảnh đó. Các cuộc đối thoại sẽ đề cập đến lý do không làm việc ngoài giờ, thời gian công việc, tiền lương nếu tăng ca… và đa số đều đạt được những đồng thuận đáng kể từ phía công ty.
Giới trẻ lứa gen Z (Generation Z, là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010) thường nói vui trên các diễn đàn bằng những cụm từ như “bán mình" để làm việc. Ghi nhận của người viết qua khảo sát nhanh cũng cho thấy người lao động độ tuổi này thường có nhiều phản ứng gay gắt đối với chuyện làm thêm hay trả lời các tin nhắn công việc ngoài giờ, và nhiều người không ngại nhảy việc.
Bạn có biết về "quyền ngắt kết nối"?
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), người lao động và người sử dụng lao động cần biết về "Right to disconnect" - Quyền ngắt kết nối. Đó là quyền của người lao động khi họ được phép tách biệt hoàn toàn với công việc và không sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc điện tử nào liên quan đến công việc, như email hoặc tin nhắn, ngoài thời gian làm việc.
Nhiều nước trên thế giới đã đưa điều này vào pháp luật lao động của họ. Pháp là quốc gia được biết đến nhiều nhất về quyền ngắt kết nối khi nội dung này được thảo luận khi có "loi El Khomri" (luật El Khomri, tạm dịch là dự luật hiện đại hóa luật lao động) năm 2016 - 2017. Theo đó, người lao động có quyền bỏ qua các thông tin liên lạc về công việc sau khi đã kết thúc giờ làm việc.
Hiện nay, nhiều hội thảo, nghiên cứu tại Việt Nam, đã thảo luận về quyền ngắt kết nối. Cơ sở pháp lý đáng kể cho những luận điểm mới về quyền này thấy rõ trong điều 24 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: ai cũng có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có trả lương, hoặc Công ước 47 của ILO về làm việc 40 giờ một tuần.
Bộ luật Lao động năm 2019 cũng khuyến khích tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động, và quy định thời gian làm việc ngoài thời gian làm việc bình thường sẽ được xác định là làm thêm và hưởng lương làm thêm.
Bình luận (0)