HCV lịch sử của bơi lội Trung Quốc tại Olympic dính nghi án doping

Giang Lao
Giang Lao
05/08/2024 16:43 GMT+7

Theo kình ngư người Anh, Adam Peaty, chiến thắng của đội bơi Trung Quốc ở nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp nam là không đẹp và ám chỉ đã có sự ảnh hưởng của doping. Nhận định này gây thêm cuộc tranh cãi tại Olympic.

Ở ngày thi đấu cuối của môn bơi lội tại Olympic 2024 (5.8), đội bơi Trung Quốc gây sốc khi thắng đội bơi Mỹ để giành chiếc HCV nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp nam. Điều đáng nói, đây là nội dung các kình ngư Mỹ thống trị kể từ năm 1980 đến nay mới bị đánh bại.

HCV lịch sử của bơi lội Trung Quốc tại Olympic dính nghi án doping- Ảnh 1.

Đội bơi Trung Quốc với HCV nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp nam, từ trái qua: Xu Jiayu, Pan Zhanle, cùng với Qin Haiyang và Sun Jiajun

World Aquatics

Thế nhưng, niềm vui của các kình ngư Trung Quốc đã bị phủ một bóng mờ của sự ngờ vực. Tương tự như kình ngư Pan Zhanle đoạt HCV nội dung 100 m tự do nam và phá kỷ lục thế giới của chính mình. Các chiến thắng của kình ngư Trung Quốc luôn bị dư luận đặt dấu hỏi về sự trung thực.

Sau cuộc tranh cãi trường hợp Pan Zhanle phá kỷ lục thế giới nội dung 100 m tự do với thành tích 46 giây 40, được xem là "con người không thể làm được", theo HLV đội tuyển bơi lội Úc và đã từng dự Olympic - Brett Hawke.

Trong nội dung mới nhất đội bơi Trung Quốc đoạt HCV từ tay đội bơi Mỹ thống trị lâu nay, kình ngư Adam Peaty bày tỏ: "Chiến thắng chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không chơi đẹp". 

Để làm rõ phát biểu của mình không đả kích hay buộc tội các kình ngư Trung Quốc, Adam Peaty giải thích: "Tôi không muốn làm hoen ố cả một quốc gia hay một nhóm người chỉ bằng một nét vẽ. Điều tôi nói là sự công bằng và tính chính trực ở môn bơi lội phải được thực thi. Đối với những người cần làm công việc của mình - hãy thức dậy và làm công việc của mình (liên quan đến vấn đề trong các biện pháp chống doping)".

HCV lịch sử của bơi lội Trung Quốc tại Olympic dính nghi án doping- Ảnh 2.

Tại Olympic 2024, Adam Peaty chỉ đoạt 1 HCB nội dung bơi ếch, không bảo vệ được HCV đoạt ở Tokyo 2020 và Rio 2016

AFP

Theo tờ Marca (Tây Ban Nha): "Phát biểu của Adam Peaty có thể hiểu rằng, sự ngờ vực đang rất lớn trong thế giới bơi lội đối với các kình ngư Trung Quốc, vì 2 kình ngư vừa đoạt HCV nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp nam là Qin Haiyang, Sun Jiajun cùng 23 kình ngư khác từng có kết quả xét nghiệm dương tính với chất bị cấm tại Olympic 2020 (thi đấu năm 2021). 

Tuy nhiên, các kình ngư này vẫn được Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) cho thi đấu, sau khi công nhận kết quả từ cuộc điều tra của Cơ quan phòng chống doping Trung Quốc (CHINADA), rằng họ đã sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn".

"Quyết định của WADA khiến cộng đồng bơi lội thế giới cực kỳ thất vọng. Từ đó, đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi và các kình ngư Trung Quốc luôn thi đấu dưới sự ngờ vực từ những đồng nghiệp của mình, bất chấp họ luôn lên tiếng khẳng định sự trong sạch và cung cấp các bằng chứng là số lần kiểm tra doping lên đến hàng chục lần trước Olympic 2024. 

Khi đoạt huy chương, sự nhìn nhận với các kình ngư Trung Quốc cũng trái chiều, một số người coi chiến thắng (như nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp nam) là một sự đột phá lịch sử. Nhưng cũng có người nghi ngờ, như kình ngư Adam Peaty lên tiếng", tờ Marca bày tỏ.

HCV lịch sử của bơi lội Trung Quốc tại Olympic dính nghi án doping- Ảnh 3.

Bảng xếp hạng môn bơi lội tại Olympic 2024

World Aquatics

"Bình luận của Peaty đã gây được tiếng vang, với nhiều người cảm thấy rằng các nguyên tắc về sự công bằng và trung thực ở môn bơi lội đang bị đe dọa. Lời kêu gọi hành động của Peaty là lời nhắc nhở rằng, tinh thần thực sự của Thế vận hội không chỉ là chiến thắng mà còn là cạnh tranh với danh dự và sự tôn trọng. 

Cuối cùng, lời nói của Peaty phản ánh một sự thật cơ bản: trong hồ bơi, sự chính trực rất quan trọng. Chừng nào còn nghi ngờ, bóng đen của tranh cãi sẽ vẫn còn rất lớn, thách thức sự trong sáng của thể thao và các giá trị mà nó đại diện", tờ Marca nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.