HĐND tỉnh Bình Định 'truy đến cùng' vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
07/12/2018 16:05 GMT+7

Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cùng các đại biểu HĐND kiên quyết chất vấn Giám đốc Sở TN-MT, lãnh đạo UBND tỉnh về việc xử lý nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Sáng 7.12, kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ 3 với phiên thảo luận chung và chất vấn, trả lời chất vấn. Trong đó, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định Đặng Trung Thành được ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, yêu cầu giải trình và trả lời chất vấn đầu tiên.
Xử lý nước thải để tưới cây!
Một trong những vấn đề về môi trường được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp diễn ra nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Các đại biểu yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định thu hồi giấy phép không cho sản xuất đối với những doanh nghiệp không đầu tư thiết bị công nghệ để đảm bảo xử lý môi trường.
Đại biểu Phạm Ngọc Trình cho biết Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (xã Cát Trinh, H.Phù Cát, Bình Định) xả trực tiếp nước thải gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Bình Định đã xử phạt hành chính hơn 290 triệu đồng đối với công ty này về hành vi gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu khắc phục.
Tuy nhiên, công ty này không khắc phục mà lại thuê một công ty khác thu hồi nước này chở đi nơi khác xử lý. “Xin hỏi Giám đốc Sở TN-MT có biết trường hơp này, giải trình để cử tri an tâm?, đại biểu Phạm Ngọc Trình phát biểu.
Nước thải từ Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam chảy ra kênh Đồng Đế có màu đen và hôi thối ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định Đặng Trung Thành cho biết tỉnh Bình Định có 52 khu/cụm công nghiệp nhưng chỉ có 7 khu/cụm công nghiệp đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung, còn 45 cụm công nghiệp nhỏ chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ, chưa có hệ thống xử lý tập trung và xử lý riêng cho từng doanh nghiệp.
Ông Thành cũng cho biết Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm, may, đồng thời quá trình hoạt động đã xả thải trái phép ra môi trường. Kết quả kiểm tra cho thấy mẫu nước thải của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cát Trinh có chỉ tiêu BOD5, COD vượt nhiều lần so với giấy phép xả thải. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định xử phạt công ty hơn 290 triệu và buộc công ty dừng xả thải trong thời gian 135 ngày.
Tỉnh cho phép công ty này được thuê đơn vị có chức năng vận chuyển để xử lý nước thải tồn đọng, không được xả ra ngoài. Công ty này đã hợp đồng thuê 2 công ty khác xử lý nhưng 2 đơn vị này không đủ năng lực. “Theo giải trình của công ty là họ tự xử lý để tưới cây ở trên đó. Chứ việc chính xác có chở đi hay không thì Sở TN-MT chưa phát hiện, không biết ở địa phương có phát hiện hay không”, ông Thành giải thích.
Yêu cầu dừng hoạt động
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, Giám đốc Sở TN-MT chưa nắm rõ sự việc, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giải trình.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trình bày do sự thay đổi về nhân sự và xử lý môi trường không tốt nên Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam đã xả thải ra mương Đồng Đế (ở xã Cát Trinh) có mùi hôi, màu đậm đặc, làm ảnh hưởng đến dân sinh.
Sau khi UBND tỉnh Bình Định xử phát hành chính, buộc dừng xả thải thì công ty đã hứa sẽ xử lý nguồn nước thải để tái chế sử dụng. Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam cũng hứa hỗ trợ cho người dân bắt nước sạch nhưng kinh phí chưa cao, số hộ dân tại khu vực dọc kênh Đồng Đế có 2.200 hộ nhưng họ chỉ mới hỗ trợ 100 hộ bắt nước sạch.
“Qua kiểm tra lần 2 thì các thiết bị phục vụ cho việc xử lý thải của công ty vẫn không đảm bảo nên UBND tỉnh Bình Định không cho hoạt động dệt, nhuộm tại vị trí này, chỉ cho hoạt động về may mặc. UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở TN-MT giám sát việc công ty chở nước thải đi đâu, xử lý như thế nào”, ông Châu giải trình.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu giải trình trước HĐND tỉnh ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng một nhà máy bắt buộc phải xây dựng hệ thống nước thải rồi mới được phép hoạt động. “Tại sao lại chở đi xử lý nơi khác, có qui định như thế hay không? Nhà máy chở đi đâu, đổ xuống sông, suối hay ở đâu, việc đó lại càng cấm. Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho dừng sản xuất để khắc phục, khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt đọng trở lại”, ông Tùng chốt lại vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.