Trong lúc bay ngang qua vành đai thiên thạch giữa sao Hỏa và sao Mộc với tốc độ 47.800 km/giờ, phi thuyền trị giá 1,25 tỉ USD của Cơ quan Hàng không châu u (ESA) đã tiếp cận thiên thạch khổng lồ (tiểu hành tinh) hình dáng như củ khoai tây Lutetia ở khoảng cách 3.200 km. ESA cho hay Rosetta đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trên. Chuyên gia Holger Sierks của Viện Max Planck (Đức), người chịu trách nhiệm theo dõi kính không gian Osiris của phi thuyền, hồ hởi tiết lộ Rosetta đã truyền về hơn 400 bức hình tuyệt vời cho thấy chi tiết bề mặt Lutetia: “Rosetta đã mở ra một thế giới mới và khiến giới khoa học bận rộn trong nhiều năm”.
Mục đích của chuyến bay ngang qua tiểu hành tinh có đường kính 134 km này là nhằm đo khối lượng của Lutetia, kế đến là tính toán tỷ trọng của nó. Đây là những thông tin mà một ngày nào đó sẽ cứu trái đất, theo các nhà khoa học của ESA. Nếu một thiên thạch hung hãn tiến vào quỹ đạo có thể va chạm với trái đất, việc biết được tỷ trọng của nó sẽ giúp con người quyết định có nên thử làm chệch hướng thay vì cho nổ tung. Do Rosetta cách trái đất khoảng nửa triệu km, hình ảnh truyền từ phi thuyền mất 25 phút là về đến các trạm trên mặt đất.
Từng một thời bị cho là những vật thừa thãi bị bỏ lại sau quá trình hình thành các hành tinh, các tiểu hành tinh giờ đây là những thực thể thu hút giới khoa học. Chúng rất khác biệt về hình dạng và kích thước, từ các tảng đá nhỏ có đường kính vài trăm mét đến các thiên thạch khổng lồ có bề ngang từ 100 km trở lên, mang theo đủ loại khoáng chất. Hầu hết các nghiên cứu trước đây liệt Lutetia vào tiểu hành tinh loại C, có nghĩa là chứa chủ yếu là các hợp chất carbon. Tuy nhiên, một số ít kết quả đo đạc lại cho rằng nó thuộc loại M, có nghĩa là chứa kim loại. Dữ liệu mới có thể giúp các chuyên gia viết lại lý thuyết về sự phân loại tiểu hành tinh. Các tiểu hành tinh loại M nhỏ hơn Lutetia nhiều. Chúng là những mảnh vụn của các khối đá lớn sinh ra trong quá trình va đập ở vành đai thiên thạch.
Chuyến bay ngang Lutetia diễn ra khi Rosetta hoàn thành được phân nửa cuộc hành trình. Phi thuyền này được phóng lên không gian vào năm 2004 trong sứ mệnh kéo dài 12 năm, bay qua 7,1 tỉ km. Nằm trong những dự án phiêu lưu nhất trong lịch sử thám hiểm không gian, phi thuyền không người lái này được thiết kế để “chạm mặt” sao chổi 67/P Churyumov-Gerasimenko ở khoảng cách 675 triệu km so với trái đất vào năm 2014. Mục tiêu là nhằm khám phá bí mật đằng sau những kẻ du hành cô đơn trong vũ trụ, vốn có nguồn gốc từ thời hệ mặt trời mới khai sinh (cách đây khoảng 4,5 tỉ năm), trước khi các hành tinh hiện diện.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)