Hé lộ cách Trung Quốc thử nghiệm chiến đấu cơ tiên tiến

13/11/2022 14:30 GMT+7

Sự phát triển của các máy bay quân sự thế hệ mới hiện nay của Trung Quốc được cho là nhờ công sức lớn từ kinh nghiệm của các phi công lái thử và hệ thống huấn luyện bay thử nghiệm do Mỹ tiên phong.

Tại triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) diễn ra trong tuần qua, các phi công của không quân Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay biểu diễn trên các máy bay quân sự hiện đại, gồm tiêm kích tàng hình J-20, máy bay vận tải Y-20, trực thăng Z-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và máy bay tác chiến điện tử J-16D.

Các tiêm kích tàng hình J-20 bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải ngày 8.11

Reuters

Tờ South China Morning Post ngày 12.11 dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng sự phát triển của các máy bay này sẽ không thể có được nếu thiếu những đóng góp từ các phi công bay thử và quyết định áp dụng hệ thống huấn luyện bay thử nghiệm cách đây gần 20 năm.

Theo đó, chương trình phát triển máy bay của Trung Quốc đạt cột mốc vào năm 1998 khi Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô thuộc sở hữu của nhà nước lần đầu tiên cho bay thử máy bay tiêm kích thế hệ 4 nội địa J-10. Máy bay được biên chế vào năm 2005 và lập kỷ lục không có vụ rơi nào xảy ra trong quá trình bay thử nghiệm.

Đội bay thử nghiệm gồm 5 phi công đóng vai trò chủ chốt trong dự án J-10. Nhóm này được cho là không chỉ mở đường cho việc phát triển các thế hệ máy bay kế tiếp, mà còn vực dậy hệ thống huấn luyện phi công bay thử nghiệm của không quân Trung Quốc.

Phi công Lei Qiang (cầm hoa) sau khi hoàn tất chuyến bay thử nghiệm máy bay J-10 ngày 23.3.1998

Ảnh chụp màn hình SCMP

Phi công Lei Qiang, con trai của một phi công thời chiến tranh Triều Tiên, là người được chọn thực hiện chuyến bay đầu tiên của J-10 vào ngày 23.3.1998. Sáu tháng sau, ông Lei và 4 đồng đội học lái máy bay Mỹ tại một trường quốc tế đào tạo phi công bay thử tại Anh, do một cựu nhân viên hướng dẫn bay người Anh thành lập.

Tại đây, các phi công Trung Quốc được dạy cách lái máy bay Learjet một cách ổn định, loại máy bay được Trường đào tạo phi công bay thử không quân Mỹ sử dụng như thiết bị mô phỏng độ ổn định có thể thay đổi.

“Ông Lei và đội phi công bay thử J-10 nằm trong số những phi công bay thử hiếm hoi nhất của PLA (quân đội Trung Quốc) có thể viết và nghiên cứu báo cáo như những nhà thiết kế máy bay và kỹ sư. Việc huấn luyện ở nước ngoài đã thúc đẩy không quân từ bỏ cách huấn luyện của Liên Xô để chuyển sang hệ thống huấn luyện phi công bay thử của phương Tây vào năm 2005”, nhà nghiên cứu Chu Thần Minh tại viện nghiên cứu Viễn Vọng ở Bắc Kinh cho biết.

Đội phi công bay thử nghiệm của Trung Quốc từng được đào tạo tại Anh

Ảnh chụp màn hình SCMP

Theo ông Chu, Liên Xô huấn luyện phi công bay thử với tiêu chuẩn về sự dũng cảm tương tự như phi công lái chiến đấu cơ thông thường, nhưng phi công lái máy bay thử nghiệm đòi hỏi sự uyên bác và chính xác nhiều hơn. Ông cho biết sự khác biệt lớn giữa hệ thống của Liên Xô và Mỹ là việc Mỹ coi trọng hơn khả năng và hiểu biết của phi công.

Ông Fu Qianshao, chuyên gia thiết bị không quân Trung Quốc về hưu, nói rằng ứng viên trở thành phi công bay thử của PLA nên là phi công có kinh nghiệm với ít nhất 2 bằng cấp về hàng không và kỹ thuật, một số người còn có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Trung Quốc trình làng tên lửa bội siêu thanh mới tại triển lãm Chu Hải

Theo một bài viết của trang Beijing Evening News, phải mất hơn 210 triệu nhân dân tệ (29 triệu USD) để đào tạo một phi công bay thử nghiệm của PLA.

"Các phi công bay thử của PLA đang bắt kịp đối tác Mỹ khi ngày càng nhiều phi công tiêm kích có kinh nghiệm và triển vọng gia nhập đội bay thử. Chính phủ Trung Quốc giờ đã nhận thấy các phi công bay thử là quốc báu khi họ còn là những kỹ sư có thể giúp cho chương trình phát triển máy bay của đất nước”, ông Fu nói.

Tiêm kích J-20 bay biểu diễn tại triển lãm Chu Hải ngày 9.11

Reuters

Tiêm kích J-20 bay biểu diễn tại triển lãm Chu Hải ngày 8.11

AFP

Giáo sư Stephen Burgess nghiên cứu an ninh quốc tế tại Trường không chiến Mỹ cho biết chương trình phi công bay thử nghiệm của Mỹ đóng vai trò trong việc nâng cấp chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-35 và phát triển máy bay thế hệ kế tiếp.

Một số ý kiến từ Trung Quốc cho rằng chương trình phi công bay thử nghiệm của nước này đã phát triển một cách có tổ chức và hệ thống và có thể so sánh với các nước phương Tây. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng còn có một khoảng cách lớn về kinh nghiệm chiến đấu và số giờ bay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.