Nga đã bắt đầu phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 6 nhằm vượt lên trước các đối thủ tiềm tàng và củng cố sức mạnh trên bầu trời.
Trong khi đang còn thử nghiệm PAK-FA T-50, Nga đã chế tạo tiêm kích thế hệ 6 - Ảnh: AFP |
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã thông báo như vậy với báo giới sau buổi làm việc với các chuyên gia chế tạo máy bay chiến đấu của Tập đoàn Sukhoi hồi tuần rồi. “Phòng thiết kế của Sukhoi đã giới thiệu ngắn gọn với chúng tôi một số đặc điểm mới của máy bay tiêm kích thế hệ 6, mặc dù chiến đấu cơ thế hệ 5 hiện vẫn đang trải qua quá trình thử nghiệm”, báo mạng Russia Beyond The Headlines (RBTH) dẫn lời ông Rogozin cho biết.
Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev thì nhấn mạnh lực lượng này đang xúc tiến chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 6 và nhiều khả năng là cả thế hệ 7. “Nếu dừng lại, chúng ta sẽ đứng yên mãi mãi và tụt lại phía sau. Công việc chế tạo máy bay phải tiếp diễn liên tục”, ông Bondarev khẳng định.
Có cả phiên bản UAV
Tờ Pravda dẫn lời Tư lệnh Bondarev cho biết tiêm kích thế hệ 6 sẽ bao gồm cả phiên bản có người lái lẫn không người lái. Trong đó, hệ thống thiết bị điện tử của phiên bản máy bay không người lái (UAV) có nhiều chức năng hơn và có thể chịu được tình trạng quá tải. Điểm thuận lợi của phiên bản UAV là không gây nguy hại cho phi công và tiết kiệm kinh phí vì quá trình tuyển chọn cũng như huấn luyện phi công điều khiển chiến đấu cơ tối tân rất tốn kém tiền bạc lẫn công sức.
Do đây là chương trình tuyệt mật nên chi tiết tính năng của tiêm kích mới vẫn chưa được tiết lộ. Thế nhưng, RBTH dẫn lời giới chuyên gia quốc phòng và các nguồn tin trong ngành cho hay thân máy bay sẽ được làm bằng một loại vật liệu tổng hợp composite nhẹ song có độ bền cao. Điểm quan trọng nhất là chiến đấu cơ sẽ được phát triển để có thể đạt vận tốc bội siêu thanh, khoảng Mach 6 - 7 (tức gấp từ 6 đến 7 lần tốc độ âm thanh, tầm 7.400 - 8.600 km/giờ) ở những giai đoạn bay nhất định. Vì thế, vật liệu tổng hợp nói trên sẽ đáp ứng được yêu cầu về khả năng chịu nhiệt ở tốc độ cực cao.
Mặt khác, động cơ máy bay được cho là đủ khả năng hoạt động trong cả môi trường chân không. Điều này cho thấy một trong những nhiệm vụ của tiêm kích thế hệ 6 có thể sẽ liên quan đến cả bay vào quỹ đạo trái đất. Máy bay mới cũng không thể thiếu hệ thống điện tử có khả năng hoạt động hiệu quả và ổn định trong mọi tình huống để duy trì liên lạc thường xuyên với trung tâm chỉ huy dưới mặt đất, trên không và cả trên tàu vũ trụ, theo RBTH.
Giới chức Nga không đề cập cụ thể thời gian chế tạo máy bay thế hệ 6, nhưng một lãnh đạo tại Sukhoi tiết lộ tiêm kích thế hệ 6 đầu tiên sẽ được đưa vào thực chiến vào nửa cuối thập niên 2020.
Mẫu gợi ý F/A-XX của Boeing dành cho Hải quân Mỹ - Đồ họa: Boeing
|
Đối thủ tiềm năng
Nhiệm vụ chiến đấu hay đối thủ tiềm tàng của tiêm kích thế hệ 6 vẫn còn là ẩn số. Hiện nay chỉ có vài quốc gia đủ khả năng chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 và dẫn đầu vẫn là Mỹ và Nga. Mỹ đã triển khai F-22 cho hàng loạt sứ mệnh quân sự, mới nhất là chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhưng chương trình F-35 đang có dấu hiệu chững lại do nhiều trục trặc và bị đội kinh phí. Ngoài ra, theo trang Flightglobal.com, Washington cũng đang nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 6, với dự án F/A-XX của Hãng Boeing nhằm tìm sẵn “người kế nhiệm” cho F-22.
Một quốc gia khác là Trung Quốc lâu nay đã rầm rộ công bố hình ảnh của các tiêm kích J-20 và J-31. Theo truyền thông trong nước, đây được cho là những mẫu chiến đấu cơ tân tiến nhất của Bắc Kinh hiện nay và “không hề thua kém” máy bay thế hệ 5 của các nước khác. Tuy nhiên, giới quan sát nước ngoài khẳng định J-31 cao lắm cũng chỉ là “thế hệ 4 rưỡi” vì còn khoảng cách rất xa so với F-22 của Mỹ hay PAK-FA T-50 của Nga.
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông hồi tháng 11.2014, chiếc J-31 đã phun khói đen mịt mù trong lúc trình diễn khiến các nhà chế tạo một phen muối mặt, theo trang Business Insider. Các chuyên gia lý giải nguyên do là máy bay vẫn sử dụng động cơ phản lực cũ kỹ RD-93 từ thời thập niên 1970 của Liên Xô.
Tờ The Fiscal Times dẫn lời các chuyên gia nhận định việc Nga khởi động phát triển tiêm kích thế hệ 6 trong khi vẫn đang hoàn thiện chiến đấu cơ thế hệ 5 cho thấy nước này có tầm nhìn xa đối với tương lai ngành hàng không quân sự và quyết không chịu tụt lại phía sau Mỹ. Tuy còn phải mất rất nhiều thời gian trước khi tiêm kích thế hệ 6 của Moscow tung hoành trên bầu trời, nhưng chắc chắn Washington sẽ không khỏi lo lắng khi họ vẫn đang loay hoay với bài toán F-35, theo The Fiscal Times.
Uy lực của tiêm kích PAK-FA T-50
Hiện Nga đang tích cực thử nghiệm máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA T-50. Theo tờ Kommersant, quy trình thử nghiệm chiến đấu cơ này sẽ hoàn tất trong năm nay và sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2017. Có thể đạt Mach 4 (khoảng 5.000 km/giờ) chỉ trong vài giây, PAK-FA T-50 được thiết kế để làm đối trọng với F-22 Raptor của Mỹ. Ngoài khả năng tàng hình, máy bay còn sở hữu nhiều loại vũ khí lợi hại bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải với khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 240 km và các loại bom thông minh có sức công phá lớn. Tiêm kích này còn được trang bị cả hệ thống điện tử và radar tân tiến.
|
Nga sẽ đáp trả việc Mỹ đưa bom hạt nhân đến châu Âu
Nga sẽ có hành động đáp trả phù hợp với kế hoạch triển khai bom hạt nhân B61-B12 nâng cấp của Mỹ đến châu Âu, tờ Kommersant ngày 11.3 dẫn lời một quan chức cấp cao của Nga tuyên bố. “Về mặt quân sự, theo thông lệ, mọi hành động đều gây ra phản ứng, tôi chắc rằng Nga sẽ có đáp trả thích đáng với việc Mỹ triển khai bom mới và mức độ phản ứng sẽ được xác định dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng mọi tình huống”, ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu Cơ quan chống phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Theo Hãng thông tấn Sputnik, Mỹ dự tính sẽ triển khai phiên bản B61-12 để thay thế 180 quả B61 thế hệ cũ đang đặt tại nhiều nước châu Âu như Đức, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan. Ông Ulyanov còn nhấn mạnh thêm việc hiện đại hóa kho bom hạt nhân cho thấy NATO có ý định vi phạm Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) về lâu dài.
|
Bình luận (0)