Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ gợi ý rằng Nga đã hoàn thành một cơ sở thử nghiệm bí mật trong không gian như một phần của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân diệt vệ tinh trong quỹ đạo. Các quan chức này cũng cảnh báo quốc hội Mỹ rằng loại vũ khí trên có khả năng hủy hoại môi trường tại quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO) trong thời gian dài, theo trang The War Zone.
Mỹ cực kỳ lo ngại
Tại một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức tại Washington D.C hôm 3.5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí, răn đe và ổn định Mallory Stewart đã có những thảo luận chi tiết về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh của Nga. Bà cho biết dựa trên những thông tin mà Washington cho là đáng tin cậy, Mỹ cực kỳ lo ngại Nga có thể đang cân nhắc kết hợp vũ khí hạt nhân vào các chương trình chống lại các hệ thống trong không gian. "Mỹ đã biết về việc Nga theo đuổi dạng năng lực này trong nhiều năm nhưng chỉ đến gần đây chúng tôi mới có thể đưa ra đánh giá chính xác hơn về sự tiến triển của họ", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ông Putin chỉ thị tập trận hạt nhân chiến thuật để đáp trả đe dọa từ phương Tây
Theo tường thuật của The War Zone, bà Stewart nhiều lần nhấn mạnh trong cuộc đối thoại rằng chính phủ Mỹ không cho là Nga đã triển khai năng lực nêu trên và Washington đang cố gắng khuyến khích Moscow không nên làm điều đó. Tuy nhiên, bà Stewart ngụ ý rằng một phần của việc phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh này đã được đưa vào không gian.
Theo vị quan chức, Nga tuyên bố vệ tinh của họ được sử dụng cho mục đích khoa học. Tuy nhiên, việc vệ tinh này hoạt động trong một quỹ đạo không được sử dụng bởi bất kỳ vệ tinh nào khác là một sự bất thường nhất định. Ngoài ra, quỹ đạo này có mức độ bức xạ cao hơn so với các quỹ đạo thấp hơn của trái đất, nhưng mức độ bức xạ đó không đủ cao để cho phép kiểm tra các thiết bị điện tử trong môi trường khắc nghiệt như mục đích mà Nga đã mô tả.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ không nêu cụ thể tên của vệ tinh được nhắc đến cũng như mục đích của nó. Tuy nhiên, The War Zone cho rằng việc đưa một hệ thống thử nghiệm lên quỹ đạo trước khi triển khai vũ khí không gian thực tế, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, là điều hợp lý.
"Chúng tôi không nói về một vũ khí có thể được sử dụng để tấn công con người hoặc gây thiệt hại nặng cho trái đất. Thay vào đó, các nhà phân tích của chúng tôi đánh giá rằng việc kích nổ một thiết bị hạt nhân trong một vị trí cụ thể trong quỹ đạo sẽ khiến quỹ đạo trái đất ở tầm thấp hơn sẽ không thể được sử dụng trong một thời gian nhất định", bà Stewart nói. LEO là tầng không gian cao khoảng 160 km đến 1.931 km tính từ trái đất, là nơi có rất nhiều vệ tinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với con người.
Nguy cơ từ vụ nổ hạt nhân trong không gian
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 1.5, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách không gian John Plumb cũng nói về cùng chủ đề, gồm các năng lực của vũ khí chống vệ tinh. "Khái niệm mà chúng tôi đang lo ngại là Nga đang phát triển và, nếu chúng tôi không thể thuyết phục họ làm ngược lại, sẽ triển khai một vũ khí hạt nhân trong không gian. Lo ngại này liên quan một vũ khí bừa bãi không bị giới hạn trong biên giới quốc gia, không xác định đâu là vệ tinh quân sự, dân sự hay thương mại", ông Plumb nói.
Khi được Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner đặt câu hỏi về tác động của một vụ nổ do vũ khí như trên trong không gian, ông Plumb thừa nhận rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, vị quan chức cảnh báo rằng hầu hết vệ tinh trong không gian có thể bị hư hại bởi một vụ nổ như thế và không thể tồn tại. Nếu một vụ nổ hạt nhân xảy ra, trái đất sẽ bị bao quanh bởi hai vành đai phóng xạ lơ lửng trong LEO, khiến tầng không gian này không thể là môi trường cho vệ tinh hoạt động trong một năm. Toàn bộ vệ tinh của các nước và công ty trên toàn cầu, các dịch vụ liên lạc, khoa học, khí tượng, nông nghiệp, thương mại và an ninh quốc gia quan trọng mà con người đang sử dụng đều bị đe dọa nghiêm trọng.
Ông Plumb cho rằng vũ khí hạt nhân chống vệ tinh chưa phải là mối đe dọa tức thì nhưng chính quyền Mỹ đang lo ngại và cũng nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này.
Hồi cuối tháng 4, Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ và Nhật Bản đề xuất, theo đó yêu cầu các thành viên tuân thủ Điều 4 của Hiệp ước không gian 1967, cấm các nước đưa vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo hay các thực thể trong không gian. Hiệp ước còn cấm các nước phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt để sử dụng trong quỹ đạo. Hiệp ước này từng được Liên Xô ký vào 56 năm về trước. Nhà Trắng lên án việc Nga phủ quyết. Trong một tuyên bố khi đó, chính quyền Mỹ lần đầu tiên xác nhận vũ khí chống vệ tinh mới của Nga là vũ khí hạt nhân.
"Mỹ đánh giá rằng Nga đang phát triển một vệ tinh mới mang một thiết bị hạt nhân. Chúng tôi đã nghe thấy Tổng thống (Vladimir) Putin công khai nói rằng Nga không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Nếu điều đó là thật, Nga sẽ không phủ quyết nghị quyết này", Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói trong tuyên bố hôm 24.4.
Trong khi đó, Nga đã cho lưu hành nghị quyết Liên Hiệp Quốc do nước này soạn thảo, theo đó không chỉ kêu gọi ngăn chặn việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian mà còn dừng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong không gian.
Bình luận (0)