Hé lộ động cơ ám sát Tổng thống Kennedy

06/08/2017 08:22 GMT+7

Hàng ngàn tài liệu giải mật mới đây đã lý giải động cơ của kẻ nổ súng ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy vào năm 1963.

Chính phủ Mỹ hồi tuần rồi công bố 441 tài liệu mới về vụ ám sát Tổng thống Kennedy và giải mật toàn bộ 3.369 hồ sơ từng bị kiểm duyệt một số phần trước đây. Theo luật thông qua năm 1992, chính phủ Mỹ phải giải mật tất cả hồ sơ trước khi kết thúc tháng 10.2017. Tính đến nay, có trên 4 triệu trang tài liệu được công bố, nhưng không nêu động cơ của kẻ ám sát Lee Harvey Oswald. Các nhà nghiên cứu cho biết hồ sơ mới giải mật cho thấy Oswald được cho là có dính líu với tình báo Cuba, Liên Xô và bắn chết ông Kennedy để trả đũa âm mưu ám sát lãnh tụ Fidel Castro của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), theo tờ Politico.
Che đậy thông tin
Theo thông tin công bố chính thức từ trước đến nay, Oswald, người tự xưng theo chủ nghĩa Mác, dùng súng trường đứng trên tầng 6 tòa nhà Dealey Plaza, nổ súng bắn chết Tổng thống Kennedy, lúc đó đang ngồi trên xe trong chuyến diễu hành ở TP.Dallas vào ngày 22.11.1963. CIA đã thông báo với Ủy ban Warren, đơn vị điều tra độc lập vụ ám sát, rằng không có chứng cứ cho thấy đây là âm mưu nội địa hay của tình báo nước ngoài và không rõ động cơ kẻ ám sát.
Tuy nhiên, tài liệu mới giải mật cho thấy nội bộ CIA lo ngại thông tin được công bố chính thức không chính xác và cuộc điều tra đã bỏ lỡ những manh mối quan trọng. Cụ thể, các quan chức CIA không muốn tiết lộ với Ủy ban Warren rằng cơ quan này từng theo dấu Oswald nhưng lại không nắm được mối quan hệ mật thiết từ lâu giữa người này với phía Liên Xô và Cuba.
Lee Harvey Oswald với khẩu súng chụp trong vườn nhà Cảnh sát Dallas
CIA đã đưa ra một số giả thuyết lý giải động cơ của Oswald, nhưng lại không dám thông báo, thậm chí báo cáo láo với Ủy ban Warren do lo ngại làm lộ âm mưu ám sát lãnh tụ Fidel Castro và những thiếu sót trong quá trình điều tra và theo dõi Oswald. Dưới thời Tổng thống Kennedy, CIA đã tiến hành nhiều cuộc ám sát lãnh tụ Fidel Castro nhưng bất thành, bao gồm tặng đồ lặn chứa độc và xì gà cài thuốc nổ. Lãnh tụ Fidel Castro cũng đã thừa nhận ông sống sót sau hàng trăm âm mưu ám sát.
Chính vì thế, Ủy ban Warren chưa bao giờ nhắc đến âm mưu của CIA, đa phần chỉ đặt nghi vấn về động cơ của Oswald. Trong bản báo cáo chính thức cuối cùng, Ủy ban Warren chỉ kết luận Oswald hành động vì “lòng thù hận xã hội Mỹ” và không có chứng cứ cho thấy có tay súng thứ 2. Tuy nhiên, theo tài liệu của CIA mới công bố, tình báo Mỹ nắm được thông tin rằng khi còn là lính thủy đánh bộ đóng quân tại căn cứ ở bang California, Oswald đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ và xem lãnh tụ Fidel Castro như thần tượng trong nhiều năm và bắt đầu có mối quan hệ mật thiết với các nhà ngoại giao Cuba kể từ năm 1959.
Nhân chứng duy nhất
Một tài liệu năm 1975 của CIA mới được công bố thừa nhận đã thiếu sót trong quá trình điều tra, đó là không thể thẩm vấn trực tiếp nhân chứng quan trọng ở Mexico City - Silvia Duran, nhân viên người Mexico của lãnh sự quán Cuba được cho có mối quan hệ tình ái với Oswald. “Duran là nhân chứng còn sống sót duy nhất, biết rõ hoạt động của Oswald, nhưng chính quyền Mexico đã lấy lời khai người phụ nữ này”, theo báo cáo CIA.
Chính quyền Mexico yêu cầu được tự tiến hành thẩm vấn và bà Duran không phải xuất hiện trước Ủy ban Warren. Theo Politico, bà Duran vẫn còn sống, đã nhiều lần khẳng định không có bất kỳ mối quan hệ tình ái với Oswald, dù thừa nhận đã giúp anh ta làm đơn xin cấp thị thực đến Cuba nhưng bất thành.
Theo tài liệu CIA, trong cuộc thẩm vấn với giới chức Mexico, Duran đã không giải thích vì sao người bạn - đồng nghiệp của bà tên Luisa Calderon khẳng định biết rõ âm mưu bắn chết Tổng thống Kennedy trong cuộc điện thoại bị nghe lén vài giờ sau vụ ám sát. “Vâng, tôi biết trước cả Kennedy. Hãy tưởng tượng xem một, hai, ba và bây giờ là ba phát... Đúng là những tên man rợ”, Calderon vừa nói vừa cười. CIA không nêu rõ Calderon nói chuyện với ai trên điện thoại.
Âm mưu trả thù
Nội bộ CIA phát hiện họ đã sai lầm khi phớt lờ thông tin tình báo về chuyến đi 6 ngày đến Mexico City của Oswald vào cuối tháng 9.1963, hai tháng trước vụ ám sát. Văn phòng của CIA ở Mexico đã theo dõi Oswald, phát hiện anh ta đến gặp các nhà ngoại giao, điệp viên Cuba và Liên Xô. Trước khi đi, Oswald nói với vợ Marina rằng anh ta đến Mexico để xin thị thực giúp đào tẩu sang Cuba. Oswald từng xin tị nạn ở Liên Xô nhưng bất thành.
Trưởng văn phòng CIA ở Mexico cho rằng Oswald có mối quan hệ tình ái với một phụ nữ Mexico làm việc trong lãnh sự quán Cuba. Mặc dù đến nay vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng về vai trò của Liên Xô trong vụ án, nhưng tài liệu CIA cho thấy Oswald đã đến gặp chuyên gia ám sát của tình báo Liên Xô (KGB) đội lốt nhà ngoại giao ở Mexico. Oswald được nghe thấy lời đe dọa giết chết Tổng thống Kennedy khi đến cơ quan ngoại giao Cuba tại Mexico. Nhưng các điều tra viên của Ủy ban Warren hoàn toàn không biết thông tin này.
Theo đánh giá của CIA, sau khi đọc xong một bài báo của tờ Times-Picayune về âm mưu ám sát Castro, Oswald đã lên kế hoạch trả đũa cho thần tượng, giết chết ông Kennedy trước khi tình báo Mỹ có thể thực hiện âm mưu ám sát lãnh tụ Cuba. Một phóng viên của Hãng tin AP thường trú tại thủ đô Havana (Cuba) đã có cuộc phỏng vấn lãnh tụ Fidel Castro nhưng sau đó bài viết được đăng tải trên tờ Times-Picayune. Trả lời phỏng vấn, lãnh tụ Fidel Castro nói ông biết rõ Mỹ có âm mưu ám sát các lãnh đạo ở Cuba, kể cả ông. "Giới chức Mỹ sẽ gặp nguy hiểm nếu họ có bất kỳ âm mưu nào đối với các lãnh đạo Cuba", lãnh tụ Fidel Castro cảnh báo.
Ngay sau vụ ám sát, Văn phòng CIA tại Mexico cảnh báo với trụ sở chính rằng bài viết của Times-Picayune có thể chứa đựng manh mối về động cơ của Oswald. Sau này, một luật sư thuộc Ủy ban Warren tin rằng động cơ ám sát Tổng thống Kennedy xuất phát từ bài báo đó. Dù vậy, các điều tra viên vẫn không thể tìm được bằng chứng khẳng định động cơ thật sự của Oswald. Hai ngày sau khi bị bắt, một người đàn ông bắn chết Oswald ngay trước trụ sở cảnh sát TP.Dallas. Kể từ lúc bị bắt cho đến khi chết, Oswald đều khăng khăng mình là người vô tội. Ủy ban Warren cũng đã quyết định không nhắc đến bài báo trong báo cáo cuối cùng năm 1964 (888 trang) do lo ngại dấy lên thuyết âm mưu về khả năng Cuba có liên quan đến cái chết của ông Kennedy.

tin liên quan

Điệp viên nắm giữ bí mật vụ ám sát Kennedy
Từng làm việc cho chính quyền Cuba nhưng sau đó lại trở thành nhân viên CIA, nữ điệp viên June Cobb nắm giữ bí mật chưa từng công bố về vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy.
Một số quan chức Mỹ tiết lộ với Politico rằng các quan chức CIA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ đề nghị Tổng thống Donald Trump giữ tuyệt mật những tài liệu còn lại trước khi hết hạn công bố vào tháng 10.2017. CIA chưa bao giờ thay đổi kết luận rằng Oswald hành động một mình và không có chứng cứ cho thấy người này tiến hành vụ ám sát theo hướng dẫn của bất kỳ cơ quan tình báo nước ngoài nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.