Sài Gòn 'gánh' rác lậu: Hé lộ đường dây bảo kê

11/05/2017 07:11 GMT+7

Để ngăn tình trạng mang rác từ các tỉnh lân cận đổ vào, TP.HCM có cả một lực lượng giám sát của nhiều sở, ban, ngành...

Thế nhưng, rác tỉnh vẫn tuồn vào bởi sự “phù phép” của đầu nậu và cả những “lỗ thủng” từ lực lượng giám sát.
Trong bài trước, chúng tôi đề cập việc rất nhiều xe tải thu gom rác từ TT.Hậu Nghĩa, xã Đức Hòa Hạ... (H.Đức Hòa, Long An) rồi đem đổ qua các trạm trung chuyển rác (TTCR) tại Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM). Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, PV Thanh Niên nhận thấy địa điểm hằng ngày nhiều xe tải chở rác sau thu gom tập trung về đậu, chờ đến giờ thì xuất phát qua TTCR Hóc Môn đổ là trụ sở của Công ty TNHH TM DV Môi trường công nghiệp xanh (MTCNX) Long An (trụ sở ở đường Gò Hưu, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa), do ông N.H.Tr làm giám đốc.
Chiêu phù phép của đầu nậu
Chiều 8.5, ông Trương Minh Khánh, Chủ tịch UBND TT.Hậu Nghĩa, xác nhận: “Thị trấn có ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn với giá 70 triệu đồng/tháng. Công ty này làm được lắm nên ký hợp đồng thu gom rác gần hết với các thị trấn, xã của H.Đức Hòa. Riêng TT.Hậu Nghĩa, công ty bố trí hai xe tải chở rác (gồm xe BS: 62C-085.14, 70C-015.76”. Tương tự, chiều 8.5, lãnh đạo xã Đức Hòa Hạ cũng cho biết: “Ngày 15.3.2017, xã ký hợp đồng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt với Công ty MTCNX Long An với giá 880.000 đồng/tấn. Riêng xã này thải ra 10 tấn rác sinh hoạt/ngày nên trả 264 triệu đồng/tháng. Hai xe tải thu gom rác của công ty trên địa bàn xã là xe BS: 51C-813.40 và 51C-135.02. Đó là chưa kể mấy xe nhỏ nữa”.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng TN-MT H.Đức Hòa (Long An): “Hiện Công ty CP đô thị Đức Hòa, các công ty tư nhân, hộ kinh doanh thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện đều phải đưa đến Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (H.Thạnh Hóa, Long An) xử lý. Nhà máy này thu phí xử lý rác từ 500.000 - 800.000 đồng/tấn (tùy theo loại rác). Khi các đơn vị, cá nhân này ký hợp đồng với thị trấn, xã thu gom rác thải sinh hoạt thì phải có trách nhiệm vận chuyển đưa đi xử lý rác”. Thế nhưng, đối chiếu các biển số xe tải của Công ty MTCNX Long An mà TT.Hậu Nghĩa, xã Đức Hòa Hạ cung cấp thì đều trùng khớp với số xe chở rác đổ chui lên TP.HCM mà PV Thanh Niên ghi nhận.
Vậy bằng cách nào rác Công ty MTCNX thu gom ở Long An lại có thể vào TP.HCM? PV Thanh Niên tìm hiểu và được biết, bên cạnh Công ty MTCNX Long An, ông N.H.Tr còn lập Công ty TNHH Thu gom rác thải công nghiệp xanh (TGRTCNX, trụ sở ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng do ông này làm giám đốc. Ngày 15.1.2016, Công ty TGRTCNX ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (viết tắt Công ty MTĐT) đổ rác sinh hoạt tại TTCR ở số 1 Tống Văn Trân, P.5, Q.11 từ ngày 15.1 - 31.12.2016, với giá xử lý 800.000 đồng/tấn, tiền đặt cọc 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tăng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty MTĐT, suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, Công ty TGRTCNX không hề đổ rác ở Tống Văn Trân. Đến 1.10.2016, UBND TT.Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa, Long An) ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn thị trấn với giá 70 triệu đồng/tháng. Rất có thể, ông N.H.Tr đã sử dụng 2 hợp đồng này để tráo rác từ Long An qua TP.HCM.
Ông S. đang gọi điện thoại nhờ gửi xe rác cho ông H. tại trung tâm trung chuyển Q.12
“Sếp của em đã gửi rồi thì cứ thế xuống đổ thôi”
Tuy nhiên, dù có “bùa phép” thế nào, rác lậu từ ngoại tỉnh cũng khó có thể tuồn dễ dàng vào TP.HCM như những gì PV Thanh Niên ghi nhận được, nếu không có sự tiếp tay của lực lượng kiểm tra, giám sát.
Từ nguồn tin phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên biết được ngày 4.5 một chủ doanh nghiệp chuyên thu gom rác ở tỉnh tên H. (xin được đổi tên) lên lịch hẹn gặp ông S. (tự xưng là nhân viên giám sát rác của Sở TN-MT TP.HCM) đặt vấn đề đưa rác ở tỉnh về TP.HCM đổ chui, nên tiếp cận ông H. để ghi nhận vụ việc. Qua tìm hiểu, ông S. là người từng “lo” cho ông H. đổ rác chui ở TTCR Hóc Môn nhưng chưa kịp đổ thì bị một đầu nậu thu gom rác ở Long An có quan hệ rộng đánh bật ra, không cho đổ. Sau đó, ông H. mua 5 logo của một hợp tác xã ở TP.HCM với giá 5 triệu đồng dán trên xe, chạy vào TTCR Hóc Môn đổ cũng bị phát hiện, đuổi ra.
Tại cuộc gặp, khi ông H. phàn nàn “mỗi ngày, hàng chục lượt xe thu gom rác ở Long An của công ty ông Tr. về đổ ào ào ở TTCR Tân Hóa (Q.11), TTCR Hóc Môn, TTCR Củ Chi thì được, còn anh có một xe vừa chạy vô chưa kịp đổ là bị phát hiện, đuổi ra ngay” nhắc đến việc xe của mình bị “đá”, thì S. giải thích: “Bây giờ em nói thật với anh luôn nhe. Bên Hóc Môn (tức TTCR Hóc Môn - PV) đổ rất ngon, đúng không? Sếp của em đã gửi rồi thì cứ thế xuống đổ thôi. Anh muốn cho ổng (một người quản lý TTCR Hóc Môn - PV) bao nhiêu thì cho. Ổng sẽ tự hiểu nhưng đừng nói thẳng là rác tỉnh về. Em đã dặn lính của anh (ông H. - PV) đừng nói thẳng nhưng lại nói thẳng là rác tỉnh nên mới bị đuổi không cho đổ”. Ngoài ra, S. giải thích thêm việc vì sao xe của ông Tr. dễ dàng đổ rác vào TP: “Thường nó lấy rác ở H.Hóc Môn nửa xe, sau đó qua Long An lấy nửa xe nên dễ ăn nói (!?)”.
Về “hợp đồng” làm ăn mới với ông H., ông S. tỏ ra khá nhiệt tình: “Trước mắt, em (ông S. - PV) liên lạc với đồng nghiệp, nhờ bô rác nào đó nhận trước 2 xe (khoảng 15 tấn) được không. Bên TTCR Củ Chi kẹt xe quá, không đến đổ trực tiếp được. Em có thể gọi cho Hải (tài xế xe ép rác chuyên dụng loại 10 tấn) tầm khoảng 1 - 2 giờ sáng, hẹn ở khu vực Củ Chi, cho xe tải chở rác của anh (ông H. - PV) đến sang rác qua xe ép thoải mái”. “Làm ăn kiểu vậy chụp giựt lắm, sao được. Ít bữa nữa anh còn lấy rác Tây Ninh xuống nữa thì sao giải quyết?”, ông H. lo lắng. “Ở Tây Ninh còn rác đâu mà lấy. Ông D. ở Tây Ninh, nói gửi em 1 xe rác mà cả tháng nay có thấy xuống đâu. Nghe đâu ông D. mua 1 ô lớn đổ rác trên đó rồi, 1 ô đó đổ khi nào cho hết. Em sẽ gửi bớt về bô rác tạm trên QL1A gần cầu vượt An Sương. Chỗ này mỗi ngày ép cũng được vài xe. Nghe nói có mấy xe lạ đến đổ. Giải quyết mấy xe đó đi thì anh đến đổ. Xe lạ đuổi đi mấy hồi”, ông S. nói xong rút điện thoại gọi cho một đồng nghiệp giám sát rác khu vực Q.12, gửi ông Đ. (tự xưng là người quản lý TTCR Q.12) cho ông H. đổ 2 xe nói trên và được ông Đ. đồng ý giải quyết.
Ngày 5.5, ông H. liên lạc với ông Đ. và được yêu cầu nhắn hai biển số xe đổ rác chui.
Đúng như thỏa thuận, sáng 6.5, 1 xe tải trọng tải 3,5 tấn (BS: 51C-65...), 1 xe tải trọng tải 1,6 tấn (BS: 51C-49...) của ông H. thu gom rác ở Long An; đến 12 giờ cùng ngày hai xe chạy thẳng đến TTCR Q.12 đổ rác mà không hề có sự phản ứng nào từ nhân viên của TTCR đang trực chốt tại đây... Đến cuối giờ chiều, ông H. gọi điện thoại hỏi ông Đ. Và hai bên thỏa thuận giá đổ rác ngoại tỉnh vào là 5 triệu đồng/tháng/xe lớn và 2 triệu đồng/tháng/xe nhỏ. Để phi vụ làm ăn suôn sẻ, ông Đ. còn nhiệt tình chỉ bảo: “Phải báo lấy rác ở H.Hóc Môn. Bây giờ có quen xã nào ở H.Hóc Môn không, để làm giấy xác nhận mình lấy rác ở khu vực đó là xong”.
Làm giả hợp đồng đổ rác vào TP.HCM
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 1.3.2017, UBND TT.Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa) tiếp tục ký hợp đồng giao khoán cho Công ty MTCNX Long An thu gom rác trên địa bàn thị trấn với giá giảm còn 60 triệu đồng/tháng. Ngày 15.3.2017, UBND xã Đức Hòa Hạ cũng ký hợp đồng thu gom rác với Công ty MTCNX Long An, với giá 264 triệu đồng/tháng. Để tiếp tục phù phép cho rác Long An qua TP.HCM, Công ty MTCNX Long An “bùa” một hợp đồng trực tiếp ký với Công ty MTĐT TP.HCM (ảnh) đổ rác tại trạm số 1 Tống Văn Trân, P.5, Q.11 và TTCR Hóc Môn từ ngày 2.1 - 31.12.2017 với tiền đặt cọc 50 triệu đồng, đổ 3 xe 30 khối/ngày... Thế nhưng, khi xem bản hợp đồng do PV Thanh Niên cung cấp, ông Tăng Thanh Hải khẳng định đây là hợp đồng giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.