Hé lộ khối tài sản ngầm trị giá hàng nghìn tỉ USD

05/10/2021 07:20 GMT+7

Hồ sơ Pandora bóc trần những mảng tối về tài chính của 35 lãnh đạo thế giới, bao gồm các tổng thống, thủ tướng đương nhiệm và đã hết giữ chức vụ.

Các gương mặt cựu lãnh đạo và lãnh đạo xuất hiện trong Hồ sơ Pandora

Reuters

Cuối tuần qua, các tờ báo uy tín như The Washington Post, The Guardian, Le Monde đồng loạt đăng bài phanh phui cách thức một số nhân vật giàu có và thế lực nhất lâu nay vẫn âm thầm xây dựng các đế chế bất động sản bí mật ở nước ngoài trong khi dễ dàng lách thuế, với tổng giá trị được cho là có thể lên đến hàng nghìn tỉ USD.

Các bài viết lấy thông tin từ cái gọi là “Hồ sơ Pandora”, tập hợp gần 12 triệu tài liệu rò rỉ từ 14 công ty trên thế giới. Sau khi tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ trên, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chia sẻ với các đối tác truyền thông của mình để bắt đầu triển khai cuộc điều tra trên quy mô lớn. Tổng cộng khoảng 600 nhà báo thuộc 150 hãng truyền thông tại 115 nước đã tham gia vào dự án này.

Hồ sơ Pandora nhắc đến những ai?

Theo tờ The Guardian, Hồ sơ Pandora bóc trần những mảng tối về tài chính của 35 lãnh đạo thế giới, bao gồm các tổng thống, thủ tướng đương nhiệm và đã hết giữ chức vụ. Danh sách các khách hàng bí mật còn có hơn 300 quan chức chính phủ, từ bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng đến tướng lĩnh của hơn 90 quốc gia. Hơn 100 tỉ phú cũng bị phát hiện lách thuế bằng cách dựa vào các công ty tài chính và luật sư để đầu tư vào các dinh thự, bất động sản trên bãi biển, du thuyền và những tài sản đắt đỏ khác ở nước ngoài. Cuộc điều tra tập trung vào các thiên đường trốn thuế như quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Hồng Kông, Belize, cũng như một số địa điểm trên đất Mỹ.

Trong đợt công bố đầu tiên liên quan đến Hồ sơ Pandora, những cái tên nổi bật trong danh sách bao gồm Vua Abdullah II của Jordan, Thủ tướng Andrej Babis (CH Czech), Tổng thống Uhuru Kenyatta (Kenya), Tổng thống Guillermo Lasso (Ecuador), Tổng thống Volodymyr Zelenskiy (Ukraine), Tổng thống Ilham Aliyev (Azerbaijan).

Cụ thể, cuộc điều tra phát hiện các cố vấn đã giúp Vua Abdullah II thiết lập khoảng 40 công ty bình phong từ năm 1995 - 2017. Thông qua những công ty này, vị vua đã mua 14 bất động sản với tổng trị giá hơn 106 triệu USD. Trong khi đó, Thủ tướng Babis của CH Czech năm 2009 đã thông qua các công ty bình phong để mua một lâu đài trên đồi ở Mougins, miền nam Pháp với giá 22 triệu USD.

Trước những cáo buộc trên, hoàng gia Jordan hôm qua khẳng định Vua Abdullah II sở hữu nhiều bất động sản tại Anh, Mỹ, và điều này không phải là bí mật. Việc giữ kín thông tin về các giao dịch không phải nhằm trốn thuế, mà chỉ bảo đảm quyền riêng tư cũng như cân nhắc khía cạnh an ninh của ông. Về phần mình, Thủ tướng Babis bác bỏ cáo buộc trốn thuế và cho rằng việc tung tin bất lợi cho mình trước khi CH Czech tổ chức bầu cử quốc hội ngày 8 - 9.10 chỉ là chiêu trò chính trị. “Vào thời điểm chuyển tiền khỏi ngân hàng của CH Czech, tôi nộp thuế đầy đủ”, ông phát biểu trong cuộc điều trần trước bầu cử, được tổ chức trên truyền hình hôm 3.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.