|
Hai ngày sau khi lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra đoạn băng cho thấy cảnh hành quyết nhà báo Mỹ James Foley, nhiều thông tin về những tháng ngày cuối cùng của anh đã được hé lộ.
132 triệu USD tiền chuộc
Gia đình và bạn bè của James Foley đã sống trong tâm trạng bất an và thấp thỏm tột cùng trong suốt một năm dài kể từ khi anh mất tích gần thị trấn Taftanaz, miền bắc Syria. Cho đến tháng 9.2013, cuối cùng gia đình Foley cũng biết được anh vẫn còn sống và đang nằm trong tay lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Đến tháng 11 năm ngoái, gia đình Foley và hãng tin trực tuyến GlobalPost, nơi James Foley từng làm việc, bắt đầu nhận được nhiều bức thư mà họ tin rằng được gửi từ IS.
Ngày 22.8, được sự đồng ý của gia đình nạn nhân, Giám đốc điều hành Philip Balboni của Global Post đã cho đăng tải nội dung các bức thư đe dọa, đòi tiền chuộc nhằm “cho thế giới hiểu rõ câu chuyện cũng như động cơ và thủ đoạn của IS”, theo Reuters. Trong một bức thư, các tay súng đòi khoản tiền chuộc lên đến 132 triệu USD, đồng thời muốn dùng Foley đổi các tù nhân Hồi giáo đang bị Mỹ giam giữ. Tuy nhiên, họ không đề cập cái tên cụ thể nào. Thông thường, các khoản tiền chuộc cho con tin ở Syria dao động trong khoảng từ 2 đến 4 triệu euro nên nhiều nhà phân tích cho rằng IS đưa ra con số 132 triệu USD chỉ để khiêu khích. AP dẫn lời chuyên gia Matthew Levitt nhận định: “Khi đòi 132 triệu USD để thả tự do một người, điều này có nghĩa là đối phương trên thực tế chẳng thật sự cần số tiền này”. Tuy nhiên, gia đình Foley vẫn nỗ lực quyên tiền và hy vọng rằng bọn bắt cóc sẽ thả người nếu họ chi khoảng 5 triệu euro. Sau bức thư đầu tiên, thêm một vài bức thư nữa được trao đổi trong vài tuần, tất cả đều được viết bằng tiếng Anh rất chuẩn với nội dung đa phần chỉ trích chính sách của Mỹ nhưng không đề cập thêm bất cứ yêu sách nào khác, theo NBC News. Từ đó, nhà báo Balboni cho rằng ngay từ đầu “chúng chưa bao giờ muốn điều đình”.
Mọi hy vọng tắt ngấm khi gia đình Foley nhận được bức thư cuối cùng từ IS vào đêm 13.8, trong đó tổ chức này tuyên bố sẽ hành quyết Foley để trả đũa chiến dịch không kích của Mỹ. Reuters dẫn lời ông Balboni tiết lộ Cục Điều tra liên bang (FBI) đã giúp gia đình Foley soạn thư trả lời với nội dung kêu gọi lòng nhân từ của IS. Tuy nhiên, nỗ lực cuối cùng cũng bất thành khi đoạn băng kinh hoàng ghi lại toàn bộ cảnh hành quyết Foley được tung lên mạng.
Những ngày dũng cảm của Foley
Sau khi Foley bị hành hình, các nhà báo khác từng bị nhốt chung với phóng viên ảnh người Mỹ đã lần lượt cung cấp thông tin về đồng nghiệp xấu số. Foley đã bị đối xử hết sức dã man trong thời gian nằm trong tay IS nhưng anh vẫn “vững như thép”. Đó là thông tin do nhà báo Pháp Didier Francois, người bị giam cùng với Foley trong khoảng 7 tháng, tiết lộ với Đài Europe1. Ông Francois cùng 3 nhà báo Pháp khác được IS thả hồi tháng 4 tại khu vực gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, sở dĩ Foley bị đối xử khắc nghiệt hơn các con tin khác vì bọn khủng bố phát hiện trong máy tính của anh có ảnh của người anh trai khoác áo không quân Mỹ.
Nhà báo Pháp kể lại ngoài chuyện bị đánh đập, tra tấn thường xuyên, đồng nghiệp Mỹ còn bị biến thành đối tượng hành quyết thử nghiệm của nhóm Hồi giáo cực đoan. “Bọn chúng thường xuyên bắt Foley đứng sát vào tường, có khi bịt mắt, rồi ra vẻ như sẽ giết anh ấy đến nơi”, ông Francois kể. Tuy vậy, Foley chưa bao giờ tỏ ra suy sụp hay hoảng loạn và còn thường xuyên yêu cầu các tay súng cung cấp thêm thức ăn cho mình và các con tin khác. Một phóng viên Pháp khác tên Nicolas Henin cho biết thêm Foley từng một lần thoát được lính gác nhưng đi lạc trong sa mạc trước khi bị bắt trở lại. Francois và Henin nói họ không tiết lộ về Foley hay địa điểm giam giữ khi vừa được thả vì các tay súng IS đã đe dọa sẽ giết hết những con tin còn lại.
Sau cái chết của Foley, phương Tây liên tục cảnh báo về độ nguy hiểm “chưa từng thấy”. Ngày 22.8, Đài CBS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói tổ chức này “vượt xa mọi nhóm khủng bố mà Mỹ phải đối phó từ trước đến nay, là mối đe dọa tức thời lẫn lâu dài đối với Mỹ và thế giới”. Ông Hagel khẳng định không bao giờ nhân nhượng và cho biết thêm từ ngày 8.8 đến 21.8, quân đội Mỹ đã thực hiện 90 lần không kích nhằm vào IS ở miền bắc Iraq đồng thời để ngỏ khả năng không kích lực lượng này ở Syria.
Cuộc săn lùng “John” Một chiến dịch điều tra quốc tế đã được triển khai nhằm truy tìm một người mang bí danh “John”, kẻ xuất hiện trong đoạn băng hành quyết James Foley. Theo tờ The Times of London, người này là một trong số ba tay súng người Anh gốc Pakistan của IS chịu trách nhiệm cầm giữ nhóm con tin phương Tây. “John” cũng từng nắm vai trò chủ chốt trong cuộc điều đình giữa phương Tây với IS để thả 11 con tin hồi đầu năm nay. Ngày 22.8, giới lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở Anh đã lên án mạnh mẽ vụ hành quyết Foley đồng thời kêu gọi tín đồ cảnh giác trước những lời huyễn hoặc “gia nhập thánh chiến” của các tổ chức cực đoan, theo Reuters. H.G |
Thụy Miên
>> Vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley: IS đòi tiền chuộc 132 triệu USD
>> Chiến dịch giải cứu nhà báo James Foley
>> Cuộc sống bí ẩn của thủ lĩnh tổ chức IS chặt đầu nhà báo James Foley
>> Vụ cắt đầu nhà báo Mỹ James Foley: IS tàn bạo không kém al-Qaeda
>> Tổng thống Mỹ Obama lên án IS sau vụ chặt đầu nhà báo James Foley
Bình luận (0)