(TNO) Hàng ngàn năm qua con người đã sử dụng nhiều phương pháp ướp xác để bảo quản thi thể người đã khuất; nhưng không phương pháp nào sánh bằng cách các nhà khoa học Nga bảo quản di hài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924), theo đánh giá của chuyên san khoa học Scientific American (Mỹ).
Di hài lãnh tụ Liên Xô, Vladimir Ilyich Lenin (ảnh chụp năm 1993) - Ảnh: Reuters
|
Gần một thế kỷ nghiên cứu, phát triển
Trong gần một thế kỷ, nhiều thế hệ nhà khoa học Nga đã phát triển và cải thiện phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin. Ngày 22.4 vừa qua, nước Nga kỷ niệm 145 năm ngày sinh lãnh tụ Lenin, mở cửa lăng Lenin để người dân vào viếng ông, theo chuyên san Scientific American ngày 22.4.
Một nhóm chuyên gia Nga, được gọi là “nhóm lăng mộ”, bao gồm các bác sĩ giải phẫu, nhà hóa sinh, có nhiệm vụ bảo quản di hài Lenin. Họ cũng giúp bảo quản di hài của vị lãnh đạo khác là cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai vị cố lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).
Trong quá trình bảo quản di hài lãnh tụ Lenin, các nhà khoa học Nga đã tạo ra một ngành khoa học bảo quản thi thể hoàn toàn khác với những phương pháp ướp xác khác.
“Họ bổ sung nhựa và các vật liệu khác vào một số phần da, giúp giữ nguyên gương mặt và hình dạng thi thể qua thời gian", giáo sư Alexei Yurchak, chuyên ngành nhân chủng học thuộc Đại học California (Mỹ), cho hay.
Phương pháp của các nhà khoa học Nga khác với phương pháp ướp xác thông thường chỉ giữ được thi thể nhưng không thể gìn giữ nguyên vẹn gương mặt và hình dạng thi thể qua thời gian, theo giáo sư Yurchak.
Ông Yurchak đã phỏng vấn các nhà khoa học Nga, nghiên cứu thấu đáo về phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin và viết một quyển sách mô tả chi tiết về phương pháp này.
Trong quyển sách tựa đề Everything Was Forever, until It Was No More: The Last Soviet Generation của mình, giáo sư Yurchak mô tả các nhà khoa học Nga còn dùng thuốc tẩy nhẹ để xử lý những vết thâm do nhiễm nấm trên mặt Lenin.
Phần da di hài Lenin được kiểm tra hàng tuần bằng những công cụ đo đạc có độ chính xác cao do các nhà khoa học Nga phát triển, có thể đo độ ẩm, màu sắc da. Một vật liệu được làm từ chất paraffin, glixerin và carotin được dùng để thay thế một số phần da trên di hài Lenin.
Di hài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin (ảnh chụp năm 1993) - Ảnh: Reuters
|
Cứ mỗi hai năm một lần, di hài Lenin được ngâm vào dung dịch glyxerol, kali axetat cùng nhiều loại dung dịch khác trong vòng 30 ngày. Các nhà khoa học trên thế giới đánh giá kỹ thuật này có thể giúp giữ gìn di hài nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ.
Máu, dịch cơ thể và nội tạng đã được lấy ra khỏi di hài Lenin, nhưng phần lông mày, râu của ông được giữ nguyên. Phần lông mi cũng được thay thế bằng lông mi nhân tạo do bị hư hại trong quá trình bảo quản di hài.
Ứng dụng hữu ích cho y học thế giới
Phương pháp bảo quản di hài Lenin mang lại nhiều ứng dụng hữu ích cho ngành y học thế giới, theo Scientific American.
Chẳng hạn, các nhà khoa học Nga cắt động mạch và mạch máu chính để bơm dung dịch ướp xác khắp thi thể. Kỹ thuật này được áp dụng vào nền y học sau này. Theo đó, các nhà khoa học tạo ra một thiết bị đặc biệt giúp giữ máu luôn lưu thông qua quả thận được hiến trong quá trình cấy ghép thận.
Những công cụ dùng để kiểm tra da của di hài Lenin đã giúp các nhà khoa học Nga sau này phát triển ra thiết bị đo cholesterol qua da vào cuối thập niên 1980, giúp bệnh nhân dễ dàng đo cholesterol tại nhà, Scientific American cho hay.
Bình luận (0)