VAR và bóng đá Việt Nam:

Hệ lụy khôn lường

02/05/2024 05:18 GMT+7

Trong bối cảnh VAR chưa được 'phủ sóng' ở mọi trận đấu V-League, nhiều cầu thủ vẫn sử dụng tiểu xảo và nhiều người trong số họ lại mang thói quen xấu xí ấy vào thi đấu ở các sân chơi lớn.

Không có gì qua mắt được VAR 

Trước khi VAR được áp dụng tại V-League (thử nghiệm cuối mùa 2023 và chính thức mùa 2023 - 2024), các cầu thủ VN đã được tiếp xúc với hệ thống máy móc hiện đại này tại Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022. Khi VAR vào cuộc, thầy trò HLV Park Hang-seo đã phải nhận 1 thẻ đỏ, 5 quả phạt đền tại 2 giải đấu này. Giới chuyên môn, người hâm mộ có thể thông cảm bởi đó là thời điểm các cầu thủ còn bỡ ngỡ do chưa quen với việc thi đấu có VAR.

Nguyễn Mạnh Hưng, cầu thủ sinh năm 2005, phải nhận thẻ đỏ sau khi trọng tài tham khảo VAR trong trận gặp U.23 Iraq ở VCK U.23 châu Á 2024

Nguyễn Mạnh Hưng, cầu thủ sinh năm 2005, phải nhận thẻ đỏ sau khi trọng tài tham khảo VAR trong trận gặp U.23 Iraq ở VCK U.23 châu Á 2024

AFP

Tuy nhiên, đến khi VAR được áp dụng trong hơn một mùa giải ở đấu trường quốc nội, tình trạng phạm lỗi của cầu thủ VN ở đấu trường quốc tế vẫn tiếp diễn. Tại Asian Cup 2023, đội tuyển VN đã phải nhận 2 thẻ đỏ, chịu 2 quả phạt đền. Ở vòng chung kết U.23 châu Á 2024, đội U.23 VN do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt cũng nhận 2 thẻ đỏ và 2 quả phạt đền.

Rất nhiều tình huống các cầu thủ VN phải trả giá vì hành vi tiểu xảo, chơi xấu đối phương. Đó là cú giẫm lên lưng đối thủ của Khuất Văn Khang sau một pha tranh chấp bóng bổng trong trận gặp đội tuyển Iraq. Đó là pha kéo áo của Nguyễn Thanh Bình đối với Rafael Struick của đội tuyển Indonesia, dẫn đến quả phạt đền. Đó là hành vi kéo người trong vòng cấm của Nguyễn Ngọc Thắng ở trận gặp U.23 Kuwait hay cú đạp thẳng lên chân cầu thủ U.23 Iraq của Nguyễn Mạnh Hưng. Ở những pha bóng này, các trọng tài xem VAR rất kỹ trước khi ra quyết định, chứ không phải phán quyết vội vã, hồ đồ.

Lúc này không thể đổ lỗi cho việc chúng ta còn non nớt. Điều cần làm là nhìn về giải quốc nội, nơi các cầu thủ vẫn chưa nhìn vào VAR để điều chỉnh hành vi của mình.

Thật đáng trách khi lợi dụng "lỗ hổng" 

Có thể nói VAR đang mang đến những điểm tích cực, giúp các trọng tài VN giảm tải áp lực cũng như sai sót trong các tình huống quyết định. Trước khi V-League tạm nghỉ để nhường chỗ cho đội U.23 VN thi đấu giải U.23 châu Á 2024, riêng ở vòng 15 V-League có đến 14 cầu thủ phải nghỉ thi đấu vì án kỷ luật. Trong đó có nhiều cầu thủ bị nhận thẻ sau khi trọng tài tham khảo VAR. Còn ở vòng 14, các trọng tài đã phải rút ra 26 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ (nhiều thẻ được trọng tài rút ra sau khi tham khảo VAR).

Hệ lụy khôn lường- Ảnh 2.

VAR tại V-League

Tuy nhiên, nhiều cầu thủ còn lợi dụng "lỗ hổng" VAR để có thể chơi tiểu xảo. Ở vòng 8 V-League mùa 2023-2024, Nguyễn Thanh Thảo của CLB TP.HCM đã có hành vi đánh cùi chỏ vào mặt Nguyễn Văn Hạnh bên phía đội Hà Tĩnh. Trận đấu này diễn ra trên sân Thống Nhất và không có VAR. Trọng tài chính không quan sát được tình huống nên cũng chỉ rút ra một tấm thẻ vàng. Theo một chuyên gia về VAR, nếu trận này có VAR, rất có thể trọng tài đã có quyết định nghiêm khắc hơn đối với cầu thủ phạm lỗi.

Từ những số liệu trên, có thể tạm thấy VAR đã thực sự có "tiếng nói trọng lượng" ở V-League, nhưng mặt khác, nhiều cầu thủ vẫn chưa biết "sợ" VAR, chưa biết nhìn vào VAR để điều chỉnh hành vi thi đấu. Những pha bóng thô bạo, tiểu xảo vẫn là "ngón đòn" để các cầu thủ có thể giành lợi thế hay dằn mặt đối phương.

Ngay cả những cầu thủ trẻ cũng dùng tiểu xảo rất nhiều. Cú giật chỏ của Nguyễn Hồng Phúc dành cho một cầu thủ U.23 Indonesia ở trận chung kết U.23 Đông Nam Á 2023 là một ví dụ. Rất may là giải đấu này không có VAR nên hậu vệ sinh năm 2003 không nhận thẻ đỏ và đội tuyển U.23 VN vẫn giành chức vô địch.

Ở V-League hay ở giải đấu quốc tế, các cầu thủ có thể thấy việc chơi tiểu xảo, chơi xấu khi không có VAR như một cái lợi trước mắt. Nhưng việc phạm lỗi cũng có thể khiến trận đấu bị gián đoạn quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Muốn bóng đá VN phát triển ổn định và bền vững, việc các cầu thủ cần làm là phải thay đổi nhận thức, hành vi, cách ứng xử trên sân cỏ ngay từ bây giờ. Nếu không, đến khi VAR phủ sóng ở V-League, trong tương lai còn là hạng nhất, chính cầu thủ và các CLB của họ là những đối tượng phải trả giá đầu tiên. Và dĩ nhiên, sau đó là đến các đội tuyển quốc gia sẽ phải chịu hệ lụy không nhỏ (còn tiếp). 

Mất cả chì lẫn chài

Mới đây, sau Asian Cup 2023, Khuất Văn Khang và Lê Phạm Thành Long phải đóng phạt cho Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) 2.000 USD/người. Hai cầu thủ này lần lượt nhận thẻ đỏ trong các cuộc đối đầu đội tuyển Iraq và Indonesia tại vòng bảng. AFC cảnh báo hình phạt sẽ còn nặng hơn nếu 2 cầu thủ VN tái phạm.

Ngoài hình phạt tiền mặt, Văn Khang và Thành Long còn bị treo giò 1 trận. Thành Long vắng mặt trong lượt trận cuối vòng bảng Asian Cup 2023. Trong khi đó, Văn Khang không được thi đấu ở trận gặp đội tuyển Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026.

Tương tự, các cầu thủ của đội U.23 VN như Ngọc Thắng, Mạnh Hưng cũng bị treo giò tại giải U.23 châu Á 2024. Nếu tiếp tục được gọi vào U.23 VN ở lần tập trung tiếp theo, Mạnh Hưng sẽ phải vắng mặt 2 trận ở vòng loại U.23 châu Á 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.