Hệ lụy từ việc cắt bán dây tiêu giống

12/06/2014 08:49 GMT+7

Những năm gần đây, hồ tiêu đang được giá khiến người dân lùng tìm mua tiêu giống về trồng mong thu lãi lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng cơn sốt cắt dây tiêu giống đem bán ở Bình Phước vẫn diễn ra đáng lo ngại…

Những năm gần đây, hồ tiêu đang được giá khiến người dân lùng tìm mua tiêu giống về trồng mong thu lãi lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng cơn sốt cắt dây tiêu giống đem bán ở Bình Phước vẫn diễn ra đáng lo ngại… 

 Cắt dây tiêu giống đem bán
Cắt dây tiêu giống đem bán để lại nhiều hệ lụy khó lường - Ảnh: Phước Hiệp

Cơn sốt tiêu giống

Đến xã Lộc An, H.Lộc Ninh, một trong những vùng trồng tiêu lớn nhất tỉnh Bình Phước, rất dễ nhận ra hàng trăm nông dân đang hối hả trồng cây tiêu trên đất mới khai hoang và diện tích cà phê già cỗi. Hiện nay, tiêu đen Lộc Ninh có giá 135.000 đồng/kg. Theo tính toán của người dân, hiện mỗi héc-ta tiêu cho thu hoạch đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm. So với điều, cao su và một số cây trồng lâu năm khác nếu được giá cũng chỉ lãi từ 60-80 triệu đồng/ha. Do vậy trồng tiêu đem lại lợi nhuận hấp dẫn hơn cả.

 
“Nếu cắt dây tiêu giống không đảm bảo vệ sinh, không bổ sung dinh dưỡng kịp thời, cây tiêu sẽ bị suy kiệt, mắc bệnh và tàn lụi dần. Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ trồng hồ tiêu đối diện với nhiều nguy cơ thất bại và người gánh hậu quả nặng nề nhất vẫn chính là nông dân” - Ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước.

Chính vì lẽ đó, cơn sốt trồng tiêu để thu lợi nhanh khiến giá dây tiêu giống tăng chóng mặt. Nhiều cơ sở cung cấp tiêu giống uy tín trên địa bàn không đáp ứng kịp nhu cầu. Tình thế đã khiến các nguồn giống ươm nuôi tự phát được dịp "lên ngôi". Nhiều người trồng tiêu mới đến năm thứ hai, thứ ba đã cắt dây tiêu giống đem bán, thu lợi ngay, không chờ đến ngày thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Hiệp ngụ ấp 54, xã Lộc An cho biết mới đầu mùa mưa, gia đình chị đã đón hàng chục người từ Đắk Lắk, Đắk Nông đến hỏi thăm mua dây tiêu. Chị Hiệp và nhiều hộ dân ở ấp 54 tiếc nuối vì chỉ bán giống tiêu với giá 150.000 đ/trụ (mỗi trụ bình quân 10-15 dây), nhưng chỉ mấy ngày sau giá đã tăng lên từ 200.000-250.000 đồng/trụ.

Năm 2010, khi giá tiêu bắt đầu tăng, gia đình chị Hiệp trồng tiêu trở lại với 700 nọc. Mùa mưa 2013, chị cắt dây mở rộng thêm diện tích với 600 nọc nhưng vẫn dư giống, bán được 80 triệu đồng. Năm nay, tuy bán giống rẻ nhưng gia đình chị Hiệp vẫn thu được 150 triệu đồng/600 trụ tiêu trồng năm trước.

Hệ luỵ khó lường

Trong khi nhiều hộ dân hồ hởi lao vào trồng tiêu bằng mọi giá, thì lại đang có hàng nghìn hộ khác lo lắng vì tiêu chết hàng loạt. Ông Ngô Xuân Thường, ngụ tổ 8, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, H.Hớn Quản trồng 1.000 trụ tiêu. Trong năm 2013 vừa qua, 500 trụ tiêu 1 năm tuổi của gia đình ông đã được cắt dây đem bán với giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/dây tiêu giống. Bình quân mỗi trụ tiêu gia đình ông bán được 150.000 đồng, thu lãi 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay có khoảng 80-85% số trụ tiêu cắt dây đem bán của gia đình ông đang có dấu hiệu nhiễm bệnh. Tiêu ra lá nhỏ, xoắn lại và biến dạng (hiện tượng bệnh tiêu điên).

Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Đăng Thành, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An có trên 300 nọc tiêu một năm tuổi cắt dây đem bán vào năm 2013, thu lợi gần 60 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 70% trụ tiêu cắt dây của gia đình ông bị nhiễm bệnh “tiêu điên". Tính sơ sơ, gia đình ông mất hơn 50 triệu đồng để đầu tư trồng mới lại vườn tiêu. Đó là chưa kể mất thời gian công chăm sóc một năm qua. Vì ham lợi trước mắt, gia đình ông đành phải nhổ bỏ một số trụ tiêu đã cho thu hoạch trung bình 0,4 kg mỗi trụ.

Phước Hiệp

>> Xuất khẩu hồ tiêu sẽ cán mốc 1 tỉ USD
>> Xuất khẩu hồ tiêu tăng cao kỷ lục
>> Hướng tới chuỗi cung ứng sản xuất hồ tiêu bền vững
>> Cơ hội mới cho hồ tiêu Phú Quốc
>> Nông dân nắm giá hồ tiêu xuất khẩu
>> Gia Lai ồ ạt phát triển hồ tiêu
>> Xuất khẩu hồ tiêu tăng kỷ lục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.