Vị giáo sư toán nổi tiếng đã thốt lên câu cảm thán ấy trên trang cá nhân của mình vào chiều 25.6.2018, sau khi làm thử 35/50 câu trong đề toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 thì đành buông bút vì "vừa mệt vừa chán". GS Hưng thừa nhận ông không thể nào làm xong 50 câu trong 90 phút. Nhờ cái đề thi toán khó đến kinh hoàng năm đó mà các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La mới được phát giác.
Các vụ gian lận ấy đã vào dĩ vãng, những người liên quan đã phải trả giá cho hành vi của mình. Các năm sau, nhiều biện pháp đảm bảo an ninh cho chấm thi được tăng cường. Nhưng có một vấn đề mà theo các nhà chuyên môn và các chuyên gia là vẫn chưa giải quyết được: chất lượng đề thi.
9 năm qua, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng đổi mới thi cử bằng cách nhập kỳ thi tuyển sinh ĐH, thi tốt nghiệp THPT làm một, gần như năm nào đề thi cũng gây tranh cãi. Với đề thi năm nay, hệ lụy trước mắt là tạo sự bất công với thí sinh có điểm cao khối A, nhóm thí sinh được các trường ĐH khối ngành công nghệ, kỹ thuật đánh giá là đối tượng mà họ mong được tuyển chọn; với các trường THPT thì đây là nhóm học sinh tinh hoa. Hệ lụy của chất lượng đề thi các môn thi không đồng đều còn tác động trở lại tâm lý học sinh phổ thông, ảnh hưởng tới tính đa dạng trong phân luồng khi thực hiện chương trình giáo dục THPT 2018.
Theo các nhà chuyên môn, chất lượng đề thi là một điều kiện tiên quyết để làm căn cứ đánh giá kỳ thi có công bằng hay không. Mà với một kỳ thi, công bằng là một tiêu chí căn bản. Với những thông tin Báo Thanh Niên bóc tách từ dữ liệu kết quả thi năm nay cho thấy đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận một cách thẳng thắn về mục tiêu công bằng của kỳ thi, bắt đầu từ chất lượng đề. Sâu xa hơn nữa là cần phải xem xét, nghiên cứu lại về cách tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT đưa vấn đề gộp 2 kỳ thi vào một, Thanh Niên và nhiều tờ báo khác đã thường xuyên đăng ý kiến của các chuyên gia với nội dung cơ bản là không đồng thuận với chủ trương này. Ngay cả sau khi kỳ thi được triển khai (từ năm 2015), thông qua Báo Thanh Niên, các chuyên gia vẫn kiên trì phản biện, bởi như TS Đỗ Thị Ngọc Quyên đã từng cảnh báo, "chừng nào Bộ GD-ĐT còn cố ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH, thì người hứng chịu hậu quả là người học" (Thanh Niên ngày 27.6.2018).
Giờ đây, sau 9 năm triển khai kỳ thi "2 trong 1", dường như xã hội đang phải chứng kiến sự leo thang về hệ lụy của kỳ thi, đó là hệ thống sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Bình luận (0)