Hè về, chợt nhớ tháng năm học trò

17/05/2019 10:03 GMT+7

Hôm nọ, đi ngang một cổng trường cấp ba, thấy một nhóm học sinh đang tíu tít chụp ảnh trong trang phục áo dài rồi áo cử nhân dưới những tán cây phượng đang lác đác trổ hoa thay áo mới, mới hay mùa hạ đã lại lang thang khắp các nẻo đường.

Không dưng chợt nhớ câu “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” trong bài hát Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn mà tôi không chắc khi viết bài này, ông có đang trải qua cảm giác chia tay ai đó không mà lời bài hát nghe thấm đến thế. Ai cũng bảo thời học sinh là quãng thời gian tươi đẹp, hồn nhiên và trong trẻo nhất trong cuộc đời nhưng không hẳn vì thế mà lũ học sinh không biết buồn, nhất là khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, khi chia tay nhau vào những năm cuối cấp, đang phân vân trước vô số chọn lựa, không biết nên rẽ theo lối nào đến tương lai. Nhưng dẫu có lựa chọn thế nào thì những giận hờn khi còn ngồi chung với nhau dưới mái trường, những ghen đua về điểm số, thứ hạng thi đua trong lớp hay những căng thẳng khi đối mặt với những bài tập khó “nhằn”, với những kỳ thi nặng nề, đầy áp lực rồi cũng sẽ trở thành kỷ niệm, như những cơn gió thoảng nhẹ trôi vào hư vô.
Có người nói học sinh bây giờ đáng sợ, hung hăng và thậm chí tàn nhẫn. Nhưng tôi cho rằng học sinh thời nào cũng vậy khi tinh ma, lém lỉnh đã thuộc về bản chất “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Ngày nay, học sinh bị phê phán có lẽ cũng bởi tác động của những yếu tố tiêu cực từ những biến chuyển trong xã hội. Mà tuổi học trò, nào đã đủ “kháng thể” để tự miễn nhiễm trước những thói hư tật xấu đang diễn ra quanh mình mỗi ngày, mỗi giờ? Màu áo trắng tinh khôi của họ có bị vấy bẩn, âu cũng chỉ là do họ thụ động tiêm nhiễm mà thôi.
Học sinh thời nay có nhiều công cụ để lưu giữ thông tin cũng như kỷ niệm của thời áo trắng, họ có những chuyến du lịch, dã ngoại sinh động, thú vị cùng thầy cô, bạn bè, có những bữa tiệc hoành tráng, rộn rã tiếng cười trong các hàng quán đủ “đẳng cấp”, họ có các loại trang phục ấn tượng, đẹp đẽ để tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cùng nhau. Nên tôi không chắc những quyển lưu bút có còn được các bạn chuyền tay nhau như thời của mình hơn hai chục năm về trước, nhưng tôi tin rằng dẫu cảm xúc có ghi lại trong những cuốn lưu bút được trang trí đơn giản bằng tay hay cầu kỳ, rực rỡ trên những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram cùng những bức ảnh lung linh mang đậm dấu ấn công nghệ... thì cảm xúc trong lòng các cô cậu học trò nhỏ trước ngày chia tay vẫn không khác chúng tôi ngày trước là bao: cũng nhớ nhung, bịn rịn, cũng luyến lưu, bồi hồi... chỉ muốn những khoảnh khắc này kéo dài thêm mãi.
Năm tháng rồi sẽ qua đi, đêm nối đêm, ngày tiếp ngày, những nhọc nhằn sinh kế lẫn những được mất, thăng trầm của cuộc đời rồi sẽ vùi lấp tất cả, ít ai còn tâm trí nghĩ ngợi để nhắc nhớ nhau về những tháng năm cuối cùng của đời học trò. Chỉ muốn nhắn cùng các bạn học sinh, học hết sức nhưng cũng chơi hết mình, hãy trân trọng những giây phút hiện tại và sống hết mình cho những cảm xúc yêu thương cùng thầy cô, bạn bè, để không lãng phí quãng thời gian chỉ có một không hai trong đời, khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.