Hạng Legend trong Hearthstone là đỉnh cao mà bất kể người chơi nào cũng muốn chinh phục, không chỉ vì chiếc vỏ bài (cardback) lung linh mà Blizzard trao tặng mà còn để thể hiện trình độ với bạn bè, cũng như đánh dấu một cột mốc thành tựu của bản thân. Và đã là đỉnh cao thì ngoài việc khát khao, bạn cũng phải chuẩn bị cho mình những hành trang thiết yếu mới có thể đạt tới. Chúng tôi hi vọng rằng qua loạt bài này, các bạn sẽ được trang bị đầy đủ để có thể chinh phục đỉnh Legend.
Như "Infernity" Kiều Tuấn Minh từng chia sẻ với Thanh Niên Game: "Lên top 100 legend Hearthstone không tốn một xu", do đó game thủ có thể an tâm nếu các bạn quyết tâm "lên đỉnh" trong Hearthstone.
Legend: Giấc mơ của mọi game thủ Hearthstone.
Dự kiến, Đường lên đỉnh Legend sẽ gồm 3 phần:
- Phần 1: Những khái niệm thiết yếu của game đấu bài.
- Phần 2: Chiến thuật hiện hành (metagame) và thông hiểu chiến thuật hiện hành.
- Phần 3: Kinh nghiệm khi leo rank.
Mong các bạn chú ý theo dõi và ủng hộ!
Ở phần đầu tiên này, chúng tôi sẽ đề cập đến những khái niệm thiết yếu nhất mà bạn cần nắm vững nếu muốn trở thành một người đấu bài giỏi.
1. Tấn công hay kiểm soát?
Trong Hearthstone cũng như các game đấu bài nói chung, giữa hai bộ bài, hai người chơi đối kháng với nhau luôn có một phe công và một phe thủ, hay một phe tấn công và một phe kiểm soát. Người tấn công sẽ cố gắng chiến thắng nhanh nhất có thể bằng các lá bài mana thấp nhưng hiệu quả và đổi lại, người kiểm soát sẽ cố gắng loại bỏ các mối đe dọa này nhằm trì hoãn ván đấu càng lâu càng tốt.
Thông thường, tấn công hay kiểm soát được quyết định bởi bộ bài mà bạn chơi:
- Bốc bài nhiều => thiên hướng kiểm soát.
- Nhiều bài quái vật ít mana => thiên hướng tấn công.
- Nhiều bài phép hỗ trợ, tiêu diệt quái => thiên hướng kiểm soát.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng bạn chơi một bộ bài control có nghĩa là bạn luôn luôn phải có lối chơi kiểm soát, tương tự với bộ bài tấn công. Đừng ngần ngại kiểm soát bàn đấu nếu như bạn đang sử dụng Mech Mage đối đầu với Face Hunter, hay ra quái đánh thẳng vào mặt một Freeze Mage với Control Warrior.
Nghe có vẻ khá phức tạp nhưng thực tế trong Hearthstone, vai trò tấn công hay kiểm soát vô cùng rõ ràng. Giả sử bạn chơi Mage đối đầu với Warlock và được đi trước, bạn ra quân Mana Wyrm, đối phương bỏ qua lượt đầu của họ, tiếp đó bạn ra Unstable Portal và được một quân 3 mana, Ogre Brute chẳng hạn.
Trên bàn đấu lúc này bạn hoàn toàn chiếm ưu thế với một quân 2/3 và một quân 4/4, nghiễm nhiên bạn trở thành người tấn công. Đối thủ của bạn buộc phải loại bỏ các mối đe dọa mà bạn thiết lập trước khi họ có thể gây nguy hiểm cho bạn. Hoặc giả như, họ ra quái vật mà không loại bỏ quái của bạn, bạn có thể lựa chọn trao đổi quái và rồi ra tiếp quái vật để duy trì thế thượng phong, hoặc sử dụng phép loại bỏ quái đó và tấn công thẳng vào mặt.
Và đây chính là lúc bài toán kinh điển của Hearthstone xuất hiện: Tempo (nhịp độ) hay Value (giá trị)? Quay trở lại với ví dụ trước, nếu như đối thủ có quân Flame Imp 3/2 ra để đối đầu với Mana Wyrm của bạn, bạn hoàn toàn có thể chơi Unstable Portal và trao đổi hai quân với nhau, hoặc, nếu như bạn có Flamecannon, bạn có thể tiêu diệt Flame Imp cùng lúc với tăng sức công cho Mana Wyrm và đánh thẳng mặt.
Cách xử lý thứ 2 sẽ là hiệu quả hơn nếu bạn chơi theo hướng tấn công, bởi lẽ trên bàn đấu lúc này chỉ còn duy nhất quân 2/3 của bạn nắm quyền kiểm soát. Mặc dù vậy, để chiếm được tiên cơ, bạn đã phải trả giá bằng việc phí đi một ít giá trị của lá Flamecannon khi chỉ dùng nó để tiêu diệt quái vật 2 máu.
Bắt đầu từ rank 5, mỗi trận thắng/thua bạn đều sẽ bị +/- 1 sao.
Trong matchup (cặp đấu) Aggro Mage và ZooLock, việc từ bỏ một ít giá trị để giành được nhịp độ và kiểm soát bàn đấu từ sớm là một điều nên làm. Biết khi nào nên giành nhịp độ và khi nào nên tận dụng giá trị chính là một kĩ năng quan trọng trong Hearthstone và các game đấu bài cùng loại. Kĩ năng này thường được dựa trên cấu tạo và chiến thuật của bộ bài của bạn, nhưng cũng phải dè chừng khả năng bộ bài của đối phương để đưa ra quyết định hợp lí nhất.
Trong Hearthstone, mana phản ánh rõ ràng tương tác giữa tempo và value. Nếu bạn ra một quân 8 mana và rồi sau đó dính lá Sap 2 mana của Rogue, mặc dù về mặt giá trị Rogue bị thiệt một lá bài so với bạn, ả ta lại lời 6 mana để có thể ra quái vật và kiểm soát nhịp độ trận đấu. Giá trị và nhịp độ dần dần qua thời gian của ván đấu sẽ phát triển rõ rệt thành lợi thế về bài và về bàn đấu.
2. Lợi thế bài và lợi thế bàn đấu
Lợi thế bài là một khái niệm đơn giản nhưng cũng dễ gây nhầm lẫn. Lợi thế về bài chính là khi bạn có nhiều tài nguyên hơn đối phương. Ví dụ đơn giản là khi trên bàn đối phương có một quân 2/3 và một quân 3/4 còn bạn vừa mới ra một quân 4/5. Nếu chỉ trao đổi thông thường, quân 4/5 của bạn sẽ đổi được cả hai quân của địch đem lại lợi thế bài +1.
Tuy nhiên, quân của đối phương ra trước và có quyền tấn công tướng bạn gây sát thương. Bởi vậy trong tình huống này, ta nói đối phương đang có lợi thế bàn đấu và bạn có lợi thế bài. Mục đích cuối cùng của game là giảm máu tướng xuống 0, bởi vậy nhiều khi những bộ bài Aggro mạnh không cần chú ý đến lợi thế bài mà cố gắng tạo lợi thế bàn đấu nhiều nhất có thể.
Không có lợi thế nào là tuyệt đối!
Mặt khác, khi lợi thế này mất đi, bởi một lá như Brawl của Warrior chẳng hạn, bên tấn công sẽ hết tài nguyên để có thể tiếp tục duy trì bàn đấu và rơi vào tình thế nguy hiểm. Lúc này, người chơi Control lại là người giành vị trí tấn công thậm chí còn mạnh mẽ hơn do đối thủ đã hết bài để chống cự. Bởi vậy, như đã nói ở trên, việc biết nắm bắt thời điểm nên chơi chiếm tempo hay chơi tạo value quyết định thành bại trong Hearthstone.
3. Xây dựng bộ bài và hiểu rõ từng lá bài
Mỗi bộ bài và mỗi lớp nhân vật có phong cách chơi cũng như chiến thuật chơi khác nhau, khi đối đầu với những phong cách và chiến thuật chơi đa dạng của các bộ bài và lớp nhân vật khác. Ví dụ tiêu biểu về hai thái cực khác biệt của Hearthstone là Control Warrior và Face Hunter, một bộ bài chú trọng vào việc rút 30 máu của đối phương một cách nhanh và hiệu quả nhất, bộ bài kia thì cố gắng trụ lâu hơn đối phương bằng những lời đáp trả chuẩn xác, tạo nhiều giáp và lợi thế bài bằng vũ khí và nhiều cách khác nhau.
Nắm rõ bộ bài của bạn, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bộ bài cũng như từng quân bài sẽ giúp bạn hình dung ra lối chơi và cách để mulligan (đổi bài đầu ván) cho mỗi cặp đấu. Không những thế, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, hiểu rõ được bộ bài của kẻ địch cũng giúp cho bạn nhìn ra điều kiện chiến thắng trong từng cặp đấu rõ ràng hơn, cũng như lựa chọn chuẩn xác hơn trong từng tình huống nhất định.
4. Xử lý thông tin (đọc trận đấu)
Theo tôi, đây là kĩ năng quan trọng nhất cần có trong các game đấu bài. Nó đòi hỏi bạn phải thông tạo tất cả các khái niệm phía trên, kết hợp với sự hiểu biết về chiến thuật hiện hành và những nước đi mà đối thủ có thể thực hiện trong từng tình huống nhất định. Cách đọc vị đối thủ cơ bản nhất là nhìn họ mulligan, đặc biệt là hãy luôn nhìn những người chơi Warlock mulligan.
Thông thường, những người chơi Handlock sẽ bỏ gần hết các lá trên tay của mình, trong khi những người chơi Zoolock sẽ chỉ bỏ đi những lá với mana cao. Ngoài ra, theo dõi đối thủ mulligan còn mang lại rất nhiều thông tin hữu ích khác chỉ dựa trên số lá bài mà họ bỏ đi. Nếu đối phương bỏ toàn bộ hoặc gần hết chỉ chừa một lá, có thể suy ra bài của họ khá xấu và không phù hợp đối đầu với bộ bài của ta. Tương tự khi đối phương bỏ ít lá, bài của họ có khả năng sẽ mạnh và cần phải dè chừng.
Mulligan là giai đoạn mang lại khá nhiều thông tin.
Nâng cao hơn nữa, bạn phải đọc được ý định và bài trên tay của đối phương. Giả sử như bạn chơi Paladin đối đầu với Druid, bạn ra Muster for Battle ở lượt ba. Có khả năng rất cao là nếu địch có những câu trả lời như Swipe hắn ta sẽ sử dụng ở lượt bốn. Nếu không? Hắn không hề có hoặc đang muốn dụ bạn vào tròng.
Nếu không cẩn thận, bạn dễ dàng mắc mưu ra thêm quái và bị một đòn chí tử. Mặt khác, nếu bạn nhìn ra ý đồ và chơi một cách khôn ngoan, bạn có thể trao đổi hết những quân 1/1 hoặc buff chúng lên với Quarter Master và dẫn tới thắng lợi. Cách dễ dàng nhất để làm điều này đó là cho hắn một cơ hội dùng Swipe có vẻ ngon ăn nhưng không đủ ngon để hắn thắng luôn trận đấu, như ra thêm một Pilloted Shredder chẳng hạn. Bằng cách này bạn có thể câu thêm thông tin về bài của đối thủ đồng thời với việc củng cố bàn đấu. Từ đó, bạn sẽ biết nên chơi cẩn thận hay “hổ báo” hơn trong lượt bài tiếp theo.
Hết phần 1, các bạn đón xem Phần 2: Chiến thuật hiện hành (metagame) và thông hiểu chiến thuật hiện hành, trong những phần tin sau.
Bình luận (0)