Đặc trưng của hẻm Sài Gòn là “đường ngang ngõ tắt chằng chịt”, có những con hẻm rất dài mà người ta đùa rằng vừa đi vừa hát cả trăm lần bài Phố buồn vẫn chưa đi hết. Có những hẻm liên thông qua nhiều xóm dân cư, ngoằn ngoèo như trận đồ bát quái. Nhìn chung người sống trong các con hẻm ấy cho đến nay vẫn mang tính cộng đồng tương trợ “tối lửa tắt đèn” của thời kỳ xóm làng, thôn ấp. Đó là cái gốc, nền tảng văn hóa người Việt từ thôn quê còn lưu giữ để giờ đây trở thành nét đặc trưng của văn hóa hẻm.
Thật thế, người người ở trong hẻm, nhà nhà sát vách trong hẻm thể hiện tính cộng đồng rất cao trong giao tiếp, ứng xử, quan hệ chòm xóm, láng giềng, trong mọi lễ tục quan hôn, tang tế. Khác với đường lớn, hẻm là nơi ở, đồng thời cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, bày tiệc tùng, quần tụ lúc trà dư tửu hậu. Hẻm cũng là sân chơi giải trí, đồng thời là nơi buôn bán nhỏ khi nhà này là tiệm tạp hóa, nhà kia mở quán cà phê, đặt xe nước mía, tủ bán bánh mì, thậm chí một gánh xôi, gánh chè nơi góc hẻm, dưới chân cột điện hoặc trước cửa. Nhà trong hẻm tuy số hơi rối rắm, nhiều lần “xuyệt” nhưng người trong hẻm hầu như đều biết nhau tận cả gốc gác, ngọn ngành. Mọi chuyện vui buồn xảy ra trong tổ dân phố dường như ai cũng biết; cổng nhà, góc hẻm chả khác gì “trụ sở” thông tin, truyền miệng thật nhanh mọi điều lớn nhỏ để thành chuyện “trong nhà ngoài phố”.
Không mấy nơi như ở Sài Gòn, tính chất văn hóa hẻm làm nên nét độc đáo của một đô thị lớn mà trên thế giới khó thành phố nào có được. Rất nhiều hẻm ở Sài Gòn vừa có người miền Bắc, miền Trung, miền Nam sinh sống. Có cả người Hoa, người Ấn, người Chăm, người Khơ Me… quần tụ thành một cộng đồng thân thiết, hàng xóm của nhau. Có người theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Cao Đài, thậm chí cả đạo Hồi, không ít những con hẻm có cả chùa, nhà thờ, thánh thất Cao Đài, đền thờ Hồi giáo. Ngày lễ Phật đản, lễ Giáng sinh trở thành niềm vui chung của cả cộng đồng, ít có sự phân biệt.
Theo nhịp sống đô thị hóa, những con hẻm đang dần được mở rộng. Điều đó cần thiết để tiện lợi cho lưu thông nhưng người ta cũng lo ngại khi hẻm nhỏ biến thành phố mặt tiền sẽ kéo theo sinh hoạt thay đổi, làm mất đi nét đặc trưng, hồn vía thân thương của nó lâu nay.
Từ Kế Tường
>> Sinh viên kể chuyện hẻm Sài Gòn
Bình luận (0)