Heo nhập lậu đè giá heo nội địa

26/07/2023 06:37 GMT+7

Giá heo trong nước bật tăng trong khoảng một tháng gần đây, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt vì nguồn cung đang có sự tham gia của một lượng heo nhập lậu qua biên giới.

Chênh lệch giá 10.000 đồng/kg, heo lậu xuất hiện

Giữa tháng 7.2023, Đồn Biên phòng Sông Trăng phối hợp Công an xã Hưng Điền, H.Tân Hưng (Long An) tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới phát hiện trên kênh Cái Cỏ có người điều khiển xuồng lưu thông trên đoạn kênh hướng từ Campuchia sang VN có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xuồng chở 7 con heo, tổng trọng lượng 355 kg. Còn người điều khiển xuồng tên Chak Kimlong, trú tại xã Chàm, huyện Kampong Trabek, tỉnh Pray Veng, Campuchia. 

Người này khai nhận vận chuyển số heo trên giao cho 1 người VN, không rõ tên tuổi, địa chỉ mà chỉ thông tin liên hệ qua điện thoại. Xác định đây là vụ việc vận chuyển heo nhập lậu nên tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, thu giữ số tang vật, phương tiện để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trọng lượng, phun thuốc khử trùng, đào hố tiêu hủy số heo trên.

Heo nhập lậu đè giá heo nội địa - Ảnh 1.

Sau khi tăng giá được vài tháng, hiện giá heo trong nước đang có xu hướng giảm

CHÍ NHÂN

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới từ Campuchia vào VN, đặc biệt qua biên giới của tỉnh Long An diễn ra khá phổ biến, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… 

Heo nhập lậu không rõ nguồn gốc có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân. 

Để chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép heo sống vào VN.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 25.7, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: "Sau khi có công văn chỉ đạo của Bộ, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã yêu cầu theo dõi chặt chẽ để kiểm soát tình trạng heo nhập lậu qua biên giới, tuy nhiên sau khi rà soát các hộ chăn nuôi, các lò mổ trên địa bàn thì không thấy biến động hay gia tăng đột biến. Có lẽ những đối tượng nhập lậu đã thấy "động" nên chuyển hướng khác. Bản thân Sở NN-PTNT cũng chỉ có thể kiểm soát tình hình ở nội địa, còn khu vực biên giới do lực lượng biên phòng đảm trách. Chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có các bước triển khai tiếp theo".

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, cũng đồng tình: "Trong thời gian vừa qua, giá heo trong nước tăng cao, chênh lệch khá lớn so với heo các nước. Cụ thể, giá heo bình quân trong nước khoảng 60.000 đồng/kg, còn giá heo Thái Lan, Campuchia chỉ khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg, chính vì vậy đã xuất hiện tình trạng nhập lậu heo từ các nước vào nội địa. Bên cạnh việc gây ra nguy cơ dịch bệnh, heo lậu còn làm tăng nguồn cung, cạnh tranh giảm giá heo trong nước. Tuy nhiên, có thể Bộ NN-PTNT có những động thái tăng cường kiểm soát nên những người lái buôn đang tìm đường khác".

Heo nhập lậu đè giá heo nội địa - Ảnh 2.

Tiêu hủy heo nhập lậu tại Long An

CTV

Giá heo nội địa bị "làm khó"

Đầu tháng 7, giá heo hơi đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua; bình quân cả nước gần 62.000 đồng/kg, một số địa phương miền Bắc lên tới 67.000 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá trên chỉ duy trì được vài ngày sau đó chững lại và quay đầu giảm dần đều trong 2 tuần qua. Hiện tượng giảm giá xảy ra khắp cả nước, từ những địa phương có giá trần đến những tỉnh giá sàn. Cụ thể, như Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc từ mức trần 67.000 đồng/kg nay đã giảm tổng cộng đến 4.000 đồng. Trong khi đó, khu vực ĐBSCL là nơi giá heo thấp nhất cả nước cũng giảm, cá biệt như Bến Tre chỉ còn 58.000 đồng/kg.

Hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi lo lắng giá heo hơi tiếp tục giảm sẽ khiến họ lâm vào cảnh tái lỗ trở lại. Thực tế, người chăn nuôi cũng mới dám thở nhẹ khi giá heo tăng khoảng 2 tháng trở lại đây. Trước đó, rất nhiều hộ đã treo chuồng vì giá heo xuống thấp. Càng nuôi càng lỗ. Vì vậy, việc heo nội bị heo lậu đè giá đang khiến những người chăn nuôi nhấp nhổm. 

Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết: tại các tỉnh miền Tây, thời gian qua chỉ nhích nhẹ chứ không tăng mạnh như các tỉnh miền Bắc nhưng đã nhanh chóng quay đầu giảm trong khoảng 2 tuần qua. Hiện giá heo hơi chỉ còn dưới 60.000 đồng/kg, phổ biến chỉ 58.000 - 59.000 đồng/kg. Giá giảm khiến người chăn nuôi lo lắng không dám tái đàn nên giá heo giống cũng giảm theo. Có nhiều nguyên nhân khiến giá heo giảm như sức mua của thị trường, nguồn cung nội địa ổn định trở lại sau một thời gian thiếu hụt cục bộ và cả heo ngoại nhập "thẩm lậu" qua biên giới. 

"Đối với nguồn heo nhập từ các tỉnh biên giới thì phải nói thật là mình không ở trực tiếp nên cũng không thể khẳng định. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người và kinh nghiệm trong ngành này lâu nay thì hiện tượng trao đổi gia súc gia cầm qua biên giới vẫn phổ biến lâu nay. Ở miền Nam, tình trạng khá phổ biến ở khu vực Tây Ninh, Long An", ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định: "Giá heo hơi ở khu vực miền Đông mấy tuần qua đã chững lại và đang xu hướng giảm, mức giá hiện trong khoảng cộng trừ 60.000 đồng/kg. Trong thời gian qua, giá heo hơi một số công ty lớn điều chỉnh giảm khoảng 1.500 đồng/kg. Thông thường, giá heo công ty điều chỉnh như vậy sẽ làm thị trường bên ngoài tăng giảm gấp đôi. Đây chính là điều mà nhiều người chăn nuôi hiện nay lo lắng. Thời gian qua, giá heo hơi của VN cao hơn các nước trong khu vực từ 5.000 - 7.000 đồng/kg thậm chí là thời điểm lên tới 10.000 đồng/kg. Chính vì vậy theo quy luật thị trường và thói quen trao đổi sản phẩm dọc các tuyến biên giới vẫn tồn tại lâu nay thì việc thương lái các nước đưa heo vào VN tiêu thụ là có thật".

Ông Đoán nói thêm, bên cạnh yếu tố heo lậu thì tình hình thời tiết bất thường như mưa bão gần đây cũng làm sức tiêu thụ giảm. Đây cũng là vấn đề có tính quy luật nhiều năm qua. Thêm vào đó là tình trạng dịch bệnh xảy ra ở một số nơi cũng khiến người chăn nuôi lo lắng tranh thủ xuất đàn sớm khiến nguồn cung tăng. 

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ước tính tổng đàn heo của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5%. Bên cạnh đó, tổng số gia cầm tăng khoảng 0,9%, sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 1 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 9,1 tỉ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, chăn nuôi heo nói riêng và gia súc, gia cầm nói chung hiện gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, các chi phí khác… đã tăng trong thời gian dài và hiện đang ở mức cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng có xu hướng tăng trở lại nhưng giá xuất bán sản phẩm đầu ra không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.