Heo nhỏ về ngập chợ, cảnh báo tái dịch

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/08/2020 06:22 GMT+7

Liên tục cả tuần qua, lượng heo nhỏ về chợ đầu mối tăng mạnh. Theo kinh nghiệm của các thương lái, heo nhỏ 40 - 65 kg xuất chuồng bán là heo “chạy dịch”.

Bán tháo heo nhỏ vì sợ dịch ?

Sáng chủ nhật (2.8), theo thông tin từ hai chợ đầu mối khu vực TP.HCM, tổng lượng heo về 2 chợ Bình Điền và Hóc Môn khoảng 5.350 con, trong đó, heo nhỏ 40 - 65 kg lên đến 2.000 con. Trước đó, ngày 1.8, lượng heo về hai chợ cũng tương đương, trong đó có 1.000 con heo mảnh nhỏ 35 - 60 kg. Ngày 31.7, có 600 con heo của Thái Lan và 700 heo nhỏ; ngày 30.7, có 1.700 con heo nhỏ về hai chợ trên tổng số 5.300 con. Trước đó nữa, trung bình mỗi ngày cũng có 600 - 700 con heo nhỏ được đưa về chợ.

Lượng heo nhỏ bán ra thị trường tăng, nếu có là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Dịch có tính chất lây lan, khi bùng phát tại địa phương này, chưa kịp dập dễ lây lan sang vùng lân cận. Thời gian qua, tình trạng heo từ Thái Lan được nhập lậu, không được kiểm định cũng là mối nguy lớn. Theo tôi, tình trạng các trại chăn nuôi đua bán heo nhỏ ra thị trường cần coi là lời cảnh báo về dịch bệnh heo trở lại.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Theo phản ánh của thương nhân trên diễn đàn chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo nhỏ về chợ tăng đột biến liên tục. Thường heo thịt nuôi trên 90 kg mới xuất chuồng hoặc trên 100 kg, khi các trang trại không lo lắng về dịch bệnh. Đằng này, lượng heo về chợ đầu mối từ 40 - 65 kg tăng đột biến trong tuần qua. Thậm chí, một số thương lái dùng từ “có biến” ám chỉ các trại chăn nuôi heo đang gặp khó, bắt buộc phải bán tháo để “chạy dịch” và lo lắng trong 2 tháng tới “không biết heo còn để mua không”.
Ngày 2.8, giá heo hơi trên 3 miền vẫn dao động từ 82.000 - 92.000 đồng/kg, mức giá này đã duy trì trong gần 2 tháng qua. Đặc biệt, trong hơn 1,5 tháng trở lại đây, sau khi Bộ NN-PTNT cho phép nhập hàng chục ngàn con heo sống từ Thái Lan về giết mổ, giá heo hơi trong nước chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 1.8, công ty chuyên nhập heo thịt và heo giống từ Thái Lan về Việt Nam ở khu vực phía nam là Thùy Dương Phát tiếp tục nhập về 1.000 con heo thịt qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Số heo này đã được kiểm dịch và đưa về trại của công ty ở Đồng Nai nuôi cách ly 5 ngày. Một số doanh nghiệp nhập heo sống cho hay, lượng heo thịt từ Thái Lan nay cũng khan hiếm và giá tăng mạnh khiến các công ty không còn mặn mà nhập khẩu nữa. “Phương án mới có thể là tìm các nhà bán hàng khác để đàm phán lại giá, chứ mức giá mà các công ty phía Thái Lan đưa ra cứ nhích lên từng đợt gây khó khăn cho nhà nhập khẩu”, người này cho biết.
Với lượng heo nhỏ được bán ra ồ ạt mỗi ngày tại các chợ đầu mối, ông Sơn, thương lái tại khu vực Đông Nam bộ - cho biết heo nuôi 45 kg mà đã xuất chuồng thì chỉ có lỗ. Thường heo hơi loại 100 kg bán được 89.000 đồng/kg thì loại nhỏ này chỉ bán tầm 80.000 đồng/kg hoặc thậm chí thấp hơn, mà thương lái đa số vì không có hàng nên buộc phải mua thôi chứ mua heo nhỏ về bán cũng khó.

Dịch tả heo châu Phi có thể tái bất cứ khi nào

Ngày 31.7, theo thông tin từ cơ quan thú y, có ít nhất 4 ổ dịch tai xanh tại các huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thái Hòa ở tỉnh Nghệ An. Lý do được ngành thú y đưa ra là do nắng nóng kéo dài, dự báo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn heo phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao.
Bộ NN-PTNT khẳng định, đến nay chưa tái phát dịch tả heo châu Phi trên diện rộng. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát dịch này rất lớn trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng dịch. Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi đến các địa phương về nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan trên diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung ra thị trường. Nhiều tỉnh vùng núi phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long đều đối diện nguy cơ này.
Thống kê của ngành thú y cũng cho thấy, hết quý 2, có gần 230 xã trên cả nước đã tái dịch tả heo châu Phi và 520 xã có dịch kéo dài từ năm ngoái sang năm nay. Chuyên gia chăn nuôi, TS Võ Văn Sự, Viện Chăn nuôi Việt Nam, nhận định việc tái dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho dù chúng ta nâng cấp chăn nuôi theo biện pháp sinh học. Ông nói, khi chưa có vắc xin chống dịch tả heo châu Phi, việc nơi này nơi kia bị tái dịch là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, quy mô chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học hiện chỉ phổ biến tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tuân thủ và có điều kiện đầu tư để nuôi theo phương pháp sinh học. Còn lại, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn nuôi theo phương pháp truyền thống.

Tiểu thương ở TP.HCM cũng lao đao vì dịch tả lợn châu Phi

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.