'Hết hồn' với bổn phận trẻ em

14/11/2015 08:00 GMT+7

Thảo luận về dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) hôm qua 13.11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng có quá nhiều quy định về bổn phận trẻ em “cao xa quá, không hiểu nổi”.

Thảo luận về dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) hôm qua 13.11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng có quá nhiều quy định về bổn phận trẻ em “cao xa quá, không hiểu nổi”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
“Ngày xưa Bác Hồ dạy: Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan. Nhiêu đó là mừng lắm rồi nhưng nay đọc luật quy định về bổn phận trẻ em mà hết hồn”, ĐB Lan nói.
Mừng quá vì... đã qua tuổi trẻ em
Từ điều 38 đến điều 41 của dự luật quy định hàng chục bổn phận của trẻ em, như có trách nhiệm với bản thân đến góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc VN; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, trẻ em còn có bổn phận giữ gìn trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... “Đọc các quy định về bổn phận trẻ em mà tôi mừng quá vì mình đã qua tuổi trẻ em với nhiều bổn phận quá, nhiều hơn cả đoàn viên thanh niên. Đưa ra luật trẻ em phải thấy những điều nhức nhối hiện nay ví dụ khoảng cách giàu nghèo, bao nhiêu trẻ em chưa được đến trường, bao nhiêu trẻ em bị chăn dắt ăn xin, bán vé số, dụ dỗ mua bán, sử dụng ma túy”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói, đồng thời đề nghị dự luật cần phải có các quy định thiết thực hơn, như chương trình dinh dưỡng cho trẻ em, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ khi đất nước có hàng ngàn ki lô mét kênh rạch chằng chịt mà nhiều người không biết bơi.
Đọc các quy định về bổn phận trẻ em mà tôi mừng quá vì mình đã qua tuổi trẻ em với nhiều bổn phận quá, nhiều hơn cả đoàn viên thanh niên
ĐB Phạm Khánh Phong Lan
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đưa ra một số kết quả nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc phát triển của trẻ phụ thuộc vào giai đoạn then chốt 3 năm đầu đời và đề nghị bổ sung quy định trẻ được quyền chăm sóc toàn diện từ giai đoạn đầu đời, đồng thời đề nghị nhà nước xây dựng các chương trình chăm sóc y tế để tương tác với luật.
Nâng tuổi trẻ em, bệnh viện nhi phải lập thêm khoa sản
Một trong những nội dung của dự luật còn gây ra nhiều băn khoăn là quy định nâng tuổi trẻ em từ 18 thay cho 16 như quy định hiện hành.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng đang có một “khoảng trống về pháp lý với độ tuổi từ 16 -18”. Theo ĐB, trước đây quan hệ tình dục với người từ 16 -18 tuổi là phạm tội giao cấu với người chưa thành niên nhưng nay thì không quy định trách nhiệm hình sự nữa. Nếu quy định đến 18 tuổi mới hết là trẻ em thì luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng cần quy định thống nhất với bộ luật Hình sự (sửa đổi)”.
ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng cho rằng luật Nghĩa vụ quân sự quy định công dân từ 17 tuổi phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, nay quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi thì phải sửa luật Nghĩa vụ quân sự, đồng thời đề nghị phải làm rõ có bao nhiêu chính sách liên quan đến độ tuổi từ 16 - 18.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nếu nâng tuổi để tương thích với Công ước quốc tế là điều hay nhưng không có lộ trình để áp dụng trong cuộc sống thì luật rất khó đi vào đời sống. Theo ĐB, nếu quy định trẻ em từ 18 tuổi trở xuống sẽ có nhiều trường hợp trẻ em lấy vợ, lấy chồng hoặc nhiều vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội. “Chúng tôi đùa nhau là bệnh viện nhi sắp tới sẽ phải thành lập thêm khoa sản nếu nâng tuổi trẻ em lên 18”, ĐB Lan nói.
Trong khi đó, đồng tình với việc “nâng tuổi”, nhưng ĐB Trương Minh Chiến (Bạc Liêu) đề nghị tách ra thành 2 nhóm tuổi. Một nhóm dưới 13 tuổi và 1 nhóm từ 14 đến dưới 18 tuổi, tùy theo đặc điểm từng nhóm để có các chính sách pháp luật phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.