Hết mù mờ thông tin, nông sản tăng cơ hội xuất khẩu vào EU

22/02/2024 19:47 GMT+7

Trước mắt, 7 nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được ưu tiên hỗ trợ giúp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, gồm: gạo, tiêu, điều, chanh dây, mật ong, rau quả và thủy sản.

Ngày 22.2, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm đổi mới Tentamus (Tập đoàn Tentamus) ký biên bản hợp tác triển khai hệ thống phần mềm thông báo các nội dung và quy định liên quan đến vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo đó, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm đổi mới Tentamus đồng ý hỗ trợ và phối hợp nhằm thông báo các nội dung liên quan đến SPS một cách hiệu quả đến các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam; trả lời các câu hỏi nhằm hỗ trợ giúp các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể nhập khẩu vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Mỹ, Anh…

Hết mù mờ thông tin, nông sản tăng cơ hội xuất khẩu vào EU- Ảnh 1.

TS Jochen Peter Zoller, Tổng giám đốc Tập đoàn Tentamus, và Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa ký kết biên bản hợp tác

ĐT

Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối để nhận thông tin cập nhật về các biện pháp SPS của các quốc gia thành viên WTO và chia sẻ, thảo luận, phân tích với đầu mối liên lạc của Tentamus nhằm cập nhật lên hệ thống phần mềm SPS để các công ty thành viên có thể truy cập các thông tin mới nhất.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng có thể nhận các phản hồi từ các công ty thành viên một cách có hệ thống. Việc này sẽ giúp phát triển thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Biên bản ghi nhớ cung cấp khuôn khổ hợp tác trong giai đoạn 2024 - 2029 và có hiệu lực từ ngày ký cho đến ngày 31.12.2029.

Trước mắt, 7 nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi EU sẽ được Văn phòng SPS Việt Nam và Tentamus ưu tiên gồm: gạo, tiêu, điều, chanh dây, mật ong, rau quả và thủy sản.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp bao gồm tiêu, gạo, cà phê… Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng lớn để xuất khẩu rau, củ, quả đến các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu không được cập nhật một cách hiệu quả đến các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Việc hợp tác này sẽ hỗ trợ điều chỉnh chiến lược và các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật một cách hiệu quả.

Hết mù mờ thông tin, nông sản tăng cơ hội xuất khẩu vào EU- Ảnh 2.

Với việc triển khai hệ thống phần mềm về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tránh được tình trạng mù mờ thông tin, giúp nông sản có thể đến được nhiều hơn những thị trường "khó tính"

CÔNG HÂN

TS Jochen Peter Zoller, Tổng giám đốc Tập đoàn Tentamus, người đại diện ký biên bản ghi nhớ với Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết mục tiêu của Tentamus là giúp các chuỗi bán lẻ trên thế giới có thể tìm được nguồn hàng an toàn tại một số thị trường nhiều tiềm năng, trong đó có Việt Nam.

"Với việc triển khai hệ thống phần mềm về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tránh được tình trạng mù mờ thông tin, giúp nông sản có thể đến được nhiều hơn những thị trường khó tính", ông Jochen Peter Zoller nhìn nhận.

Tentamus là tập đoàn kiểm nghiệm toàn cầu với sự hiện diện chính tại thị trường EU, Anh, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Tập đoàn Tentamus được công nhận và cấp phép kiểm tra, đánh giá, tư vấn trên tất cả các sản phẩm liên quan đến con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.