Hết sức cân nhắc việc bỏ HĐND cấp huyện

14/03/2013 03:00 GMT+7

Tại hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp diễn ra hôm qua (13.3) do Văn phòng Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị Hiến pháp sửa đổi lần này phải hết sức cân nhắc việc bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường với quan điểm ở đâu có cấp chính quyền thì ở đó phải có cơ quan đại diện giám sát của dân.

* Khẳng định vai trò của thanh niên

Phó trưởng đoàn ĐB chuyên trách tỉnh Thừa Thiên-Huế Đồng Hữu Mạo phát biểu: “Trong một đất nước để tồn tại 2 mô hình khác nhau: có nơi có HĐND huyện, quận, phường, có nơi không có là không nên”. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng: “Những vấn đề quan trọng như bộ máy tổ chức phải được quy định rõ trong Hiến pháp sửa đổi, ít nhất phải quy định có mấy cấp chính quyền. Rất nhiều cử tri tán đồng quan điểm đã có cấp chính quyền là phải có HĐND cấp tương ứng”.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý, quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng Hiến pháp (HĐHP), Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBC) và Kiểm toán Nhà nước nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Tuy vậy, theo quan điểm của Ban Biên tập dự thảo thì “để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, việc Hiến pháp bổ sung các cơ quan hiến định độc lập này là rất cần thiết”.

Phát biểu sau đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm: ít nhất phải trao cho HĐHP quyền đình chỉ văn bản vi hiến, nếu không giao quyền đó thì không nên thành lập hội đồng này. Theo ông, nếu chỉ có quyền kiến nghị thì các ủy ban của QH hiện nay đã có quyền đó rồi, không cần thêm HĐHP. ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) còn đề nghị HĐHP phải có quyền hủy bỏ luôn văn bản vi hiến.

Cùng ngày tại Hà Nội, Công đoàn Cơ quan T.Ư Đoàn tổ chức lấy ý kiến, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chị Trần Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng điều 67 của Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung thành các điều 35 và điều 63 đã thể hiện nhận thức đầy đủ, toàn diện và tính cam kết của nhà nước trong công tác chăm sóc cá nhân, gia đình có công với nước và thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, không để người dân bị rơi vào cảnh khốn cùng mà không nhận được trợ giúp.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, anh Phan Văn Mãi cho rằng, nhìn lại nội dung các bản hiến pháp từ năm 1946 đến nay thì vai trò của thanh niên càng lúc càng được ghi nhận và khẳng định rõ nét. Đồng tình với kiến nghị giữ lại điều 66 trong Hiến pháp 1992, anh Mãi đề nghị bổ sung và phát triển nội hàm khẳng định Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức cộng sản của thanh niên, Hội LHTN Việt Nam là mặt trận rộng lớn đoàn kết, tập hợp thanh niên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thanh niên; đồng thời có vai trò giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách pháp luật chăm lo cho thanh niên.

Bảo Cầm - Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.