Hết Tết sinh viên vẫn du xuân

10/02/2009 17:27 GMT+7

Các trường ĐH đã bắt đầu quay trở lại lịch học bình thường từ ngày mùng 8 âm lịch. Tuy nhiên, hầu hết các lớp học đều rơi vào tình trạng vắng vẻ do sinh viên còn mải... du xuân.

Lớp thì vắng...

Đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào buổi chiều thứ hai, bắt gặp rất nhiều sinh viên ngồi tụ tập trong quán nước. Chủ đề mà họ bàn tán vẫn quanh quẩn về Tết. Dường như không khí Tết vẫn còn với những sinh viên này. Ngược lại với cảnh đông đúc ở quán nước là những lớp học trống người. Theo quan sát của người viết thì các lớp học thường vắng từ 1/3 cho đến nửa lớp. Ngọc Hoàn, sinh viên năm 3 khoa Hóa trường ĐH Bách khoa cho biết: “Lớp em có khoảng 40 người, hôm nay đến lớp chỉ khoảng 30 bạn thôi, chắc phải sang tuần mới đông đủ”. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các khoa khác trong trường. Lớp K49 khoa Cơ khí có khoảng 60 sinh viên thì chỉ hơn 40 người đi học trong ngày đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số sinh viên thì năm nay số lượng các bạn đến lớp đúng quy định đã tăng hơn nhiều so với các năm trước. Lớp K50 khoa Tâm lý trường ĐH KHXH - NV, ngày 3.2, tức đã là ngày thứ hai đi học bình thường sau Tết, nhưng tính cả lớp chỉ có khoảng 2/3 tổng số sinh viên.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì tâm lý “thả lỏng quản lý” của các thầy cô giáo trong năm mới đã khiến cho sinh viên vô tư “nghỉ nướng” thêm vài ngày nữa. Và họ đã tận dụng sự thoải mái của các thầy cô để tranh thủ du xuân trong những ngày đầu năm. Tình trạng các lớp học “vắng như chùa bà Đanh” trong những ngày đầu năm đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên” sau mỗi dịp Tết. Thầy Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa cho biết: “Nhà trường không yêu cầu điểm danh trong những ngày học đầu tiên của năm mới, quan trọng là ở ý thức sinh viên, nếu sinh viên nghỉ quá số buổi học hoặc nghỉ vào giờ kiểm tra thì sẽ không đủ điều kiện để thi cuối kỳ”.

...Hội lại đông

Phương Châm - quê Thanh Hóa, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: “Nhóm bạn em rủ ra Tết đi du lịch, nên từ mùng 6 em đã ra Hà Nội nhưng bọn em đi Quảng Ninh 4 ngày mới về nên đành... bỏ học 2 hôm đầu”. Du lịch ở những địa điểm gần Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hòa Bình hay xa hơn một chút là Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ... được đông đảo sinh viên lựa chọn vì thuận tiện đi lại và chi phí thấp. Cũng giống Châm, Hải Hà, nhà ở tận Yên Bái nhưng cô nàng đã xuống Hà Nội từ mùng 5 Tết rồi bắt xe về nhà bạn thân ở Nam Định, đợi đến mùng 7 Tết để cả hai cùng đi chợ Viềng cầu may. Cho dù lớp của Hà bắt đầu đi học vào mùng 8 nhưng đến mùng 9 Hà và bạn thân mới rục rịch lên Hà Nội để đi học. Hải Hà giải thích: “Chợ Viềng vào đúng tối chủ nhật nên thứ hai không lên Hà Nội được vì mệt quá, phải nán lại đến thứ ba mới bắt xe lên”.

Hầu hết các lễ hội quan trọng như: Đền Hùng, Chùa Hương, chợ Viềng... đều được tổ chức vào những ngày sau Tết và trùng với thời điểm sinh viên bắt đầu quay trở lại lớp học, nên rất nhiều bạn đành “lỗi hẹn với thầy cô” chứ “quyết không bỏ lỡ cơ hội” để tham dự. Thu Trang - sinh viên năm 3 trường Thương mại vui vẻ khoe: “Năm nay được nhiều lì xì nên quyết định ra Tết rủ hội bạn đi Chùa Hương khấn lễ cầu may, nghỉ vài hôm đầu chắc các thầy cô cũng thông cảm”. Nhiều sinh viên còn đi du lịch theo tour nên có khi nghỉ cả tuần mới bắt đầu lò dò đến lớp. “Thực ra tuần đầu tiên đi học thì cũng chỉ đến hỏi thăm với chúc mừng nhau, chứ chưa học hành gì, hơn nữa các thầy cô cũng nương nhẹ tránh điểm danh trong những ngày đó nên mình tranh thủ đi du xuân, cả năm đã được đi đâu”, Thu Trang lý giải. Mang tâm lý giống Trang nên rất nhiều bạn sinh viên đã tự cho phép mình nghỉ nướng thêm vài ngày tranh thủ du xuân.

Phương Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.