Hết thời 'thị trường dễ tính'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/04/2018 06:41 GMT+7

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt khiến khái niệm “thị trường dễ tính” đang dần đi vào dĩ vãng.

Đó là câu chuyện nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tại hội nghị chuyên đề bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu được tổ chức trực tuyến toàn quốc hôm qua (23.4), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phải quản lý tốt từ đầu vào
Ghi nhận những thành tích của ngành ngoại thương khi VN năm qua lần đầu xuất khẩu con số hơn 200 tỉ USD, với gần 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu “tỉ đô”, nhưng Thủ tướng cho rằng, những khó khăn, thách thức trong năm tới là rất lớn. Thủ tướng lưu ý: “Xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. Cho nên, sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”.
Minh họa cho lưu ý này của người đứng đầu Chính phủ, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết một thị trường lớn, vốn được xếp vào loại “thị trường dễ tính”, là Trung Quốc đang có nhiều thay đổi. Gần đây, họ truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch an toàn rất gắt. Do đó, sản xuất cần theo quy hoạch, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, có hợp đồng bao tiêu. Trong tham luận gửi đến hội nghị, UBND tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm trước yêu cầu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn và yêu cầu chất lượng với nông sản nhập khẩu. “Đây là chính sách mới, các cơ quan, doanh nghiệp và người sản xuất vải của tỉnh đang rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn. Nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng rất lớn khi mùa vải 2018 đang đến gần”, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang nêu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cũng nhận định Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng nước này đã tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu được thị trường châu Âu và Mỹ chấp nhận. “Hiệp hội kiến nghị Chính phủ thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với thủy sản xuất sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu”, ông Hòe nói.
Thay đổi chiến lược, hành động mau lẹ
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh về cơ bản thì sản phẩm, hàng hóa của VN có chất lượng tốt nhưng không phủ nhận đâu đó vẫn còn tình trạng mấy “con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như cà phê nhuộm than pin hay thực phẩm chức năng làm từ bột tre... Với các trường hợp này, Thủ tướng cho biết đã đề nghị điều tra, khởi tố nghiêm túc, cùng với đó, phải tạo phong trào cách mạng trong nhân dân về đấu tranh, chống tình trạng làm dối, làm ẩu trong sản xuất sản phẩm.
Thủ tướng cũng nhìn nhận, nhiều nơi vẫn còn làm theo lối cũ, chưa nghiên cứu thị trường, chưa chịu tư duy “làm nó ra thì bán ở đâu”… Thủ tướng lưu ý, phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất, liên tục phổ cập thông tin thị trường đến người sản xuất. Thủ tướng nhắc đi nhắc lại rằng, tình hình quốc tế đang có những thay đổi lớn, cạnh tranh hơn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh nên trong tình hình mới chúng ta phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của VN trong xuất khẩu.
“Ví dụ, hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm 70% xuất khẩu, vậy trước mắt phải hỗ trợ các doanh nghiệp Việt liên kết với khu vực này, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Hay cần xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ. Các doanh nghiệp, sản phẩm VN phải đáp ứng tiêu chuẩn và có năng lực thực sự để tham gia kênh phân phối này”, Thủ tướng gợi mở, đồng thời yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu các rào cản đối với việc tham gia vào các liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi các chính sách về công nghiệp phụ trợ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.