Với việc đệ trình cho EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) danh sách những biện pháp cải cách mà bộ ba nói trên đưa ra như điều kiện tiên quyết, Hy Lạp đã làm hết nhiệm vụ của mình để được tiếp tục cứu trợ tài chính.
Trở ngại cuối cùng còn phải được khắc phục là sự phê chuẩn ở nghị viện các quốc gia thành viên EU. Ở đó sẽ có tranh luận gay gắt, nhưng rồi gói cứu trợ tài chính thứ 2 cho Hy Lạp cũng sẽ được thông qua. Hy Lạp vẫn sẽ ở trong khu vực đồng euro, đồng euro không bị suy suyển cả về uy danh lẫn thành phần và bộ ba nói trên vẫn bảo tồn được cách thức đối phó với khủng hoảng tài chính.
Họ kết thúc được một ván bài, nhưng cuộc chơi lại chưa chấm hết ở đó. Gói cứu trợ tài chính mới này chưa đủ để giải cứu dứt điểm Hy Lạp. Hy Lạp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cứu trợ tài chính từ bên ngoài trước khi có thể tự thân vận động trên thị trường tài chính.
Cam kết cải cách là một chuyện, thực hiện chúng như thế nào và đến mức độ nào lại là chuyện khác đối với chính phủ mới ở Hy Lạp. Ngay trong thỏa thuận mới đã tiềm ẩn nguy cơ bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích khi Hy Lạp phải nghiến răng nghiến lợi đệ trình danh mục những kế hoạch cải cách và bộ ba kia cũng chỉ chấp nhận danh mục này với thái độ tương tự.
EU, ECB và IMF đã đâm lao nên còn phải tiếp tục theo lao. Chính phủ mới ở Hy Lạp vẫn ưu tiên nhận cứu trợ tài chính từ phía bộ ba này trước các nguồn khác. Cho nên cuộc chơi còn tiếp tục và ván sau sẽ còn gay cấn hơn trước.
Bình luận (0)