Ai tìm cuộc tình cho?
Oanh đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trong nhóm bạn sinh viên - công chức trẻ hôm đó về vấn đề văn hóa của người trẻ thời kỳ... không còn yêu. Thảo - một kế toán - dí dỏm mà có chút cay đắng: “Không còn yêu, nhiều người đối xử với người mình từng yêu như là những con số nhỏ trong dãy số, thay vì cần làm tròn thì họ lại cắt luôn cho gọn.
|
Nhà thơ Pushkin trong bài thơ Tôi (đã) yêu em khiến các cô gái nhiều thế hệ ướt mắt khi viết câu thơ kết cho người yêu cũ: Cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Thế nhưng, cuộc đời không phải thơ ca nên không ít cô gái/ chàng trai đã vỡ mộng khi mong mỏi mình chia tay tình yêu vẫn còn giữ lại tình bạn. Có không ít thực tế cho thấy kết thúc một cuộc tình không phải ai cũng giữ được thái độ khách quan và tôn trọng người mình từng yêu.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn trong một chương trình giao lưu với sinh viên tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM chia sẻ: “Thường khi mình yêu ai đó quá, họ không yêu mình nữa, tâm trạng mình sẽ dễ rơi vào bất mãn. Mà khi bất mãn sẽ thiếu tỉnh táo để phân tích đúng sai. Một trong những cách tốt nhất có thể ứng xử cao thượng sau khi yêu là... đừng nghĩ quá nhiều về việc ai có lỗi trong cuộc chia tay và chấp nhận một sự thật là tình yêu đã không còn nữa. Cứ nghĩ về những gì tốt đẹp trong quá khứ mà đối tác đã làm cho mình sẽ thấy lòng dịu lại. Những cảm xúc tốt đẹp sẽ đến”. |
Nỗi buồn... thời sau yêu này không dành riêng cho người nào, giới nào và kiểu tình yêu nào.
Chị Yên Thảo, sau nhiều năm vẫn còn ấm ức về mối tình đầu của mình, kể: “Chúng tôi từng là đồng nghiệp của nhau. Sau đó, anh ấy được cất nhắc lên làm sếp và bỗng dưng... chúng tôi xa nhau từ đó. Anh không còn yêu tôi, chẳng những vậy còn làm khó tôi hơn mức bình thường vì anh hiểu rất rõ những điểm yếu của tôi. Cuối cùng, không chịu nổi tôi nghỉ việc ở công ty cũ”.
Khi yêu nhau không ai thèm tìm hiểu vì sao họ yêu nhau, nhưng khi xa nhau thì tâm lý chung là ai cũng tìm mọi cách giải thích lý do họ không còn yêu nhau nữa.
Và một trong những cách giải thích thường gặp nhất là lấy lý do không hợp, người kia có tính xấu...và khuếch đại tính xấu đó lên nhiều lần.
Quốc Việt, vừa bị người yêu chia tay nói xấu “tơi tả” trên Facebook, nói: “Hồi đó tôi ghét mấy bài hát có lời kiểu không yêu đừng nói lời cay đắng, nhưng giờ thấy... cũng đúng. Tự nhiên thấy buồn và thấy tội nghiệp cho cả người nói xấu mình đã từng yêu mình”.
Dù đến dù đi, cũng tạ ơn người
Giữ một thái độ cao thượng khi tình yêu đã hết không đơn giản chút nào. Nhưng không phải không có nhiều người làm được. Nhiều người biết đến nhà thơ Phan Vũ - tác giả Em ơi Hà Nội phố nổi tiếng - là một người đào hoa, yêu nhiều cô và được nhiều cô yêu.
Khi được hỏi bí quyết vì sao yêu nhiều người rồi chia tay nhiều mối tình, nhưng những người ông yêu và yêu ông đều không có lời trách móc hay nói xấu ông trên báo chí cũng như trong đời thực, nhà thơ cười và trả lời nhẹ nhàng: “Khi yêu thì tôi chân thành, hết yêu người này mới yêu người khác, không bắt cá hai tay. Khi không yêu nữa tôi nói rõ tình cảm của mình với người ta, không nói xấu người ta, ngay cả khi người ta không còn yêu mình nữa thì mình vẫn tôn trọng tình cảm đó”.
Xem ra bí quyết của “gã đầu bạc đa tình” này không hề phức tạp gì, nhưng để thực hiện được không dễ dàng chút nào. Những ứng xử văn hóa thời sau yêu đòi hỏi một bản lĩnh và sự cao thượng, điềm tĩnh mà những người trẻ tuổi, tính tình nông nổi không dễ dàng có được.
Để hát được lời hát “dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn người” đòi hỏi người trong cuộc cần thêm chút yêu thương với người mình từng yêu.
Giữ cho mình thái độ cao thượng sau yêu không chỉ là cách để giữ cho những cảm xúc và kỷ niệm không bị vẩn đục, đó còn là cách để người trẻ giữ nhân cách của mình.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)