Đạo Phật nói đời người có bảy nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử, oán hận mà phải ở cạnh nhau, yêu nhau mà phải ly biệt, cầu mà không được.
Ông Lương Bá Huynh cõng cậu con trai liệt tứ chi Lương Bá Hiệp đến trường - Ảnh: V.A.N |
Mỗi con người trên thế gian hết thảy đều ôm một niềm đau của riêng mình. Kỳ thực, chẳng ai giống ai, chẳng ai có thể so sánh với ai...
Ông và bà yêu nhau. Họ đều là những người làm nông thuần phác và cùng mơ một cuộc sống hết sức bình dị. Đói ăn rau, đau uống thuốc. Có mong gì hơn trong cuộc đời dài rộng này. Hai đứa con gái xinh đẹp ra đời như chút niềm ủi an trong cảnh nghèo túng bấn.
Đắn đo mãi mà chừng 10 năm sau, kinh tế khá giả hơn chút mới dám sinh đứa nữa để kiếm mụn con trai mà nương tựa khi xế chiều. Khi ấy, ông 36, bà cũng đã 35.
Trời không phụ kẻ có lòng mà niềm ao ước bấy lâu cũng đã được thỏa. Đứa con trai út chào đời, ông bà ôm nhau mà mừng mừng tủi tủi.
Tiền dành dụm bấy lâu, ông cố gắng sửa lại nhà lợp ngói tươm tất cho bằng người ta để đón thêm thành viên mới. Nhà ngói, con trai nối dõi, chỉ bấy nhiêu thôi, ông bà cũng đã đủ mãn nguyện, có cầu gì hơn?
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, ngôi nhà 5 người dần trở nên xiêu vẹo khi đứa con cầu tự khôi ngô, lanh lợi đến tháng 11 thì bắt đầu có những triệu chứng lạ. Tay bắt đầu teo lại, chân bắt đầu tóp đi. Chỉ là muốn trườn đi mà sao cũng chẳng thể?
Có những ngày con ú ớ tức tưởi bất lực với những ước vọng cỏn con, hai ông bà lại đăng đắng ôm nhau mà khóc hỏi trời tại sao rồi lại tự động viên nhau mà cùng cố gắng chăm lo cho con.
Tiền lúa có bao nhiêu vừa lo cho hai đứa con gái ăn học đến nơi đến chốn, vừa dẫn đứa con trai đi chữa bệnh. Mỗi ngày tiền lại vơi dần, vơi dần, chạy vạy nhiều nơi, hết vào Nam lại ra Bắc, sá chi công vất vả mà đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vô phương cứu chữa của bác sĩ đầy cám cảnh.
Không chịu đầu hàng, ông tự làm nạng, dìu con đi những bước đầu tiên rồi lại nước mắt lưng tròng khi thấy hai đôi chân con mềm oặt đi và đổ vật giữa nhà. Con ôm cha mà khóc thủ thỉ muốn được đến trường như chúng bạn.
Cậu bé Hiệp chơi bắn bi cùng bạn trên chiếc xe lăn - Ảnh: V.A.N
|
Ông lại thành đôi chân của con, mỗi ngày lại cõng con trên lưng khi mệt nhọc cũng như lúc ốm đau đằng đẵng nhiều năm ròng.
Con vào trường học, ông lại ra trường đời, chật vật với cơm gạo áo tiền mà lo cho con. Vậy mà con cũng đạt hết danh hiệu này đến danh hiệu kia.
7 năm như thế rồi, tay con giờ đây teo tóp dần, nét chữ bắt đầu nghệch ngoạc. Lưng cha thì mỗi ngày mỗi khòm nhưng ông chắc nịch khi nào con còn muốn đi học thì ông vẫn sẽ đưa con đến trường.
Những ngày cuối tháng Hai, cái rét phả trên từng sợi lông tơ, tôi đến ngôi nhà nhỏ ở thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi thăm hai cha con ông Lương Bá Huynh và em Lương Bá Hiệp.
Như mọi ngày, vợ ông Huynh đã đi từ tờ mờ sáng đến lúc tối mịt với nghề bốc gạch bấp bênh. Hai đứa con gái đã lấy chồng phương xa. Nhà chỉ còn hai cha con tíu tít bên nhau sớm tối.
Em Hiệp hào hứng khoe với tôi em rất thích xem đá banh, cầu thủ nào em cũng biết tên. Em ước được một lần đá banh, được một lần đi trên thuyền nhìn ngắm đàn cá bơi, nghe sóng vỗ mạn thuyền, được khám phá thế giới ngoài kia. Mắt em long lanh, lóng lánh mà mắt cha thì ngân ngấn nước.
Không hiểu sao, mắt tôi cũng rưng rưng theo.
Chúng ta sống trên đời ai chẳng có ước mơ? Ai chẳng thấy lòng mình yếu đuối tựa như chỉ muốn chết đi khi trong cơn bĩ cực? Nhưng đứng trước ước mơ bé mọn của em, mọi ham muốn đều hoá nên tầm thường.
Sống trên đời chẳng phải chỉ cần là có tay chân lành lặn, được đi, được đứng, được chạy, được nhảy đã là điều kỳ diệu của tạo hoá hay sao?
Chúng ta đã quá quen với những đủ đầy để rồi chìm đắm trong những giấc mơ vời vợi, đau khổ khi bất đắc chí mà lơ đễnh đi điều bình thường đó lại là ước vọng của nhiều người.
Ông Huynh giờ cũng 50 tuổi rồi, tóc cũng đã điểm bạc, còn bao nhiêu năm sống trên cõi đời nữa đâu. Đời ông rồi sẽ vào cõi chết, nhưng làm sao an yên nhắm mắt xuôi tay khi mãi đau đáu "Còn sống ngày nào thì sẽ lo cho con ngày đó. Nhiều khi cũng nghĩ xa xôi mà thương cho nó mai sau mình chết đi, nó thế nào".
Ông vẫn chưa nguôi hi vọng, khi có tiền sẽ dẫn con đi khám bệnh thêm một lần nữa.
Bình luận (0)