Vụ hai cháu bé ở ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, H.Châu Thành (Tây
Ninh) tử vong dưới hầm khai thác đất hoang vừa xảy ra làm dấy lên mối
lo ngại chết người từ các hố khoáng sản khác…
Nhiều trẻ em đến tắm tại hầm khai thác đá khu vực núi Ma Thiên Lãnh đầy hiểm họa chết người |
Vào sáng 12.1, hai chị em N.T.M (5 tuổi) và N.V.Q (3 tuổi, cùng ngụ ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, H.Châu Thành) được gia đình đưa đến chùa Mộc Đồng (cách nhà khoảng 500 m) gửi cho ông Nguyễn Văn Leo (64 tuổi, người trông chùa; ông nội của cháu M. và Q.) trông giúp. Theo lời ông Leo, sau khi thấy các cháu ra trước sân chơi nên ông loay hoay xách nước tưới cây. Lúc sau, không thấy tụi nhỏ đâu nên ông chạy khắp nơi đi kiếm nhưng không thấy. Sau đó, ông nghe thấy tiếng cháu ngoại đang hốt hoảng chạy lên từ dưới hồ nước (cách chùa khoảng 300 m) khóc và báo tin M. và Q. đã té xuống hồ. Lập tức, người nhà chạy ra vớt M. và Q. dưới đáy hồ lên nhưng hai cháu đã tử vong.
Hiểm họa chết người khắp nơi
Tại khu vực 2 trẻ tử vong là một hầm khai thác đất phún đã bỏ hoang, rộng hàng trăm mét vuông, không biển cảnh báo nguy hiểm, không rào chắn từ hơn 3 năm nay. Thi thể các cháu nằm cách bờ khoảng 1m, sâu đến khoảng 2,5 m. Theo người thân nạn nhân, trên mép hầm đất còn nhiều dấu chân dẫm đạp, do đó nhiều khả năng các cháu bị trợt chân té ngã khi đi trên mép hồ dẫn đến tử vong. Đáng nói, thống kê sơ bộ trong khu vực này có đến hơn 6 hầm đất sâu bỏ hoang tương tự.
Trở lại khu vực hầm đất làm chết hai cháu bé, chúng tôi gặp ông T.V.B (39 tuổi, ngụ xã Long Vĩnh) bức xúc cho biết: “Khoảng hơn 2 năm trước, cách hầm đất nơi 2 cháu nhỏ vừa tử vong khoảng 500 m, đứa cháu của tôi 14 tuổi cũng bỏ mạng trong khu vực khai thác khoáng sản bỏ hoang”. Ông B.buồn bã nhớ lại: “Tôi không biết hầm đó có độ sâu bao nhiêu, nhưng lúc vớt xác thằng nhỏ, đã có rất nhiều thanh niên lặn giỏi trong xóm bỏ cuộc vì hụt hơi. Mãi sau đó mới vớt được”
Ghi nhận thêm của chúng tôi, tại nhiều khu vực H.Châu Thành, Hòa Thành, Trảng Bàng, Bến Cầu nhiều “bẫy” tương tự giăng ở nhiều nơi khiến người dân hoang mang. Tại khu vực hầm khai thác đá núi Ma Thiên Lãnh (thuộc TP.Tây Ninh), đến nay người dân vẫn không thể quên vụ em N.T.A (học sinh lớp 8, trường THCS Tân Hưng, H.Tân Châu) đuối nước vào trưa 11.1.2015 sau khi rủ bạn đến tắm. Thế nhưng, hiện nay khu vực hầm nước trong vắt, cảnh đẹp đã thu hút càng khiến nhiều người kéo đến tắm, trong đó không ít trẻ em.
Cử tri bức xúc
Liên quan đến nạn khai thác khoáng sản rồi không hoàn thổ như hiện nay đã làm nóng nghị trường tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 17, khóa 8, HĐND tỉnh Tây Ninh ngày 10.12.2015. Nhiều đại biểu đề nghị Sở TN-MT xem xét vấn đề này. Chính việc khai thác này tạo thành những ao hồ sâu thẳm, trở thành cái bẫy gây ra nhiều vụ chết người thương tâm.
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Đình Xuân cho rằng do Tây Ninh vẫn còn cần nhiều đất phún để làm đường giao thông nông thôn nên chưa thể cấm hoạt động khai thác này. Tuy nhiên Sở ghi nhận để xem xét hướng xử lý, yêu cầu đơn vị khai thác lập hàng rào, trồng cây xanh, lắp biển báo đúng như đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã đăng ký thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Trần Lưu Quang đề nghị, Sở TN-MT cần nghiên cứu ý kiến của đại biểu bởi bản thân ông cũng ghi nhận nhiều ý kiến của người dân tại các xã Lộc Hưng và xã Hưng Thuận (H.Trảng Bàng) phản ánh khu vực khai thác khoáng sản bị biến thành hầm hố rất sâu. Ông Quang nhận định: “Những hố sâu này cho dù 50 năm hay 100 năm sau vẫn khó hoàn nguyên được và vô cùng nguy hiểm nếu không được che chắn, cảnh báo”.
Bình luận (0)