Hiểm họa lơ lửng trên cao

Lê Quân
Lê Quân
29/09/2018 06:56 GMT+7

Không đảm bảo các yếu tố an toàn lao động trong xây dựng; ý thức an toàn lao động kém... là những mối nguy gây tai nạn chết người.

Thương vong vì tai nạn ở cả công trình nhỏ, lớn
Khoảng 18 giờ 30 ngày 27.9, tại công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê ở đường Lê Văn Lương, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội (cao 16 tầng, 2 tầng hầm do Công ty TNHH XNK và đầu tư Sao Mai có trụ sở tại Q.Ba Đình, Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty CP thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới - DHP, trụ sở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội làm nhà thầu lắp kính) đã xảy ra vụ tai nạn khiến chị Dương Thị Hằng, 31 tuổi, quê H.Lương Tài, Bắc Ninh tử vong tại chỗ; ông Nguyễn Hùng Cường, 62 tuổi, trú tại 147 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng bị thương.
Theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, chiều 27.9, một số công nhân lắp kính mặt ngoài tầng 5, 6 và 7 của công trình. Công nhân sử dụng thiết bị Gondola (sàn treo, tức sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà phục vụ thi công. Khoảng 18 giờ, khi lắp kính ở tầng 7, công nhân điều khiển để Gondola xuống tầng 6 cho mọi người xuống, bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng, rơi từ tầng 16 xuống đường Lê Văn Lương, trúng vào đầu chị Hằng đang đi xe máy qua.
Hiểm họa lơ lửng trên cao
Tòa nhà nơi xảy ra vụ cần trục sàn treo rơi từ tầng 16 xuống đường (ảnh nhỏ) làm một phụ nữ tử vong tối 27.9 Ảnh: Lê Quân

Lúc 17 giờ 30 ngày 8.9, tại công trình xây dựng nhà riêng cao 3 tầng ở cụm 8, xã Hồng Hà, H.Đan Phượng, Hà Nội khi 3 người thợ đang thi công trát tường bên ngoài tầng 2 thì bất ngờ giàn giáo bằng ván, cây chống gỗ sập, khiến 3 người thợ xây ngã xuống. Cả 3 được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, 2 trong số đó đã tử vong là ông Phạm Quang Thiệu (61 tuổi) và ông Nguyễn Khắc Vượng (49 tuổi), đều là người địa phương.
Một vụ khác xảy ra vào khoảng 10 giờ 20 ngày 20.8, tại công trình xây dựng dự án Tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ (The Sun), P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khi xảy ra tai nạn, công trình đang xây dựng đến tầng 29. Vụ việc xảy ra khi một sợi dây cáp của máy cẩu tháp bất ngờ bị đứt khi đang tải nhiều thanh thép xây dựng từ dưới mặt đất lên tầng cao, nhiều thanh thép rơi xuống khiến một phụ nữ bị thương nặng.
Hiểm họa lơ lửng trên cao
Cần cẩu dài hơn chục mét đổ ập xuống đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) ngày 19.9 Ảnh: Khả Lâm

Ngày 28.9, dạo qua nhiều tuyến đường ở Hà Nội có công trình xây dựng đang thi công, chúng tôi nhận thấy tình trạng nhà thầu cho cẩu tháp hoạt động vươn ra ngoài đường giao thông khá phổ biến. Đặc biệt ở những tuyến đường: Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Mễ Trì… vẫn có nhiều cần cẩu vươn ra đường hoạt động ngay trên đầu người tham gia giao thông.
Ý thức ATLĐ kém
Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng TNLĐ trong xây dựng vẫn đứng đầu bảng về tỷ lệ TNLĐ, chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn và 37,8% tổng số người chết. Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2017, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 8.956 TNLĐ làm 9.173 người bị nạn. Trong đó, xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất, chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và
19,7% tổng số người chết; cao gấp 2 - 3 lần so với các lĩnh vực cơ khí, nông nghiệp, dịch vụ...
Thu Hằng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho hay đa số những công trình lớn có biện pháp thi công cẩn thận, chi tiết, và đặc biệt chú trọng khâu an toàn lao động (ATLĐ). Yếu tố túi tiền ảnh hưởng rất lớn đến mức độ ATLĐ tại mỗi công trình. Nhưng đấy là với những nhà thầu lớn, chuyên nghiệp. Còn với những đơn vị thầu không có tâm, chỉ chăm chăm lợi ích kinh tế, coi nhẹ an toàn thì dù chi phí cho ATLĐ có cao cũng bị cắt xén hết. Do vậy, ý thức của đơn vị thi công là quan trọng.
Ông Hiệp cho biết, so sánh về trình độ năng lực, với thế giới, nhà thầu xây dựng trong nước thua kém về ý thức ATLĐ. Các nhà thầu xây dựng trong nước hầu như vẫn sử dụng khá nhiều lao động trình độ thấp, không được đào tạo bài bản, đưa vào công trường làm công nhân xây dựng. Căn nguyên của việc này là chi phí nhân công thấp, sẵn sàng làm những công việc khó nhọc.
“Một điều rất quan trọng mà lâu nay đa số các nhà thầu chưa làm được là công tác đào tạo công nhân xây dựng. Phần lớn chỉ tuyển lao động vào, huấn luyện sơ qua rồi đưa vào làm việc luôn. Người lao động không hiểu hết được ý nghĩa của ATLĐ nên dẫn đến ý thức cẩu thả khi làm việc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) từ đây rất lớn. Đơn vị nhà thầu nào có đào tạo, quy định chặt chẽ thì TNLĐ ít xảy ra và ngược lại”, ông Hiệp nói. Theo ông Hiệp, từ nay đến đầu năm 2019, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN sẽ tổ chức một hội thảo về ATLĐ trong thi công công trình xây dựng để các nhà thầu chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao ý thức ATLĐ, trình độ.
Thanh tra xây dựng chưa chú ý đến ATLĐ
Một giảng viên lâu năm của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, vai trò của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát ATLĐ ở các công trình xây dựng là chưa tốt. Cụ thể thanh tra xây dựng lâu nay vẫn được biết đến là lực lượng chính trực tiếp kiểm tra các công trình xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay phần ATLĐ đề phòng rủi ro lại chưa được lực lượng này chú ý. Thanh tra xây dựng khi đến kiểm tra công trình xây dựng chủ yếu là quan tâm đến công trình xây dựng đúng hay không đúng giấy phép, sai phạm thế nào. “Biện pháp thi công, ATLĐ trong xây dựng công trình chưa được lực lượng thanh tra xây dựng quan tâm, mà quan niệm rằng trách nhiệm chính là của nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư trước pháp luật. Cơ quan chức năng chưa chú trọng thực sự đến yếu tố an toàn trong thi công xây dựng”, vị này nói. Cũng theo ông này, Cục ATLĐ, Bộ LĐ-TB-XH có chức năng đi kiểm tra ATLĐ tại các công trình xây dựng. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chưa thể hiện rõ được vai trò kiểm soát phòng ngừa ATLĐ trong thi công công trình. Thông thường, chỉ khi có sự vụ xảy ra mới có người đến kiểm tra, phối hợp xử lý; còn về mức độ đề phòng tai nạn xảy ra còn yếu. Quy chế về ATLĐ thì đã có, nhưng kiểm tra xem áp dụng, sử dụng biện pháp thế nào thì chưa rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng nào mà quy chính cho nhà thầu, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, không có cơ quan chức năng. Nếu có tai nạn, trách nhiệm đầu tiên là của nhà thầu.
Khởi tố vụ rơi cần trục sàn treo làm 1 người chết
Chiều 28.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh vi phạm quy định về ATLĐ, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người, để điều tra làm rõ vụ cần trục sàn treo của tòa nhà ven đường Lê Văn Lương rơi xuống đường làm chết chị Dương Thị Hằng (31 tuổi, quê H.Lương Tài, Bắc Ninh), và làm bị thương ông Nguyễn Hùng Cường (62 tuổi, trú số 147 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết sau khi xảy ra vụ tai nạn, công trình này bị tạm đình chỉ thi công.
Đan Hạ - Trần Thanh
Phải xử lý nghiêm nhà thầu, đơn vị tắc trách
Trao đổi với Thanh Niên chiều 28.9, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB-XH, nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) tối 27.9 ban đầu được xác định do bộ phận giá đỡ của hệ thống sàn treo Gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường. Nếu hệ thống sàn treo rơi xuống, hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Sau vụ TNLĐ này tại Hà Nội, ông Thơ cho hay: “Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH Hà Nội và chủ đầu tư. Trước mắt, hỗ trợ giải quyết chế độ cho gia đình nạn nhân; kiểm tra ATLĐ tại công trường xây dựng. Khi có TNLĐ gây chết người, trách nhiệm trước hết liên quan đến chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công. Cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu phát hiện có nguyên nhân từ sự gian dối trong huấn luyện hoặc không tuân thủ ATLĐ thì có thể bị xử lý hình sự”.
Ông Thơ cho biết, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra vi phạm pháp luật, quy chuẩn đã quy định đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề thực thi các văn bản ATLĐ rất kém. “Nguyên nhân là do ý thức chấp hành và năng lực kỹ thuật và an toàn của các nhà thầu thấp. Nhiều nhà thầu phụ thiếu năng lực nhưng giám sát và chủ đầu tư vẫn cho thi công. Người sử dụng lao động tập trung ở việc không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện ATLĐ cho người lao động; không kiểm tra độ an toàn của thiết bị...”, ông Thơ nói.
Để hạn chế các vụ TNLĐ liên quan đến các công trình xây dựng, theo ông Thơ, các bộ, ngành chủ quản cần đánh giá lại năng lực nhà thầu, giám sát thi công… và việc đào tạo lao động tham gia vận hành thiết bị, huấn luyện, kiểm định ATLĐ, chú trọng công tác phòng ngừa; quy định chặt chẽ công tác đào tạo, huấn luyện và thanh tra công tác đảm bảo ATLĐ.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, nhà thầu, chủ đầu tư có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm ATLĐ, vì đây là những chủ thể trực tiếp quản lý, liên quan đến nhiều công nhân trên công trường. Trong đấu thầu, các hồ sơ mời thầu, hồ sơ đề xuất đều yêu cầu nhà thầu đưa ra giải pháp bảo đảm ATLĐ như: có hệ thống lưới bảo hiểm an toàn để chắn vật nặng và đồ nghề rơi xuống... Tuy nhiên, phần lớn các nhà thầu, chủ đầu tư đều không tuân thủ những quy định này, chỉ khi có đoàn kiểm tra thì họ mới vội vàng đi sắm quần áo và trang thiết bị bảo hộ. Vì vậy, theo ông Tùng, cần phải xử phạt nghiêm minh những nhà thầu, đơn vị tắc trách, coi thường tính mạng người lao động và người dân để răn đe, ngăn ngừa vi phạm TNLĐ.
Tại TP.HCM cũng từng xảy ra nhiều vụ cần cẩu ở các công trình bất ngờ đổ ập xuống khiến nhiều người khiếp vía. Ngày 19.9, cần cẩu dài hơn chục mét khi đang thi công ở một công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) bất ngờ đổ ập xuống đường. Rất may, nhiều người đi đường kịp né tránh nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tháng 5.2016, cần cẩu dài hơn chục mét, nặng cả chục tấn ở một công trình xây dựng trên đường Điện Biên Phủ (Q.10), trong lúc thi công cũng đổ ập xuống trường mầm non gần đó. Vụ việc không làm ai bị thương nhưng khiến cô giáo và hàng chục trẻ đang sinh hoạt ở trường phải sơ tán...
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có hàng trăm công trình xây dựng quy mô, các công trình này ít nhiều đều có sử dụng cần cẩu tháp để thi công, do đó vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành hết sức quan trọng. “Khi sự cố xảy ra, dù có truy trách nhiệm hình sự chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành cần cẩu tháp, thi công..., thì cũng đã phát sinh hậu quả rồi. Nhận thức được nguy cơ có thể bất ngờ xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, Sở Xây dựng và Sở LĐ-TB-XH thường xuyên phối hợp kiểm tra, yêu cầu chấn chỉnh những biểu hiện thiếu ATLĐ nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức tối đa nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Tuấn nói.
Đình Phú - Đức Tiến
 

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.