Hiểm họa lưỡi câu

25/08/2011 08:34 GMT+7

Vào mùa nước nổi, người dân nông thôn vùng ĐBSCL thường dùng những đoạn tre dài khoảng 1 mét làm cần câu, buổi chiều móc mồi mang ra cắm xuống ruộng để câu cá hoặc ếch, sáng đi dọn câu về.

Với chiếc cần câu dài như thế, người đi ruộng dễ nhìn thấy để tránh, không giẫm đạp lên. Gần đây, một số thợ câu đã có “sáng kiến” dùng những đoạn tre ngắn khoảng 1 tấc, buộc dây, tóm lưỡi, móc mồi câu vào; sau đó mang ra cắm  vào những bụi cỏ trên bờ ruộng để câu cá, ếch. Với “sáng kiến” này, thợ câu chẳng những tiết kiệm được đoạn tre mà còn khỏi lo bị mất cắp.

Tuy nhiên, những chiếc cần câu “ẩn mình” này đã khiến không ít người đã bị... mắc câu khi ra đồng. Mới đây, anh  Đồ Thanh Trúc phải đến Trạm y tế xã Đại Tâm (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nhờ làm tiểu phẫu lấy lưỡi câu dính ở chân ra. Anh Trúc nói: “Tôi vừa ra thăm đồng được một vòng thì giẫm phải lưỡi câu của ai đó cắm trên bờ ruộng nhà mình. Bây giờ người ta cắm câu “ẩn” như thế, rất khó nhìn thấy để tránh. Vả lại, do câu “ẩn” không lo bị mất cắp nên người cắm không chịu dọn câu về, cứ vứt bừa bãi trên bờ dưới ruộng, rất nguy hiểm. Ở xóm tôi, từ đầu năm đến nay đã có hơn chục người bị mắc lưỡi câu rồi, thiệt khổ!”.

Bác sĩ Trần Văn Bình, Phó khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, cho biết mỗi năm, ông và các đồng nghiệp ở đây tiếp nhận và điều trị cả trăm trường hợp bị dính lưỡi câu. Đa số nạn nhân đều bị lưỡi câu móc dính vào tay và chân trong lúc làm cỏ hoặc đi thăm đồng, sau khi tiến hành tiểu phẫu đều được cho về ngay. “Dù chưa có trường hợp nào ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, nhưng nếu không được tiêm phòng uốn ván đủ liều, những người từng dính lưỡi câu rất dễ bị biến chứng về sau”, bác sĩ Bình khuyến cáo.

Tuấn Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.