Hiểm họa nhiễm khuẩn sơ sinh

26/03/2018 07:00 GMT+7

'Tình yêu của bố mẹ rất quan trọng trong điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh, giúp bác sĩ và điều dưỡng phát hiện thay đổi bất lợi ở trẻ từ rất sớm', ThS-BS Lê Hữu Anh Hòa, khoa Nhi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ.

Chị Võ Thị C.G (25 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) sinh con trai đầu lòng tháng 3.2018, sau sinh trẻ khóc to, vận động khá, bú tốt. Một ngày sau, chị bỗng nhận thấy con ít cử động trong vài giờ, bú ít hơn. Chị chia sẻ thông tin với điều dưỡng và ngay sau đó được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện bé bị nhiễm khuẩn sơ sinh (NKSS). Bé được chuyển đến đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh thuộc khoa Nhi điều trị. Bệnh chuyển biến nhanh, sau 8 giờ bé rơi vào tình trạng choáng nhiễm trùng, li bì, kém đáp ứng với kích thích, da nổi vân tím toàn thân, thở nhanh, bỏ bú, thời gian đỗ đầy mao mạch kéo dài. Sau 2 ngày điều trị, con của chị G. đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm và được trao lại cho bố mẹ, tiếp tục điều trị nhiễm khuẩn đủ liệu trình.
NKSS hay nhiễm trùng sơ sinh không hiếm gặp, chiếm từ 10 - 20% bệnh sơ sinh. Là nguyên nhân gây tử vong thứ nhì cho trẻ sơ sinh sau hội chứng suy hô hấp. NKSS có thể điều trị được tại các trung tâm y tế lớn có đơn vị hồi sức sơ sinh (NICU) và đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, tuy nhiên nguy cơ tử vong NKSS vẫn ở mức cao nếu phát hiện bệnh muộn.
Để sớm phát hiện NKSS, bố mẹ cần chú ý các dấu hiệu: Trẻ bị rối loạn thân nhiệt (sốt hoặc hạ thân nhiệt), rối loạn hành vi (tỏ ra bị kích thích, quấy khóc nhiều, hay li bì, kém đáp ứng với kích thích, co giật...), rối loạn hô hấp (thở nhanh, khó thở, rên rĩ, có những cơn ngưng thở), rối loạn tiêu hóa (bú kém, bỏ bú, bụng chướng, nôn mữa), biến đổi ở da (ban xuất huyết, mảng hồng ban, vàng da, da nổi vân tím), thóp phồng, gồng cứng người… Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường khác, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh.
Các yếu tố nguy cơ gây NKSS
NKSS từ môi trường: trẻ có thể bị lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua mẹ, thân nhân bệnh nhi, cán bộ y tế, không rửa tay trước khi tiếp xúc với bé, qua sữa mẹ hoặc qua chất bài tiết, dụng cụ y tế không vô khuẩn.
Về phía mẹ: do tình trạng người mẹ bị các bệnh hoa liễu hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, đường tiểu... không được điều trị kịp thời hoặc điều trị chưa đủ liệu trình. Mẹ sốt trước, trong hoặc sau sinh 24 giờ. Nước ối vỡ trên 18 giờ. Thời gian chuyển dạ trên 12 giờ. Ối bẩn hoặc nhiễm khuẩn ối.
Về phía con, bé bị suy thai không phải nguyên nhân sản khoa. Bé sinh có APGAR dưới 6 điểm lúc 5 phút. Bé sinh non hoặc nhẹ cân không rõ nguyên nhân. Cần lưu ý, theo nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có khoảng gần 50% NKSS không rõ yếu tố nguy cơ.
Bố mẹ cần chuẩn bị những gì?
Không phải trẻ nào cũng bị NKSS, nhưng bố mẹ nào cũng cần biết và sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Bắt đầu bằng việc tìm hiểm nguyên nhân và cách hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm nêu trên. Lựa chọn bệnh viện phụ sản uy tín tại miền Trung có đơn vị hồi sức sơ sinh NICU như Bệnh viện 600 giường Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng,... để bé nhận được sự chăm sóc kịp thời nếu có sự cố không may. Bố mẹ cần tham gia các lớp học tiền sản để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ; Thăm khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa; Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường niệu, sinh dục đầy đủ liệu trình; Hạn chế số người người thân tới thăm, nhất là những người đang có dấu nhiễm nhiễm bệnh (ho, hắt hơi, sốt…).
Quan trọng hơn cả, nếu con yêu bị NKSS, bố mẹ cần bình tĩnh để phối hợp cùng các y bác sĩ, điều dưỡng để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cụ thể: bố cần giúp đỡ mẹ phục hồi sau sinh; mẹ cần vắt, trữ sữa và cho con bú theo giờ;... đặc biệt tuân thủ quy trình vệ sinh tay trước khi chạm đến trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.