Hiểm họa ô nhiễm từ sân golf - Kỳ 2: Đánh đổi phải hợp lý

02/06/2015 06:52 GMT+7

Theo các chuyên gia, phát triển sân golf là một bài toán về sự đánh đổi giữa vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự phát triển với môi trường và xã hội. Vì vậy, phải tính toán và lựa chọn cách đánh đổi làm sao ít thiệt hại nhất.

Theo các chuyên gia, phát triển sân golf là một bài toán về sự đánh đổi giữa vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự phát triển với môi trường và xã hội. Vì vậy, phải tính toán và lựa chọn cách đánh đổi làm sao ít thiệt hại nhất.

Các chuyên gia khuyến cáo VN không nên làm sân golf ở các điểm nhạy cảm về môi trường Các chuyên gia khuyến cáo VN không nên làm sân golf ở các điểm nhạy cảm về môi trường - Ảnh: B.D

Xử lý bằng biện pháp sinh học

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết nếu so sánh ở khâu cấp phép thì ở các nước trên thế giới để chính quyền cấp phép làm một sân golf là vô cùng khó khăn. Có một số tiêu chí cơ bản như: không cho phép xây dựng gần khu dân cư, gần nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cả nông và công nghiệp, không ảnh hưởng đến dân sinh, phải cách xa các khu bảo tồn... Thường thì những sân golf chỉ có thể được cấp phép ở những vùng hoang mạc.

Sân golf biến thành khu đô thị vì thua lỗ

Cuối tháng 10.2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf VN đến năm 2020. Dự án do Tập đoàn Rạng Đông đầu tư. Theo báo cáo của nhà đầu tư, từ khi đi vào hoạt động (năm 1998) đến nay, việc kinh doanh không hiệu quả, kinh phí đầu tư, bảo trì và hoạt động quá cao, trong khi lượng khách rất thưa thớt, sân golf luôn trong tình trạng thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí. Được biết, tỉnh Bình Thuận đang dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này sang xây dựng khu đô thị.

Còn ở khâu quản lý, từ nhiều năm trước, các nước đã xây dựng một quy trình rất chặt chẽ. Họ có một danh mục các loại phân bón hóa chất được phép sử dụng, danh mục những loại bị cấm - những hóa chất lâu phân hủy hoặc gây tác hại lâu dài. Các tiêu chuẩn nước thải cho sân golf cũng rất cao. Trong khi đó, các chủ sân golf phải khai báo số lượng, tên phân bón hóa chất mà họ sử dụng với cơ quan chức năng và được giám sát rất kỹ. Các sân golf phải dành ra một khu đất riêng để xử lý các vấn đề nguy hại đó.

Từng tham quan nhiều sân golf trong và ngoài nước, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đánh giá, khoảng chục năm về trước các sân golf ở Thụy Điển thậm chí Malaysia hay Thái Lan đã rất chú trọng đến việc xử lý nguồn ô nhiễm phân bón, hóa chất bằng các biện pháp sinh học thông qua các bể lọc hồ chứa.

Cụ thể, để trồng cỏ sân golf, người ta phải lấy lớp đất mặt đi, đổ một lớp cát mỏng lên rồi trồng cỏ trên đó. Các sân golf được thiết kế các rãnh nhỏ để gom nước, tập trung lại trong một bể lọc, bằng biện pháp sinh học như sử dụng các loại tảo, một số loài thực vật thủy sinh… Sau đó nước được chuyển tới một hồ nước lớn để lọc vòng 2. Trong hồ nước này, người ta trồng rất nhiều loại cây có khả năng lọc nước như: cói, tràm, chuối nước…

Tránh những điểm nhạy cảm về môi trường

Theo TS Long: “Xét về điều kiện kinh tế của VN ở thời điểm hiện tại mà phát triển sân golf ồ ạt như hiện nay là chưa hợp lý”.

Cùng quan điểm trên, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nhận xét: Việc phát triển sân golf sẽ gây nên cảm giác khó chịu về sự bất bình đẳng trong xã hội. Hiện nay nhiều dự án sân golf chiếm những vị trí đắc địa về cảnh quan, dồn ra ven biển, cửa sông… rất nguy hiểm cho nguồn nước. Nhà nước cần phải điều tra, rà soát, đánh giá cho rõ ràng xem nó lợi và hại như thế nào.

"Hiện nay người ta toàn đặt sân golf ở các vị trí đắc địa. Kiểu xây dựng sân golf của VN sẽ “giết chết” môi trường. Chính vì vậy đầu tiên bây giờ chúng ta phải quy định sân golf không nằm trên đất nông nghiệp, không nằm vùng cửa sông, ven biển, vùng gần nguồn nước. Sân golf phải có vành đai cây xanh bảo vệ để tránh phát tán chất độc ra xung quanh qua không khí và hạn chế nguồn nước mặt chảy tràn ra bên ngoài" - TS Long dứt khoát. PGS Tuấn cũng đưa ra khuyến cáo: “Nhà nước phải kiểm soát được lượng hóa chất dùng cho các sân golf, phải biết là ngưỡng của nó tới mức nào. Phải xây dựng danh mục những loại hóa chất bị cấm. Các sân golf phải có hệ thống xử lý nước, kiểm soát độc chất của nó”.

VN có 96 sân golf

Khu vực trung du miền núi Bắc bộ có 14 sân golf (nhiều nhất là Quảng Ninh 5 sân); đồng bằng sông Hồng có 19 (Hà Nội 8); bắc Trung bộ và duyên hải nam Trung bộ 30 sân (riêng Bình Thuận 8 sân); Tây nguyên có 7 sân (Lâm Đồng có đến 5 sân); Đông Nam bộ 22 sân (Bà Rịa -Vũng Tàu dẫn đầu với 7 sân); ĐBSCL 4 sân (Long An 2 sân).

(Theo Quy hoạch dự kiến phát triển sân golf đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.