Kể từ khi các chuyên gia của Đại học California ở Berkeley (Mỹ) công bố phát minh mới là công cụ chỉnh sửa gien CRISPR-Cas9 vào năm 2012, ngày càng có nhiều dự án áp dụng kỹ thuật này để can thiệp vào cấu tạo gien của các sinh vật sống, theo trang cbc.ca. Các dự án gần đây bao gồm kế hoạch áp chế năng lực mang mầm bệnh ở muỗi, trong khi phía Trung Quốc vào năm 2015 đã gây xôn xao khi can thiệp vào gien di truyền của phôi người.
Bên cạnh các tranh cãi về sự an toàn cũng như góc độ đạo đức trong việc can thiệp đến tận gốc rễ sự hình thành sinh vật, một nguy cơ mới cũng đang được cảnh báo trong cộng đồng các chuyên gia và giới chức an ninh, đặc biệt tại Mỹ, rằng CRISPR-Cas9 có thể trở thành công cụ chế tạo vũ khí sinh học nguy hiểm nếu lọt vào tay kẻ xấu, theo tờ The Independent.
Công cụ khủng bố?
CRISPR-Cas9 là một kỹ thuật được phát hiện hết sức tình cờ, khi các chuyên gia của Đại học California nhận ra rằng cơ chế cắt và dán ADN được vi khuẩn sử dụng để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của vi rút có thể trở thành công cụ chỉnh sửa gien người.
Với công cụ này, các nhà nghiên cứu có thể thay thế các ký tự trên chuỗi gien, hoặc loại bỏ một đoạn ngắn, giống như cách chúng ta thay đổi một chữ cái trong câu. Hầu như chỉ sau một đêm, CRISPR-Cas9 cho phép bất kỳ ai từng được học và thực nghiệm môn sinh học phân tử ở mức cơ bản cũng có thể chỉnh sửa gien của mọi giống loài với độ chính xác chưa từng có.
Đột nhiên, những thí nghiệm vốn vô cùng khó khăn, hoặc thậm chí vô phương thực hiện, lại dễ như trở bàn tay, trong khi CRISPR-Cas9 là công cụ rẻ tiền và có sẵn cho mọi nhà nghiên cứu, theo Giáo sư John Parrington, nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Oxford (Anh).
Diễn biến bất ngờ cách đây 4 năm đang mở ra chân trời hoàn toàn mới cho giới các nhà khoa học không chuyên, cho phép họ can thiệp vào gien di truyền của những sinh vật như vi khuẩn và men để trao cho chúng những khả năng phi tự nhiên. Và thế là các cộng đồng tin tặc sinh học xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, với các tổ chức không chuyên tuyển mộ thành viên tham gia các dự án tự chế.
Hồi năm ngoái, tạp chí Nature đưa tin về một số nhóm tin tặc sinh học đã bắt đầu sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien hiện đại. Ví dụ, một nhóm ở London đang nghiên cứu kỹ thuật in 3D kết hợp nước ép trái cây và đường cellulose do vi khuẩn tạo ra. Trong một trường hợp khác, một nhóm đang nỗ lực tái cấu trúc men để tạo ra protein có trong sữa gọi là casein, với mục tiêu làm ra phô mai thực vật. Những người khác lại thao tác trên men bia để chế mùi vị mới, trong khi nhóm ở Nhật Bản muốn biến hoa cẩm chướng xanh thành trắng.
|
Theo trang fbi.gov, Đặc vụ trưởng Edward You thuộc Ban Giám sát các vũ khí hủy diệt hàng loạt hồi năm ngoái đã cảnh báo về nguy cơ của hoạt động chỉnh sửa gien tự phát và chưa được kiểm soát. Phát biểu tại hội nghị khoa học Vương quốc Anh ở TP.Swansea (Xứ Wales) hồi tuần trước, Giáo sư Parrington cũng nêu bật quan ngại của cộng đồng khoa học và các cơ quan an ninh đối với viễn cảnh CRISPR-Cas9 có thể được dùng để tạo ra một dòng vi khuẩn hoặc vi rút chết chóc mới, theo tờ The Independent.
Dù chuyên gia Parrington cho hay không dễ gì tạo ra dòng vi khuẩn hoặc vi rút hủy diệt, quân đội Mỹ đến nay đã có động thái nhập cuộc.
Kế hoạch phòng thủ
Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA), nhánh chuyên nghiên cứu các dự án tương lai của Bộ Quốc phòng Mỹ, vừa công bố chương trình mới có tên là “Gien an toàn”. Kỹ thuật CRISPR-Cas9 vốn đã được chứng minh có thể tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trên bộ gien di truyền và truyền cho các thế hệ sau. Do vậy, DARPA muốn xây dựng chương trình cụ thể nhằm nêu bật các nguy cơ đến từ xu hướng chỉnh sửa gien trong giới nghiên cứu lẫn nghiệp dư và có giải pháp thích đáng.
Giám đốc chương trình Renee Wegrzyn cho hay cơ quan Mỹ muốn thiết lập các quy tắc kiểm soát hoạt động chỉnh sửa gien và các kỹ thuật phát sinh, theo hướng hỗ trợ các nghiên cứu có lợi và bảo vệ nhân loại trước các cá nhân vô trách nhiệm, những kẻ ôm ý đồ phóng thích các sinh vật đã bị biến đổi gien gây hại ra cộng đồng.
Chương trình “Gien an toàn” được triển khai theo 3 mục đích chính, bao gồm xây dựng bộ công cụ có thể can thiệp một phần, tạm thời hoặc có thể đảo nghịch hậu quả chỉnh sửa gien trong các cơ thể sống; phát minh các biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn hoặc giới hạn việc thao tác trên gien sinh vật và bảo vệ tình trạng nguyên vẹn của gien trong các cộng đồng; cuối cùng là tìm cách loại bỏ gien không mong muốn và khôi phục trạng thái ban đầu của đối tượng. Nội dung chương trình này sẽ được thảo luận thêm ở sự kiện Proposers Day vào ngày 30.9 tại Viện Hòa bình Mỹ ở thủ đô Washington.
Nói tóm lại, Giám đốc Wegrzyn kết luận DARPA đang theo đuổi một nhóm các công cụ đa năng có thể áp dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau nhằm hỗ trợ sáng kiến sinh học và chống lại các mối đe dọa tiềm năng, trong đó có vũ khí sinh học.
Bình luận (0)