Lỗ hổng trong việc quản lý
Trao đổi với PV, một cán bộ Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP.HCM) cho biết tình trạng các địa điểm tư vấn, giả mạo văn phòng tuyển sinh, đào tạo lái ô tô trên địa bàn TP.HCM tồn tại nhiều năm qua. Hoạt động đào tạo lái xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy các trung tâm, trường dạy lái xe ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh còn phải được Sở LĐ-TB-XH và Sở GTVT cấp phép theo quy định. Thế nhưng nhiều nơi lợi dụng giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp (có mã ngành tư vấn giáo dục) để mở các cơ sở tư vấn, tuyển sinh, đào tạo, thi sát hạch giấy phép lái xe không đúng quy định.
Năm 2018, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Sở KH-ĐT và chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe trái phép. Theo Sở GTVT, thực trạng các cơ sở núp bóng công ty để hoạt động đào tạo lái xe chui không thuộc thẩm quyền kiểm tra của đơn vị này. Sở GTVT đã báo cáo, đề xuất tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH-ĐT và các quận, huyện trên địa bàn TP phát hiện, xử phạt các cơ sở này. Tháng 10.2018, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu các địa phương và các sở ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với những cơ sở giả mạo văn phòng tuyển sinh, đào tạo lái ô tô. “Thực trạng các cơ sở lợi dụng giấy đăng ký kinh doanh để đào tạo lái xe đã tồn tại nhiều năm qua. Đây là lỗ hổng trong việc quản lý và sẽ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội. Sở KH-ĐT là nơi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nên phải có trách nhiệm giám sát, quản lý và xử phạt hoạt động này. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phát hiện, đề xuất và phối hợp xử lý các cơ sở này”, một cán bộ Sở GTVT nói.
Theo thông tin từ Sở GTVT, từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở đã phát hiện 41 trường hợp xe tập lái của các trung tâm, trường đào tạo lái xe vi phạm và lập biên bản xử phạt hơn 32 triệu đồng.
Ngày 13.9 vừa qua, Sở GTVT đã yêu cầu Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý những ô tô gắn biển tập lái chạy sai tuyến đường, trong khu dân cư. Ngày 15.9, Sở GTVT đã có công văn gửi các trung tâm, trường dạy lái xe trên địa bàn yêu cầu chấn chỉnh công tác đào tạo.
Trách nhiệm xử lý của chính quyền địa phương
Theo kế hoạch thanh tra định kỳ và đột xuất hằng năm, Thanh tra Bộ GTVT và Thanh tra Tổng cục Đường bộ VN hoặc các sở GTVT sẽ kiểm tra các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe chính thức, tuy nhiên việc này không được tiến hành đối với các cơ sở đào tạo chui.
Trao đổi với PV Thanh Niên liên quan đến việc đào tạo, học lái xe chui, lãnh đạo Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Vụ PTNL - Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT) cho biết Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ VN về thực trạng nhiều công ty tư vấn về đào tạo lái xe được thành lập, Sở đã triển khai và phối hợp với các quận trên địa bàn kiểm tra, rà soát tình trạng này. “Những công ty này không có chức năng đào tạo, theo quy định chỉ được tư vấn học ở đâu hay như thế nào, những cái này không cấm người ta thành lập công ty được”, vị này cho hay.
Về việc nếu những công ty này có tình trạng dạy chui thì bị xử lý ra sao, theo lãnh đạo Vụ PTNL, trách nhiệm kiểm tra do Thanh tra Sở GTVT địa phương thực hiện. Nếu người dạy lái đi đào tạo mà không có giấy phép sẽ bị xử lý.
Tổng cục Đường bộ VN hiện mới nhận được phản ánh của Sở GTVT TP.HCM, ngoài ra báo chí cũng phản ánh việc dạy lái xe tại một số sân tập tự phát, không có giấy phép ở phía bắc, trong đó có Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội cũng đã đến kiểm tra trực tiếp nhưng người dạy không phải của các cơ sở đào tạo nên trách nhiệm xử lý với các sân tập tự phát này lại thuộc về chính quyền địa phương.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về các giải pháp chấn chỉnh khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do dạy lái xe chui hoặc không đúng quy định, lãnh đạo Vụ PTNL cho rằng những việc thuộc chức năng ngành giao thông thì ngành xử lý, còn lại thì do thanh tra, chính quyền địa phương. Theo quy định, trên xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái, giáo viên dạy phải có chứng nhận, học viên phải nằm trong danh sách lớp đang đào tạo, nếu không đủ các điều kiện này sẽ bị Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN hoặc các sở GTVT địa phương xử phạt.
Với đào tạo chui, không phải xe tập lái bình thường, người dạy cũng không phải giáo viên mà người học cũng không phải học viên có đăng ký tại các trung tâm được cấp phép đào tạo thì trách nhiệm xử lý của địa phương. “Ví dụ người dân bình thường có xe, hướng dẫn người khác học lái xe thì ngành giao thông không xử phạt được, nhưng dạy chui tại địa điểm nào đó thì địa phương hoàn toàn có thể xử phạt chủ cơ sở quản lý địa điểm. Hoặc người lái nếu là học viên chui, CSGT có thể xử phạt vì khi đó chưa có bằng nhưng lái xe ra đường mà không có giáo viên dạy lái (chính thức) kèm”, lãnh đạo Vụ PTNL cho hay.
C08 đang nghiên cứu, tập hợp tình trạng xe dạy lái để có kiến nghị
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT (C08, Bộ Công an), thẩm quyền quản lý đào tạo lái xe không phải của C08, tuy nhiên thời gian gần đây cơ quan này đã nắm bắt được 3 vụ tai nạn giao thông từ việc dạy lái ô tô, có cả “lái chui” và “lái chính thức”, nhưng hiểm họa từ việc dạy lái chui, trái pháp luật chỉ là một phần. Theo đại tá Nhật, để xảy ra tình trạng này là do thầy giáo chủ quan, giao xe cho học viên rồi ngồi ngoài uống nước, để học viên tự lái trong bãi cũng như ngoài đường; hoặc thầy giáo lơ là trong lúc dạy.
Đại tá Nhật cho hay việc đào tạo lái xe không thuộc chức năng quản lý nhà nước của C08, mà thuộc Bộ GTVT; ở các tỉnh thì thuộc Sở GTVT, còn C08 chỉ quản lý các phương tiện tham gia giao thông trên đường. Trước đây, trung tâm dạy lái xe ít, nhu cầu học bằng lái thì cao; nhưng giờ ngược lại, theo cơ chế thị trường nên trung tâm dạy lái xe mọc lên như nấm và có sự cạnh tranh. Chính sự cạnh tranh này phát sinh những trung tâm tư nhân núp bóng ở một trung tâm đào tạo đủ điều kiện nào đó để nhận và nộp hồ sơ vào rồi tự đào tạo học viên.
Theo đại tá Nhật, nếu theo học ở trung tâm chuẩn thì học viên sẽ được dạy lái đúng quy định, tuyến đường nào được phép dạy lái sẽ được sở GTVT cấp phép, tập sa hình phải ở bãi của trung tâm và mất chi phí. Do đó, xảy ra hiện tượng dạy lái ngoài, dạy lái chui, có thể thầy được cấp thẻ, chứng chỉ của trung tâm thật nhưng dạy hết thời gian ở trung tâm lại nhận dạy ngoài giờ và thầy tìm khu đất trống, khu vực vắng người để dạy học viên, tiết kiệm chi phí.
“Việc quản lý, kiểm tra, xử lý việc dạy lái xe, chức năng chính là của ngành GTVT. Lực lượng này phải kiểm soát, kiểm tra người dạy lái có đúng của trung tâm hay dạy chui, dạy ngoài; còn đi ngoài đường mà có vi phạm thì CSGT mới xử lý chứ không thể dừng xe để kiểm tra có đúng thầy dạy lái hợp pháp hay không. Ngoài ra, có những bãi dạy chui, bãi đất trống không phải tuyến đường tham gia giao thông thì CSGT cũng không thể xử lý. C08 đang nghiên cứu, tập hợp tình trạng xe dạy lái để có kiến nghị, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về Bộ GTVT”, đại tá Nhật nói.
Trần Cường
Bình luận (0)