Được phóng lên không gian vào năm 1993, Cosmos 2251 là một vệ tinh thông thường, được thiết kế để truyền tín hiệu ở khắp lãnh thổ Nga. Trong khi đó, vệ tinh Iridium 33 của hãng Motorola - được phóng vào năm 1997- cũng làm điều tương tự, dù di chuyển trên một quỹ đạo hơi khác so với Cosmos 2251. Trong những năm qua, cả 2 vệ tinh này chỉ bận tâm đến công việc của mình và vẫn luôn cách xa nhau ít nhất 1.000 km.
Hồi chuông cảnh báo
Thế rồi sự cố đã xảy ra với Cosmos khiến nó trôi chệch hướng. Vào ngày 10-2-2009, Motorola mất tín hiệu của Iridium. Đã xảy ra chuyện mà không ít chuyên gia lo ngại trong nhiều năm qua: Hai vệ tinh còn nguyên vẹn đã va chạm nhau trên không gian. Hậu quả không chỉ gói gọn ở việc tổn thất tài sản. Vụ nổ thảm họa từ sự va chạm giữa 2 vệ tinh nặng hơn nửa tấn và đang di chuyển ở tốc độ 7,5 km/giây đã tạo ra một đám mây mảnh vỡ khổng lồ đe dọa đến các vệ tinh đang hoạt động trên không gian. Sự kiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong bối cảnh các chính phủ đang ngày càng dựa nhiều vào vệ tinh để thu thập thông tin tình báo, hướng dẫn hệ thống vũ khí, dự báo thời tiết, giám sát nông nghiệp, vận hành hệ thống viễn thông, dẫn đường...
Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), ước tính hiện có khoảng 750.000 mảnh vỡ nhân tạo có đường kính lớn hơn 1 cm trên các quỹ đạo. Phân nửa vật thể này có thể được tìm thấy ở quỹ đạo thấp quanh trái đất (LEO), nơi chứa khoảng phân nửa vệ tinh đang hoạt động của thế giới. Các chuyên gia ước tính rằng các mảnh với vỡ có thể va chạm với một trong số 900 vệ tinh đang hoạt động ở LEO mỗi 2 hoặc 3 năm. Lần đầu tiên, rác không gian trở thành yếu tố rủi ro lớn nhất đối với thiết bị trên một số quỹ đạo. Ngay cả Trạm Không gian Quốc tế một ngày nào đó cũng bị đe dọa khi các mảnh vỡ rơi vào quỹ đạo của nó.
Không dễ đối phó
Kể từ sau vụ va chạm giữa Iridium và Cosmos, Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA), Cơ quan Không gian châu u và Liên Hiệp Quốc đã có các cuộc họp để bàn cách thức ngăn chặn những sự cố tương tự và bảo vệ các vệ tinh. Việc bảo vệ những thiết bị điện tử tinh vi của vệ tinh có thể ngăn chặn những vật thể có đường kính nhỏ hơn 1 cm, nhưng không hiệu quả đối với những mảnh vỡ lớn hơn. Một lựa chọn tốt hơn là trang bị cho vệ tinh khả năng tự lái. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi vệ tinh phải mang theo thêm nhiên liệu, khiến nó trở nên nặng hơn và quá trình phóng trở nên tốn kém hơn. Ngoài ra, phương pháp này cũng đòi hỏi việc theo dõi tốt hơn các vật thể không gian.
Nhiều kỹ sư cũng bắt đầu có suy nghĩ rằng giải pháp duy nhất là chủ động loại bỏ rác khỏi quỹ đạo. Không ít ý tưởng đã được đưa ra để làm điều này. Đối với vật thể cỡ trung bình và nhỏ, họ đang xem xét ý tưởng dùng những chùm laser đủ mạnh để đẩy vật thể lên những quỹ đạo cao hơn, nơi có ít khả năng chúng va chạm với vệ tinh hơn. Trong khi đó, một phương pháp loại bỏ những vật thể lớn, nguy hiểm hơn có thể là gửi một loại tàu không gian nào đó để tóm chúng rồi đưa xuống một quỹ đạo thấp hơn, nơi chúng bị thiêu rụi trong tầng khí quyển. Dù vậy, ông T.S Kelso, một chuyên gia về hàng không học tại Công ty Analytical Graphics, chỉ ra rằng trọng lực là thách thức lớn nhất đối với những nỗ lực nói trên và chúng ta sẽ phải làm quen với những tai nạn trên không gian nếu không tìm ra được cách vượt qua nó.
Theo Phương Võ / Người Lao Động
Bình luận (0)