Hãng tin AFP hôm 16.11 dẫn lời ông Yvan Bakaric, 70 tuổi, nói ông đã uống một loại thuốc có tên gọi Mediator trong 2 năm liên tục để trị bệnh tiểu đường. Ông cho biết thuốc này khiến ông giảm đến 40 kg và ông đã nghĩ rằng mình sẽ chết trước khi bác sĩ quyết định không cho ông dùng nữa. “Tôi ốm và xanh xao đến nỗi bạn bè không còn nhận ra tôi. Tôi đã chắc chắn rằng mình sẽ chết”, ông Bakaric thổ lộ, và nói thêm rằng đến nay ông vẫn thường xuyên mệt mỏi và khó thở.
Dù vậy, ông cụ Bakaric vẫn còn may mắn hơn hàng trăm người khác. Những người này có thể đã tử vong vì tác dụng phụ của loại thuốc trên, vốn do tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai tại Pháp là Servier sản xuất.
Từ 500 - 1.000 nạn nhân
Theo báo Telegraph, Servier đang là tâm điểm của vụ tai tiếng chấn động liên quan đến Mediator, vốn ban đầu dành cho bệnh nhân tiểu đường nhưng sau đó trở thành loại thuốc chống thèm ăn được ưa chuộng rộng rãi.
Mediator có ở Việt Nam |
Tại Việt Nam, Mediator được dùng theo toa chỉ định của bác sĩ để điều trị đái tháo đường loại 2, rối loạn mỡ máu. Chủ một nhà thuốc ở Q.10 (TP.HCM) cho biết: “Ở thị trường Việt Nam, Mediator cũng đã có mặt hơn 10 năm. Bên cạnh dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, loại thuốc này còn phụ trị trong giảm cholesterol, tan mỡ, giảm cân. Nhưng hơn 6 tháng nay, nhà cung cấp thông báo với chúng tôi không nhập loại thuốc này nữa vì hãng dược ngưng sản xuất bởi những tác dụng phụ của thuốc”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện vẫn có nhà thuốc ở TP.HCM còn bán loại thuốc này. (Thanh Tùng) |
Cơ quan An toàn dược phẩm của Pháp (AFSSAPS) hôm 16.11 cho biết các chuyên gia dịch tễ học tin rằng thuốc Mediator có thể liên quan đến cái chết của ít nhất 500 người trong 33 năm hiện diện trên thị trường. Tờ Le
Figaro nêu số liệu thậm chí còn khủng khiếp hơn: thuốc này có thể đã khiến từ 500-1.000 người tử vong. Theo AFSSAPS, khoảng 5 triệu người đã sử dụng Mediator, với thành phần chính là hoạt chất benfluorex, từ năm 1976 cho đến khi nó bị rút khỏi thị trường vào tháng 11.2009. Khi AFSSAPS quyết định chấm dứt lưu hành loại dược phẩm này với lý do nó không có tác dụng nhiều đối với bệnh tiểu đường và có thể gây tổn hại van tim, vẫn còn khoảng 300.000 người đang dùng thuốc.
Tuy nhiên, lệnh cấm được thực thi không mấy nhanh chóng ở Pháp dù đã có không ít cảnh báo về tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. AFP dẫn lời tiến sĩ Irène Frachon khẳng định: “Giới chức y tế rất chậm chạp trong việc thu hồi loại thuốc này bất chấp nhiều lời báo động. Cá nhân tôi biết một số bệnh nhân và những gì họ phải chịu đựng. Một số người phải tiến hành phẫu thuật tim mở và phải uống rất nhiều thuốc”. Từ tháng 2 năm ngoái, bà Frachon đã cảnh báo AFSSAPS về những nguy hại đối với van tim của benfluorex. Bà ước tính rằng cứ 2.000 người dùng thuốc thì sẽ có một người gặp nguy hiểm đến tính mạng và 80% trong số những người bị tác động là phụ nữ.
Bộ trưởng Y tế Pháp Xavier Bertrand hôm 16.11 khuyến cáo những người đã dùng thuốc Mediator nên đi khám bệnh. “Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan y tế liên lạc với tất cả bệnh nhân có liên quan, đặc biệt là những người uống thuốc từ 3 tháng trở lên trong 4 năm qua”, ông nói.
Những cuộc kiểm nghiệm
Theo ABC News, benfluorex đã được kiểm nghiệm trong nhiều năm nhưng chỉ đến năm 2006, một trường hợp gặp vấn đề về van tim liên quan đến chất này mới được xác nhận. Đó là một bệnh nhân nữ phải thay van tim sau khi dùng thuốc Mediator.
Một cuộc nghiên cứu bổ sung được tiến hành vào mùa hè qua nhằm xác định tác động của benfluorex đối với các bệnh nhân dùng thuốc từ năm 2006. Các nhà nghiên cứu xem xét những lần nhập viện của các bệnh nhân này và những trường hợp tử vong liên quan đến các vấn đề van tim cho đến tháng 6.2010. Kết quả, theo AFSSAPS, khoảng 500 trường hợp tử vong có thể do benfluorex gây ra.
Tập đoàn Servier cũng tiến hành thử nghiệm riêng và bác bỏ những kết luận của
AFSSAPS. Trong thông cáo đưa ra hôm qua, tập đoàn này tuyên bố 2,5% dân số thế giới gặp các vấn đề về van tim và tuổi tác cùng bệnh tiểu đường còn làm gia tăng nguy cơ này. “Không thể quy trách nhiệm cho các loại thuốc chỉ từ việc quan sát một bệnh nhân tiểu đường có vấn đề tim mạch”, AFP dẫn thông cáo của Servier nói. Tuy vậy, hãng dược này cũng khuyên những người dùng thuốc nên đi gặp bác sĩ “để đề phòng”.
Tổng cộng, Servier đã bán 145 triệu hộp Mediator ở Pháp cho gần 3 triệu người. Năm ngoái, doanh số từ thuốc này tại Pháp đạt 30 triệu euro, chưa đầy 1% so với tổng doanh thu của hãng. Giờ đây họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ phải hầu tòa sau thông báo của AFSSAPS. Ít nhất 4 vụ kiện liên quan đến Mediator đang chờ Servier. Ngoài Pháp, Mediator cũng bị cấm tại Tây Ban Nha, Ý và Mỹ.
Trùng Quang
Bình luận (0)