(TNO) Nghề “ăn cơm dưới đất làm việc trên cây”, vừa đảm nhiệm việc chăm sóc cây xanh, vừa giữ vai trò cứu hộ mỗi khi cần thiết.
Để trèo lên một cây cao cho an toàn, cần phải có sự phối hợp của rất nhiều người - Ảnh: Phạm Hữu
|
Theo chân đội 5 thuộc Xí nghiệp cây xanh số 1, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM mới thấy được những cực nhọc cũng như hiểm nguy mà người làm nghề “trèo cây” luôn phải đối mặt.
Thợ leo
Nói đến cái nghiệp mà mình đã gắn bó gần 30 năm, ông Huỳnh Văn Sắt (59 tuổi) chia sẻ, nếu không yêu nghề thì rất khó bám trụ lâu dài. Yêu cầu của nghề ít nhất phải có năng khiếu leo trèo, sức khỏe và trình độ hiểu biết nhất định về cây.
|
Nhắc lại lúc mới vào nghề, ông Sắt nói cảm giác sợ độ cao là không thể tránh khỏi vì không biết nguy hiểm đến với mình lúc nào. Để leo lên một cây cao, ngoài chuyện phải có sức khỏe tốt, kỹ năng giỏi, người thợ trèo cũng cần sự phối hợp với ê kíp, nhất là những người ở mặt đất, vì vậy cần phải liên kết, “ăn rơ”. Nếu lơ là một chút, có thể xảy ra chuyện không hay. Những lúc xe thang vươn lên không tới, người thợ đành phải trực tiếp leo từ gốc. Ông Sắt cho ví dụ: “Một người trên cao đã cưa gãy nhánh nhưng phía bên dưới không kéo giữ nhánh, để nhánh treo lơ lửng cũng có thể dẫn đến va quẹt với người trên cây”.
Đối với “thợ leo” như ông Sắt, khó nhất là những cây dầu cao thẳng đứng gần 40 m. “Ngày đầu tiên leo cảm giác buồn nôn chóng mặt là không thể tránh khỏi. Lúc đó tôi chỉ biết ôm cây mà “bò” từ từ thôi. Những người mới vào nghề, không vượt qua nỗi sợ độ cao đành phải bỏ nghề. Ớn nhất là lúc làm trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) đang cắt nhánh cây, một cơn giông bất chợt làm cây cạnh bên ngã, anh em ai cũng đứng tim. Có nhiều cây khi cắt hết tàng, còn lại thân và gốc bất ngờ bật ngược vì gốc nặng hơn thân”.
Tuy vậy, người có kinh nghiệm cũng chưa chắc đã tránh khỏi tai nạn bất ngờ. Ông Sắt nhớ như in lần bất cẩn khi ông đang ở trên cây vô tình để cưa máy đang chạy va vào chân làm xé toạc một mảng thịt trên bắp chân, máu chảy đầm đìa nhưng cũng ráng đu xuống đất.
Ông Sắt chợt rùng mình khi nhớ lại tai nạn của một tổ phó cũ khi đang đang leo trên một nhánh khô, bất cẩn rớt từ trên nhánh cây cao xuống ở độ cao gần 30m nhưng may mắn vẫn còn sợi dây an toàn níu lại. Lúc đó người đồng nghiệp của ông Sắt cứ lơ lửng trên không với sợi dây an toàn thắt chặt vào bụng…
Người thợ trèo có khi ở trên cây hàng giờ - Ảnh: Phạm Hữu
|
Một tốp thợ đang thực hiện việc đốn hạ cây mục có nguy cơ ngã bất cứ lúc nào - Ảnh: Phạm Hữu
|
Xông vào “vùng nóng”
Chuyện thức trắng đêm hay bị phá giấc ngủ cũng là điều bình thường đối với nghề trèo cây. Những tháng mưa, người thợ phải thay nhau trực 24/24 giờ. Nếu một cây ngã đổ thì tổ trực có thể giải quyết, nhưng đêm khuya giông bão nhiều cây ngã thì những người đang ngủ ở nhà cũng phải bật dậy làm việc.
Nhờ sự hỗ trợ của xe nâng, người thợ trèo cũng đỡ vất vả hơn - Ảnh: Phạm Hữu
|
Ông Bùi Văn Thành, Phó giám đốc Xí nghiệp cây xanh 1 cho biết, không những giải quyết những cây xanh ngã đổ thông thường, đội còn thường xuyên “tác chiến” ở những “điểm nóng” mưa bão trên khắp cả nước.
Năm 2005, cơn bão số 6 ập vào miền Trung, vùng tâm bão tan hoang, nhiều cây đổ sụp, ngã đè nhà dân…, đơn vị nhận lệnh lên đường mặc dù bão vẫn chưa tan.
Cũng trong ngày đầu tháng 4.2012, cơn bão số 1 đổ bộ vào TP.HCM một cách dữ dội, lúc đó anh em trong đội hầu như phải liên tục làm việc, bất kể ngày đêm. Một ngày, cả đội chỉ ngủ được 2 tiếng, cứ thế làm liên tục trong 2 ngày đêm mới có thể giải phóng hết số cây bị hư hại.
“Lúc đó toàn thành phố cây ngã rất nhiều, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cũng như giao thông nên anh em chúng tôi phải thay phiên nhau làm bất kể ngày đêm”, ông Thành cho biết thêm.
“Mình vừa làm vừa ăn trên cây. Hết nguy hiểm, anh em cảm thấy rất thoải mái. Nhà có cây ngã đổ cũng cảm thấy mừng. Nói chung làm nghề này được người dân thương yêu”, ông Thành tâm sự.
Bình luận (0)